Tạo cú "hích" cho du lịch Bắc Giang: Kỳ II - Xây dựng sản phẩm và thương hiệu
|
Du khách thăm chùa Bổ Đà (Việt Yên). |
"Chọn mặt gửi vàng"
Du lịch là lĩnh vực tổng hợp, có tính liên vùng, liên ngành và xã hội hóa cao, vì thế liên kết cùng phát triển là đòi hỏi tất yếu. Ông Nguyễn Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quy hoạch Hà Nội (đơn vị tư vấn điều chỉnh quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030) cho biết: Du lịch của Bắc Giang đang ở tốp dưới, chỉ đóng vai trò là "món ăn kèm", điểm tạm dừng chân của du khách trên tuyến du lịch qua các tỉnh, thành như: Hà Nội, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Vì thế, bên cạnh bắt tay hợp tác, liên kết cũng cần xác định các địa phương trên chính là "đối thủ" của tỉnh. Muốn tạo được sức hút, tỉnh cần có sản phẩm độc đáo mà văn hóa Bắc Giang là nguyên liệu tốt cho việc xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch khác biệt.
Thực tế cho thấy chỉ có danh lam thắng cảnh đẹp thôi chưa đủ, nếu không được đầu tư, tài nguyên du lịch mãi ở dạng tiềm năng, khó có thể khai thác, phát huy hết thế mạnh. Ở nhiều địa phương khi có nhà đầu tư đủ tầm, chuyên nghiệp họ có thể biến không thành có bằng những "sản phẩm nhân tạo" và gắn với từng thị trường mục tiêu. Đối với một số quốc gia, thiên nhiên không phải là điều tiên quyết tạo nên sự hấp dẫn của điểm đến, vì vậy khi Bắc Giang có được nhà đầu tư chiến lược, họ sẽ giúp tạo ra các chuỗi dịch vụ hấp dẫn nhằm kéo dài thời gian lưu trú, kích thích chi tiêu, đồng thời khuyến khích du khách trở lại nhiều lần.
Ông Sỹ cũng cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, bài toán đặt ra là tỉnh phải thu hút thêm từ một đến hai nhà đầu tư chiến lược với hy vọng sẽ có sản phẩm du lịch mang tính đột phá có chất lượng cao, trong đó cần mời gọi, ưu tiên các nhà đầu tư vào khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp. Xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào các dự án tiềm năng như: Đồng Cao, hồ Khuôn Thần, làng cổ Thổ Hà, núi Nham Biền, khu du lịch Xuân Lung - Thác Ngà. Định hướng xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù như: Du lịch đường sông về miền quan họ, du lịch Tây Yên Tử theo dấu chân Phật Hoàng Trần Nhân Tông, du lịch thể thao cao cấp gắn với sân golf Yên Dũng. Đồng thời tăng cường quảng bá, tuyên truyền thông qua đăng cai tổ chức các sự kiện cấp vùng, cấp quốc gia. Tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, mở rộng kết nối các địa phương lân cận. Bước sau đó mới tính đến tiếp cận các doanh nghiệp (DN) du lịch hàng đầu của Việt Nam đưa khách về địa phương. Làm được những điều trên, tỉnh cần có chính sách ưu đãi và cơ chế thực sự thông thoáng, minh bạch, tạo thuận lợi thu hút sự tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh của DN.
Thực tế cho thấy ở những nơi du lịch phát triển, trong tất cả các dự án, mô hình, chính quyền và DN đều tính đến việc phục vụ cho du lịch như phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng cây ăn quả, xây dựng sản phẩm nông sản, giao thông, điện nước, công trình văn hóa... Tỉnh Bắc Giang có thể tham khảo mô hình này nhằm làm nổi bật tiềm năng, sản phẩm đặc trưng, thích hợp với từng thị trường mục tiêu. Công tác đầu tư phát triển du lịch cần nghiên cứu kỹ, có trọng tâm, trọng điểm theo lộ trình và tránh dàn trải.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tiến Sỹ cảnh báo, dù tỉnh đang có hướng "trải thảm đỏ" mời gọi đầu tư trong lĩnh vực du lịch song bài học kinh nghiệm ở một số tỉnh cho thấy, quá trình lựa chọn nhà đầu tư phải thực sự thận trọng, cần “chọn mặt gửi vàng”. Tránh trường hợp DN không có năng lực hoặc mục đích vào chủ yếu để “giữ chỗ”, chiếm dụng đất đai, triển khai chậm tiến độ hoặc phá vỡ quy hoạch, cảnh quan. Du lịch của tỉnh đi sau sẽ có lợi thế và nhiều kinh nghiệm quý, tránh được những “vết xe đổ” của một số địa phương đi trước.
