Thế giới năm 2022: Trong vòng xoáy biến động
Hệ lụy từ cuộc xung đột Nga - Ukraine
Cuộc xung đột Nga - Ukraine được xem đã làm "rung lắc" trật tự do Mỹ đứng đầu trong nhiều thập kỷ qua. Sau gần một năm xung đột xảy ra, giới chuyên gia nhận định, trật tự đơn cực xây dựng trên sự lãnh đạo của Mỹ đang lung lay dữ dội và thế giới đang dần định hình sang trật tự “đa cực, đa trung tâm”. Cuộc xung đột cũng chia rẽ thế giới thành ba phần khác nhau. Thứ nhất, những quốc gia phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, chẳng hạn như Mỹ và các đồng minh. Họ không trực tiếp đối đầu với quân đội Nga, mà cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine và áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm làm tê liệt nền kinh tế của Nga. Thứ hai, các quốc gia ủng hộ Nga như: Iran, Belarus, Syria, Venezuela, Cuba và cả Trung Quốc. Và thứ ba, các quốc gia trung lập, chẳng hạn như Ấn Độ, Pakistan...
Cuộc xung đột đã khiến nhiều nước phải đối mặt với những thách thức kinh tế liên quan, cùng với đó là nhiều cuộc biểu tình, đình công khiến các chính phủ càng khó khăn trong giải quyết các vấn đề trong nước. Nhiều chính phủ đã sụp đổ, như ở Anh, Italy, Bulgaria... Hệ lụy kinh tế của cuộc xung đột ở Ukraine rõ ràng đang làm tổn thương tất cả. Giá dầu mỏ và các mặt hàng lương thực đều tăng cao. Lạm phát ở mức đỉnh điểm vì gián đoạn chuỗi cung ứng.
![]() |
Cuộc xung đột Nga -Ukraine đã khiến nhiều nước phải đối mặt với những thách thức kinh tế. |
Nhiều chuyên gia mô tả thế giới năm 2022 rơi vào "khủng hoảng đa chiều" với môi trường quốc tế phức tạp, khó lường hơn. Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng quyết liệt trong mọi lĩnh vực. Việc phương Tây đưa cả Nga và Trung Quốc vào tầm ngắm dường như đang gián tiếp thúc đẩy Bắc Kinh và Moskva xích lại gần nhau, ít nhất là trong các lĩnh vực hợp tác chiến lược để làm giảm tầm ảnh hưởng từ các động thái cấm vận kinh tế từ phương Tây.
Trong một thế giới đầy biến động, Việt Nam vẫn kiên định chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị. Đường lối đối ngoại không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải đã giúp bạn bè và đối tác quốc tế ngày càng tin cậy và yêu mến Việt Nam. |
Cuộc chiến của Nga đối với Ukraine cũng cho thấy quyết tâm của Nga tái cấu trúc an ninh châu Âu thời hậu Chiến tranh Lạnh nhằm đạt được các lợi ích tốt hơn - đặc biệt là bằng cách giành lại phạm vi ảnh hưởng ở biên giới phía Tây. Nga đã sử dụng dầu mỏ và khí đốt như công cụ chiến lược để đáp trả các đòn trừng phạt của phương Tây, điều này cũng làm gián đoạn nguồn cung và giá cả năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, điểm tích cực trong năm qua là cuộc khủng hoảng năng lượng đã tạo ra bước ngoặt lịch sử khi các nước tăng cường đầu tư cho nhiên liệu tái tạo và hỗ trợ chống biến đổi khí hậu. Theo hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy, nguồn vốn đầu tư được rót vào các dự án năng lượng tái tạo đã tăng đáng kể lên 494 tỷ USD trong năm nay, vượt xa mức đầu tư 446 tỷ USD vào các hoạt động thăm dò, khoan và khai thác dầu khí.
Mô hình quản trị toàn cầu đã bị suy yếu
Năm 2022, tổn thương của nền kinh tế toàn cầu ngày một rõ ràng hơn. Lãi suất liên tiếp được nâng lên, lạm phát tăng nóng và cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài… là những yếu tố cho thấy nền kinh tế thế giới đang bước vào suy thoái. Việc nhiều quốc gia thắt chặt chính sách tiền tệ có nguy cơ đẩy kinh tế thế giới rơi vào suy thoái nhanh hơn. Điều này gây tổn hại cho các nước đang phát triển và nhiều khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến Mỹ, châu Âu và Trung Quốc vào năm 2023.
Bị thúc đẩy bởi cả những lo ngại về địa chính trị và đại dịch Covid-19, thế giới đang hướng tới sự “chia tách toàn cầu” - theo đó tìm cách xóa bỏ sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Sản xuất tại các quốc gia tập trung khả năng phục hồi chứ không phải là tính hiệu quả. Biến đổi khí hậu đã chuyển sang giai đoạn quan trọng. Các tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu đối với KT-XH và địa chính trị cùng với an ninh lương thực và áp lực kinh tế làm trầm trọng thêm sự đứt gãy toàn cầu. Đáng lo ngại là các thể chế và mô hình quản trị toàn cầu đã bị suy yếu. Sự đồng thuận cần thiết để cho phép hệ thống đa phương hoạt động một cách đáng tin cậy đang thiếu trong môi trường toàn cầu ngày càng cạnh tranh, trong bối cảnh Nga muốn giành lại vị thế của mình.
Các nước đang phát triển thường muốn tránh bị lôi kéo vào việc chọn bên trong cuộc cạnh tranh địa chính trị ngày càng tăng giữa các cường quốc. Tuy nhiên, không có gì đáng ngạc nhiên khi những nước nhỏ cũng muốn tận dụng cuộc cạnh tranh để tạo lợi thế cho riêng mình (bao gồm cả các quốc đảo Thái Bình Dương). Các quốc đảo lo lắng vì cấu trúc toàn cầu hiện tại không mang lại lợi ích cho họ, đặc biệt là về biến đổi khí hậu.
Trong môi trường địa chính trị mang tính đối đầu hơn, các nước nhỏ sẽ càng khó khăn hơn trong việc quản lý mối quan hệ với các cường quốc. Việc bảo vệ các lợi ích sống còn của họ sẽ đòi hỏi sự cân bằng thận trọng: Trung thành với các nguyên tắc và giá trị được tôn trọng đồng thời thích ứng với các thực tế chiến lược đang thay đổi.
Điểm sáng Việt Nam
Trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng phức tạp, Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong bức tranh toàn cầu năm 2022. Ổn định chính trị là yếu tố hàng đầu giúp Việt Nam kiên trì chính sách phát triển kinh tế, có được một nền hòa bình và thịnh vượng.
![]() |
Năm 2022 Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. |
Kinh tế Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thách thức sau gần ba năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như nguy cơ mất an ninh năng lượng, lương thực do xung đột vũ trang và vấn đề địa chính trị trên thế giới. Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Năm 2022, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là 1 trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng bậc xếp hạng tín nhiệm.
Trong một thế giới đầy biến động, khó lường, Việt Nam vẫn kiên định chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị. Đường lối đối ngoại không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải đã giúp bạn bè và đối tác quốc tế ngày càng tin cậy và yêu mến Việt Nam.
Thanh Bình
Ý kiến bạn đọc (0)