Thêm sinh kế từ vốn vay ưu đãi
Ngày 23/9/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 74/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Theo đó, nâng mức vay ưu đãi tối đa 100 triệu đồng đối với người lao động (trước đây là 50 triệu đồng) và 2 tỷ đồng/dự án đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh (trước đây là 1 tỷ đồng).
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lạng Giang thăm xưởng sản xuất đồ gỗ của gia đình anh Luân, chị Huyền. |
Thời hạn cho vay nâng lên tối đa 120 tháng (trước đây là 60 tháng). Lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh tăng, bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo (7,92%/năm) thay vì trước đây bằng lãi suất cho vay với hộ nghèo (6,6%/năm). Những điều chỉnh này góp phần tăng cơ hội tiếp cận và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay của người dân các địa phương.
Theo ông Hoàng Văn Thắng, Trưởng phòng Lao động - Việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), ngày 30/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid -19 với chính sách hỗ trợ lãi suất với các khoản vay giải quyết việc làm.
Cụ thể, giảm lãi suất 2%/năm đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm và được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) giải ngân trong giai đoạn 2022-2023. Để hỗ trợ người dân tiếp cận vốn thuận lợi, Sở LĐTBXH đã chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tăng cường tuyên truyền về những quy định mới.
Tuổi còn trẻ, có sức khỏe, vợ chồng chị Đỗ Thị Huyền (SN 1992), anh Lê Văn Luân (SN 1989), thôn Cây Táo Tân Thành, xã Tân Hưng (Lạng Giang) luôn nỗ lực vượt khó, mong muốn ổn định đời sống trên quê hương. Tiếp nối nghề mộc của gia đình, năm 2015, anh chị xây dựng xưởng sản xuất đồ gỗ.
Lấy công làm lãi, thu nhập từ làm nghề cũng vừa đủ trang trải cuộc sống song vì thiếu vốn, dự định mở rộng quy mô nhà xưởng của hai vợ chồng nhiều lần phải gác lại.
Anh Luân chia sẻ: “Không có vốn thì chẳng thể làm gì được. May mắn có khoản vay 100 triệu đồng từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm lại được giảm lãi suất, vợ chồng tôi vay thêm vốn để mở rộng nhà xưởng, mua sắm thêm máy cưa bàn trượt, máy cuốn gỗ liên hợp, máy phay để hỗ trợ tăng năng suất, cải tiến mẫu mã sản phẩm”.
Trải qua thời gian khó khăn, đến nay, xưởng mộc của anh chị đã hoạt động ổn định, tạo việc làm cho gần 10 lao động, chủ yếu là thanh niên địa phương. Với các sản phẩm gỗ nội thất, thị trường ngày càng mở rộng, trung bình mỗi năm, cơ sở có lãi gần 400 triệu đồng.
Bắt đầu xây dựng mô hình chăn nuôi gà thương phẩm từ đầu năm 2019 với diện tích chuồng trại hơn 1,4 nghìn m2, tổng đàn khoảng 1,2 vạn con, dốc hết vốn liếng, mượn thêm người thân, bạn bè, anh Nguyễn Văn Thịnh (SN 1972), thôn An Phú, xã Khám Lạng (Lục Nam) phải vay ngân hàng thương mại gần 300 triệu đồng.
Với số tiền lãi mỗi năm từ 3 lứa gà thịt khoảng 150 triệu đồng, đến cuối năm 2021, anh đã trả hết các khoản vay và dự định mở rộng mô hình. Qua ủy thác của Hội Nông dân xã, tháng 5/2022, anh được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện giải ngân khoản vay 100 triệu đồng từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm.
Với số vốn này, gia đình anh bắt tay tăng quy mô chuồng trại thêm 900 m2; đầu tư máng đựng thức ăn, hệ thống làm mát theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật; áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học nên gia cầm phát triển tốt, ít bị dịch bệnh. Tận dụng đất đồi để trồng cỏ làm thức ăn, anh mua thêm 25 con dê về nuôi, dự định nhân đàn để bán thương phẩm.
Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh, doanh số cho vay của Quỹ trên địa bàn tỉnh đạt hơn 294 tỷ đồng với tổng số gần 4,4 nghìn khách hàng được vay vốn; số lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là hơn 6,6 nghìn người. |
Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh, doanh số cho vay của Quỹ quốc gia giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh đạt hơn 294 tỷ đồng với tổng số gần 4,4 nghìn khách hàng được vay vốn; số lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là hơn 6,6 nghìn người.
Tổng dư nợ tính đến hết tháng 9/2022 đạt gần 531,1 tỷ đồng, hơn 8,9 nghìn khách hàng đang có dư nợ; doanh số thu nợ đạt gần 97,2 tỷ đồng. Đến nay, nguồn vốn mang lại hiệu quả tích cực, doanh số cho vay tăng dần, tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn thấp (hiện số tiền nợ quá hạn là 118 triệu đồng, chiếm 0,022 % tổng dư nợ).
Ông Hà Quốc Quân, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động cho vay từ nguồn quỹ này vẫn còn nhiều bất cập. Số vốn được giải ngân tập trung chủ yếu vào nhóm hộ gia đình, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp nhỏ lẻ nên số lao động được tạo việc làm mới chưa nhiều.
Nguồn vốn T.Ư phân bổ không lớn (68,9 tỷ đồng năm 2015), số cho vay chủ yếu từ vốn quay vòng hằng năm; nguồn kinh phí đối ứng của tỉnh, huyện còn hạn chế. Vì vậy, trong tổng số 16 chương trình cho vay vốn hiện nay thì dư nợ của Quỹ quốc gia giải quyết việc làm hiện chỉ chiếm 9% tổng dư nợ của ngân hàng, chưa thể đáp ứng được nhu cầu vay vốn ngày càng tăng của người dân, cơ sở sản xuất.
Năm 2022, nguồn vốn T.Ư phân bổ 160 tỷ đồng, ngân sách địa phương đối ứng 27,5 tỷ đồng (trong đó, vốn tỉnh 15 tỷ đồng, huyện 12,5 tỷ đồng). Đây là cơ hội tốt cho các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng quy mô hoạt động, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, Sở LĐTBXH, Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, nhất là đoàn thể nhận ủy thác đẩy nhanh tiến độ xét duyệt, thẩm định hồ sơ, tư vấn mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với từng đối tượng vay vốn.
Cùng đó, đề xuất Chính phủ duy trì cấp bổ sung nguồn vốn cho Quỹ hằng năm; cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm, bố trí thêm nguồn lực để cho vay giải quyết việc làm.
Chia sẻ kinh nghiệm của đơn vị, chị Vũ Minh Tâm, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tân Yên nói: “Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, cho vay tối đa theo hạn mức, sau khi thẩm định, chúng tôi ưu tiên lựa chọn những mô hình trọng điểm, có khả năng phát triển, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương để giải ngân. Phương pháp dồn vốn này cũng tạo thuận lợi khi đôn đốc trả lãi, kiểm soát tốt dư nợ, hạn chế tối đa nợ quá hạn”.
Bài, ảnh: Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)