Tạo việc làm, tăng thu nhập từ vốn chính sách
Những mô hình hiệu quả
Nhờ được vay vốn từ Quỹ với lãi suất ưu đãi mà nhiều hội viên nông dân xã Tân Hưng (Lạng Giang) có cơ hội đầu tư cho chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Hùng (SN 1972), thôn Nước Giời với mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm, lợn nái. Có kinh nghiệm nhưng thiếu vốn nên gia đình chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Mô hình sản xuất mỳ gạo của gia đình chị Bùi Thị Liên (bên trái) ở xã Nam Dương (Lục Ngạn) tạo việc làm cho 5 lao động địa phương. |
Năm 2020, ông Hùng được vay 100 triệu đồng, kỳ hạn 36 tháng từ nguồn uỷ thác của Hội Nông dân xã. Ông vay mượn thêm người thân, bạn bè để đầu tư sửa chữa, mở rộng diện tích chuồng trại. Hiện ông có hơn 100 con lợn, kết hợp nuôi bò và khoảng 1 nghìn con gia cầm. Trừ chi phí, trung bình mỗi năm, gia đình ông Hùng thu lãi gần 200 triệu đồng. Ông chia sẻ: “Được hỗ trợ thêm vốn đồng thời thường xuyên được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật chăn nuôi nên mô hình đã mang lại hiệu quả, giúp gia đình tôi có thêm thu nhập”.
Ông Thân Văn Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hưng cho biết: “Đây là nguồn vốn ưu đãi quan trọng nên Hội luôn tạo điều kiện thuận lợi để hội viên được tiếp cận. Đến nay, thông qua 9 tổ vay vốn của Hội Nông dân xã, đã có hơn 300 hộ được thụ hưởng với dư nợ hơn 11 tỷ đồng; không có trường hợp nợ quá hạn. Nhằm giúp hội viên vay, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, hằng năm, Hội đều phối hợp với đơn vị chức năng mở các lớp tập huấn cách thức sử dụng vốn. Cùng đó, hỗ trợ tối đa hội viên hoàn thiện thủ tục để được giải ngân nhanh nhất”.
Là một trong 4 hộ dân thuộc Hợp tác xã mỳ Chũ Nam Thể, thôn Thủ Dương, xã Nam Dương (Lục Ngạn) được vay vốn từ Quỹ, năm 2021, gia đình chị Bùi Thị Liên (SN 1981) được vay 90 triệu đồng để đầu tư cải tiến máy móc nhằm nâng công suất, chất lượng mỳ gạo. Được ông, bà truyền nghề, sau khi lập gia đình, chị Liên và chồng vẫn mong muốn giữ nghề truyền thống.
Sau 2 lần vay vốn từ nguồn Quỹ thông qua hợp tác xã (năm 2009 và 2021), chị Liên đã có thêm điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường ổn định. Hiện bình quân mỗi tháng, gia đình chị xuất bán gần 4 tấn mỳ, tạo việc làm thời vụ cho 5 lao động địa phương, thu nhập ổn định 300 nghìn đồng/người/ngày. Được biết, Hợp tác xã mỳ Chũ Nam Thể, thôn Thủ Dương, xã Nam Dương (Lục Ngạn) thành lập từ năm 2007, hiện đã thu hút hơn 60 thành viên là các hộ chuyên sản xuất mỳ gạo truyền thống tham gia, tạo việc làm cho hơn 200 lao động địa phương.
Quản lý chặt, bổ sung nguồn vốn
Vốn vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm là một chương trình tín dụng chính sách quan trọng, có ý nghĩa xã hội lớn, giúp nhiều hộ, cơ sở sản xuất - kinh doanh duy trì hoạt động, mở rộng quy mô, gia tăng lợi nhuận, cải thiện đời sống. Qua các giai đoạn, chính sách được điều chỉnh phù hợp, giúp các đối tượng thụ hưởng tiếp cận thuận lợi hơn.
Theo ông Hoàng Văn Thắng, Trưởng Phòng Lao động - Việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), để triển khai hiệu quả chương trình cho vay, đơn vị đã chủ động, tích cực phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh, các đơn vị được ủy thác tập trung ở khâu rà soát, lựa chọn đối tượng phù hợp. Từ đó, hướng dẫn người có nhu cầu vay vốn hoàn thiện hồ sơ, giải ngân kịp thời, đúng mục đích, bảo đảm nguồn cho vay phát huy tối đa hiệu quả.
Hiện nay, mức vay từ quỹ cao nhất là 100 triệu đồng đối với người lao động; 2 tỷ đồng/dự án đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh. Thời hạn cho vay tối đa 120 tháng (trước đây là 60 tháng); lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo là 7,92%/năm. |
Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh, tính đến ngày 30/5/2023, tổng nguồn vốn cho vay của Quỹ đạt hơn 779,6 tỷ đồng, tăng 20,5% so với năm 2022. Doanh số cho vay đạt hơn 171,1 tỷ đồng với gần 2 nghìn khách hàng được vay vốn, tạo việc làm cho gần 2,2 nghìn lao động. Dư nợ 5 tháng đầu năm là hơn 774,6 tỷ đồng với 11,5 nghìn khách hàng còn dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn chỉ có 159 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,02%/tổng dư nợ của chương trình. Có được kết quả này, ngoài bảo đảm quy trình giải ngân, việc kiểm soát chặt chẽ vốn cho vay được hệ thống ngân hàng CSXH quan tâm.
Ông Đàm Ngọc Nga, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lục Nam cho biết: “Trong vòng 30 ngày sau khi giải ngân, đơn vị cử cán bộ trực tiếp kiểm tra từng dự án, trường hợp sử dụng không đúng mục đích sẽ bị thu hồi vốn cho vay. Đồng thời, phối hợp với cán bộ hội, đoàn thể nhận uỷ thác tổ chức giám sát quá trình sử dụng vốn, đôn đốc thu lãi hằng tháng, nhắc nhở người vay trả nợ đúng hạn; kịp thời phối hợp, hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị xử lý với các hộ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan”.
Tuy vậy, hiện nay, nguồn vốn T.Ư phân bổ vào Quỹ rất khiêm tốn, chỉ chiếm 0,96% tổng nguồn vốn cho vay của ngân hàng; số cho vay chủ yếu từ vốn quay vòng hằng năm. Qua khảo sát thực tế, nguồn vốn vay mới chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu của người dân địa phương. Nhằm tăng cơ hội tiếp cận vốn chính sách cho người dân, bên cạnh đề xuất Chính phủ cân đối, hằng năm cấp bổ sung nguồn vốn cho quỹ, UBND huyện, TP cần tiếp tục quan tâm, bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác, ủy thác cho Ngân hàng CSXH.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường phối hợp với Ngân hàng CSXH trong xây dựng kế hoạch tạo việc làm và giải ngân nguồn vốn. Ở khâu thẩm định, ưu tiên cho vay đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo nhiều việc làm, đặc biệt là việc làm phi nông nghiệp, lao động là người khuyết tật, thanh niên, phụ nữ nông thôn. Đẩy mạnh tuyên truyền, lồng ghép hoạt động tín chấp với các chương trình khuyến nông, khuyến công, chuyển giao kỹ thuật của các hội, đoàn thể ở địa phương. Từ đó, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.
Bài, ảnh: Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)