Những chính sách mới về việc làm, tiền lương có hiệu lực từ tháng 4/2023
Kiểm định chất lượng đầu vào công chức định kỳ 2 lần/năm
Nghị định số 06/2023 của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức có hiệu lực từ 10/4/2023. Bộ Nội vụ là cơ quan có thẩm quyền kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Bộ Nội vụ có thẩm quyền kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Ảnh minh họa. |
Theo Nghị định trên, việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức áp dụng đối với người đăng ký tuyển dụng vào công chức thông qua hình thức thi tuyển.
Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức là hoạt động đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với thí sinh trước khi tham gia tuyển dụng công chức tại cơ quan có thẩm quyền.
Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được tổ chức định kỳ 2 lần vào tháng 7 và tháng 11 hằng năm.
Hình thức kiểm định là thi trắc nghiệm trên máy vi tính. Nội dung kiểm định gồm: Hiểu biết chung về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, quản lý hành chính Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức; kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử, đạo đức công vụ… và đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn.
Người dự tuyển trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên được xác định là đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đầu vào. Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có giá trị sử dụng trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ.
Định mức số lượng người làm việc trong cơ sở y tế công lập
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-BYT ngày 17/02/2023 về hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 5/4/2023.
Bộ Y tế hướng dẫn về vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Ảnh minh họa. |
Thông tư này hướng dẫn về vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập thuộc các Bộ, ngành và địa phương.
Đối tượng áp dụng: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; Trung tâm cấp cứu 115; Cơ sở kiểm nghiệm, kiểm định dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm; Cơ sở pháp y, pháp y tâm thần, giám định y khoa; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thông tư này không áp dụng đối với: Các đơn vị nghiên cứu lĩnh vực y tế và các cơ sở điều dưỡng, phục hồi chức năng thuộc Bộ, ngành khác; trong việc giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Các cơ sở y tế thuộc Bộ, ngành khác và cơ sở y tế ngoài công lập có thể căn cứ hướng dẫn tại Thông tư để áp dụng thực hiện cho phù hợp với thực tiễn.
Điều kiện bổ nhiệm hòa giải viên
Thông tư số 01/2023 của Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết về điều kiện bổ nhiệm hòa giải viên của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực từ ngày 25/4/2023.
Theo đó, Thông tư này quy định chi tiết về điều kiện bổ nhiệm hòa giải viên theo quy định tại Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Về xác định chuyên gia, nhà chuyên môn khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Điều 3 Thông tư nêu rõ: Chuyên gia, nhà chuyên môn khác là người được đào tạo chuyên sâu, có kỹ năng thực hành công việc, có kinh nghiệm thực tiễn, lý luận chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể. Ví dụ: Chuyên gia tâm lý học, chuyên gia tài chính, chuyên gia sở hữu trí tuệ...
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định, xác định người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:
Người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư là người hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư; có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào trong phạm vi nhất định, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.
Ví dụ: Già làng, trưởng bản... tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số người có uy tín, có hiểu biết phong tục tập quán trong cộng đồng dân cư.
Xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa
Thông tư 02/2023 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa có hiệu lực từ ngày 10/4/2023.
Xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa. Ảnh minh họa PLO. |
Các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa quy định tại Thông tư này được áp dụng Bảng 3 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204 ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, cụ thể như sau:
a) Chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa chính được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A2, nhóm 2 (A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38;
b) Chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;
c) Chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa trung cấp được áp dụng ngạch lương của viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.
Ý kiến bạn đọc (0)