Tham gia các Hiệp định thương mại tự do: Cơ hội đưa nông, lâm sản hội nhập quốc tế
Chủ động thực thi các FTA
Việt Nam tham gia FTA từ năm 1993, đến nay đã đàm phán, ký kết và thực thi 16 FTA với các đối tác thương mại song phương và đa phương. Việt Nam cũng đang trong đàm phán và khởi động đàm phán 3 FTA khác, bao gồm: Việt Nam - EFTA (Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein); ASEAN - Canada; Việt Nam - Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE FTA).
Người dân thôn Quý Thịnh, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) thu hoạch vải thiều xuất khẩu. |
Các FTA có tác động to lớn đến phát triển nông nghiệp, công nghiệp của cả nước nói chung, trong đó có tỉnh Bắc Giang. Khi tham gia các FTA, Bắc Giang có thể tận dụng những lợi thế để thu hút đầu tư, mở rộng xuất khẩu và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế. Các DN, HTX trong tỉnh có thể tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài, tiếp cận thị trường mới, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) chia sẻ: “Khi tham gia các FTA, DN “giải quyết” được điều kiện hàng rào chất lượng. Từ đó, sẽ tổ chức sản xuất các sản phẩm đúng tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, nhiều FTA có lộ trình ưu đãi về thuế (giảm thuế) cho các DN trong từng lĩnh vực sản xuất riêng biệt; thủ tục thông quan hàng hóa nhanh.
Những ưu điểm này là cơ sở tạo ra sức bật cạnh tranh cho các DN tại các quốc gia tham gia FTA”. Nhờ nắm được các cơ hội do các FTA đem lại, sản phẩm chế biến từ nông sản của Công ty đã cạnh tranh được với nhiều sản phẩm cùng loại trên thị trường và đang có mặt tại nhiều thị trường như: Hoa Kỳ, Úc, EU...
Sản xuất đậu tương rau chế biến xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn). |
Những năm qua, tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm đến các chủ trương, chính sách hội nhập của Đảng và Nhà nước, coi đó là “đòn bẩy” phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế nông nghiệp. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo Hội nhập kinh tế quốc tế; tập trung chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế qua việc tổ chức nhiều hội nghị thông tin chuyên đề này cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cán bộ chuyên môn và DN, HTX. Nhờ đó, một số sản phẩm nông sản chủ lực của Bắc Giang như: Vải thiều, dưa bao tử, rau củ quả chế biến đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới với sản lượng xuất khẩu mỗi năm hàng trăm nghìn tấn; sản phẩm lâm sản chế biến xuất khẩu cũng tăng theo.
Nhiều giải pháp vượt qua thách thức
Theo đánh giá của Sở Công Thương, bên cạnh những cơ hội khi tham gia các FTA, nông nghiệp Bắc Giang sẽ đối mặt với một số thách thức lớn. Đó là công nghiệp chế biến còn manh mún. Công nghệ bảo quản sau thu hoạch, năng lực quản trị của DN và các HTX thấp. Nguy cơ rủi ro cao do công tác dự báo thị trường chưa theo kịp yêu cầu. Sản xuất nông nghiệp quy mô, sản lượng lớn nhưng kỹ thuật thâm canh còn lạc hậu; thời gian thu hoạch và tiêu thụ lại quá ngắn (khoảng 30 ngày) nên khó bảo quản, chế biến, gia tăng giá trị. Sản phẩm nông, lâm sản của Bắc Giang còn bị cạnh tranh bởi nhiều loại nông sản thay thế khác...
Thời gian tới, Bắc Giang tập trung phát triển 7 sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, gồm các cây: Ăn quả, lúa, rau, lấy gỗ và các con: Lợn, gà, cá với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu”.
Đồng chí Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT
|
Để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức mà các FTA mang lại, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản để thực thi hiệu quả các FTA.
Trong đó (giai đoạn 2021-2025), ngành Nông nghiệp đã phối hợp xây dựng và triển khai nhiều đề án về mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ; xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Niu-cát-xơn đối với gà; hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng và phát triển sản xuất cây ăn quả bền vững… bước đầu mang lại hiệu quả.
Tỉnh cũng ban hành quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (trong đó có sản phẩm OCOP); hỗ trợ thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trồng trọt, chế biến; giao các đơn vị và địa phương liên quan tổ chức và tham gia hàng chục hội chợ trong và ngoài nước để quảng bá, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện đưa nông sản xuất khẩu.
Thu hoạch dưa chuột chế biến xuất khẩu tại HTX Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao G.O.C, xã Ngọc Thiện (Tân Yên). |
Thực hiện các chủ trương, đề án nêu trên, hiện Bắc Giang đã quy hoạch nhiều vùng sản xuất chuyên canh tại hầu hết các huyện trong tỉnh với tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm đạt hơn 152 nghìn ha. Các cây trồng có diện tích và sản lượng lớn có thể xuất khẩu như: Lúa, ngô, rau các loại (gồm cả khoai tây), cây ăn quả… có tổng sản lượng hơn 250 nghìn tấn.
Bắc Giang phát triển đàn lợn khoảng 1 triệu con và đàn gà hơn 20,5 triệu con, đáp ứng cho ngành chế biến xuất khẩu. Toàn tỉnh có hơn 92,7 nghìn ha rừng trồng, mỗi năm khai thác khoảng 1 nghìn ha, sản lượng hơn 1 triệu m3 gỗ. Đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 720 HTX, 4 liên hiệp HTX nông nghiệp; 485 trang trại trồng trọt và chăn nuôi; 275 sản phẩm OCOP. Năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm sản của tỉnh đạt hơn 1,53 tỷ USD, tăng 90 triệu USD so với năm trước.
Đồng chí Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Thời gian tới, Bắc Giang tập trung phát triển 7 sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, gồm các cây: Ăn quả, lúa, rau, lấy gỗ và các con: Lợn, gà, cá với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu”.
Bài, ảnh: Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)