Nhà ga cáp treo tại Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử sắp hoàn thành đón du khách khai Hội Xuân Tây Yên Tử vào đầu năm 2018. Ảnh: Việt Hưng. |
Xây dựng thương hiệu
Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay bằng nguồn vốn 40 tỷ đồng T.Ư hỗ trợ, tỉnh đang xúc tiến khởi công xây dựng hạ tầng cho Khu du lịch Suối Mỡ với các hạng mục đường nội bộ, nạo vét, kè hồ. Sắp tới sẽ triển khai làm hạ tầng giao thông vào khu vực Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, đường vào chùa Kem, xã Nham Sơn (Yên Dũng) với kinh phí khoảng 20 tỷ đồng từ ngân sách. Năm 2018 sẽ khởi công dự án tôn tạo di tích những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế với trọng tâm là hạng mục phục dựng đồn Phồn Xương, tôn tạo đền thờ nghĩa quân Yên Thế, một phần thành lũy... tổng mức đầu tư dự án 40 tỷ đồng vốn ngân sách; khởi công đường vành đai 4 có kết nối vào Bổ Đà vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ. |
Trước sự cạnh tranh như hiện nay, việc định hướng xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng cao có vai trò đặc biệt quan trọng. Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Minh Hà: Quan điểm phát triển du lịch của tỉnh là Nhà nước sẽ ưu tiên đầu tư bảo đảm kết cấu hạ tầng, bến, bãi, cấp điện, cấp nước, xử lý môi trường, hỗ trợ đào tạo nhân lực, trùng tu tôn tạo các di tích, danh thắng; các dịch vụ cụ thể do DN đảm nhiệm.
Được biết, năm 2018, khi Luật Du lịch có hiệu lực, tỉnh sẽ công bố điều chỉnh Quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; công bố các dự án thu hút đầu tư vào các khu, điểm du lịch của tỉnh. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư riêng cho lĩnh vực này, trên cơ sở đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư vào các dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí có chất lượng cao, song hành với đó là quan tâm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường. Việc lựa chọn xây dựng ba sản phẩm du lịch đặc trưng là: Văn hóa - tâm linh; lịch sử - văn hóa; sinh thái - nghỉ dưỡng gắn với du lịch cộng đồng nhằm phát huy lợi thế từ thiên nhiên, văn hóa, có sự tham gia tích cực của cộng đồng sở tại. Nếu được khơi dậy, khai thác hiệu quả sẽ giảm bớt những chi phí đầu tư lớn ban đầu, nhất là trong bối cảnh xuất phát điểm du lịch của tỉnh thấp, nguồn lực hạn hẹp.
Mục tiêu của Bắc Giang đến năm 2020 sẽ hình thành các sản phẩm du lịch rõ nét và có địa chỉ cụ thể để chào đón du khách. Một trong các nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là xây dựng, phát triển Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử trở thành điểm nhấn quan trọng. Do vậy việc quảng bá du lịch cũng sẽ được quan tâm hơn bằng nhiều hình thức qua các kênh truyền thông quốc tế hay kết hợp với phim truyền hình, mạng xã hội. Đặc biệt chú trọng xây dựng các điểm đến văn minh, thân thiện, tập huấn kỹ năng phục vụ, hình thành văn hóa du lịch cho những người cung cấp dịch vụ.
Để tạo sản phẩm đặc trưng, Bắc Giang sẽ kết hợp nhiều loại hình du lịch khác nhau trong một chương trình du lịch để tạo hứng thú với du khách bằng việc kết hợp các hoạt động tìm hiểu di sản văn hóa với thưởng ngoạn cảnh quan tự nhiên, mua sắm. Trong đó xác định Tây Yên Tử là điểm đến du lịch tâm linh, sinh thái khi khám phá những nét đẹp đặc trưng của làng quê và văn hóa khu vực Đông Bắc được thể hiện ở phong tục, tập quán, ẩm thực, đặc sản địa phương, phong cảnh. Khi sản phẩm đã hình thành, bước tiếp là tổ chức đón các đoàn khảo sát gồm các doanh nghiệp, người làm du lịch, hãng vận chuyển, quản lý điểm đến, giới truyền thông. Tổ chức xúc tiến, quảng bá thông qua mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram, Youtube. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã xác định phải liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa Bắc Giang và các tỉnh trong khu vực miền Bắc. Đồng thời sẽ quan tâm tổ chức các sự kiện quảng bá, mời các tổ chức, DN lữ hành trong nước khảo sát du lịch, tổ chức hội nghị xúc tiến phát triển sản phẩm du lịch tại TP Hồ Chí Minh, kết nối các DN đưa khách đến Bắc Giang.
Hiện nay, UBND tỉnh đã lên kế hoạch tổ chức hội nghị “Xúc tiến đầu tư du lịch tỉnh Bắc Giang" vào đầu năm 2018, đồng thời đang hoàn thiện hệ thống công cụ xúc tiến du lịch như: Clip, phim du lịch, bản đồ, tờ rơi, tờ gấp, poster ảnh, quà tặng với thông tin phong phú và bằng nhiều ngôn ngữ. Ký kết hỗ trợ đào tạo nhân lực, ký kết phối hợp xây dựng tuyến du lịch trọng tâm trọng điểm như: Tây Yên Tử - Khe Rỗ - Đồng Cao; Khu di tích Khởi nghĩa Yên Thế - Xuân Lung - Thác Ngà; Vân Hà - Bổ Đà; du lịch thể thao (sân golf Yên Dũng); mua sắm (TP Bắc Giang); du lịch trải nghiệm đồng ruộng, vùng cây ăn quả (Lục Ngạn). Trong điều chỉnh Quy hoạch phát triển văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mà tỉnh đang hoàn thiện đã nghiên cứu và xác định mục tiêu, định hướng thị trường và sản phẩm, không gian, cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật phát triển du lịch. Hy vọng đó sẽ là những “cú hích”, là hành lang, cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư, tạo ra sức bật cho Bắc Giang hướng tới hình thành ngành du lịch phát triển bền vững.
Kim Hiếu - Nguyễn Hưởng
Ý kiến bạn đọc (0)