Tăng đối thoại, ngừa ngừng việc tập thể dịp cuối năm
Lắng nghe, chia sẻ, hóa giải tranh chấp từ đầu
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 9 vụ ngừng việc tập thể, tăng 4 vụ so với cùng kỳ năm 2019. Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho rằng: Dù quy mô, thời gian diễn ra đều giảm nhưng đây là dấu hiệu xấu cần được các cấp, ngành cùng phối hợp giải quyết để ổn định tình hình quan hệ lao động, nhất là vào thời điểm cuối năm thường phát sinh mâu thuẫn từ vấn đề lương, thưởng Tết. Hơn thế, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của các DN.
Lãnh đạo LĐLĐ huyện Tân Yên nắm bắt tình hình việc làm, thu nhập của người lao động tại Công ty TNHH Hana Kovi Việt Nam. |
Qua tổng hợp, nguyên nhân dẫn tới ngừng việc tập thể phần nhiều là bất đồng về tiền lương, thưởng Tết trong khi áp lực công việc cuối năm lớn. Vì vậy, từ cuối tháng 10, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh xây dựng kế hoạch, triển khai đến các cấp công đoàn nhiệm vụ chăm lo Tết cho đoàn viên, NLĐ. Trong đó, tập trung nắm bắt tình hình lương, thưởng Tết ở các DN, nhất là DN sử dụng nhiều lao động; tham mưu với chủ sử dụng lao động dành kinh phí hỗ trợ, tạo động lực làm việc, duy trì quan hệ lao động hài hòa.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh cho biết: “Hiện LĐLĐ tỉnh chỉ đạo, yêu cầu 17 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và hơn 1,8 nghìn công đoàn cơ sở duy trì thường xuyên hoạt động đối thoại định kỳ. Đây chính là kênh thông tin quan trọng để công đoàn lắng nghe, chia sẻ, đề xuất lãnh đạo DN kịp thời giải đáp, điều chỉnh những chính sách phù hợp nhằm hóa giải mâu thuẫn ngay từ đầu”.
Chia sẻ "bí quyết" để 5 năm qua, dù có tới hơn 23 nghìn công nhân nhưng Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology, Khu công nghiệp (KCN) Vân Trung (Việt Yên) không xảy ra ngừng việc tập thể, Chủ tịch Công đoàn Công ty Hoàng Văn Thao cho biết, trên cơ sở bám sát lịch sản xuất, Ban Chấp hành Công đoàn xây dựng kế hoạch đối thoại định kỳ hằng tháng phù hợp. Tại đây, đại diện lãnh đạo công ty, các phòng, ban gặp gỡ trực tiếp công nhân. Những vấn đề công nhân đóng góp ý kiến, bày tỏ nguyện vọng, khúc mắc đều được trao đổi, giải đáp, có phương án giải quyết cụ thể, thỏa đáng.
“Tại các buổi đối thoại, kết quả sản xuất, kinh doanh của DN được ban giám đốc công khai tới NLĐ. Từ đó, tạo niềm tin để người lao động yên tâm sản xuất, gắn bó và chia sẻ nếu DN khó khăn, vì lợi ích chung”, anh Thao nói. Nhờ vậy, ngoài ổn định quan hệ lao động, đời sống của NLĐ công ty từng bước cải thiện với thu nhập bình quân đạt 8 triệu đồng/người/ tháng.
Nhân rộng mô hình tổ “công nhân nòng cốt”
Toàn tỉnh hiện có hơn 1,8 nghìn công đoàn cơ sở với hơn 237,2 nghìn đoàn viên công đoàn, trong đó hơn 600 tổ chức trong DN. Với sự chỉ đạo sát sao của LĐLĐ tỉnh, vào cuộc tích cực của đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, quyền, lợi ích chính đáng của NLĐ cơ bản được bảo đảm, góp phần ổn định quan hệ lao động. Đóng góp vào kết quả này có vai trò của cán bộ công đoàn cơ sở trong tham mưu, đề xuất duy trì hoạt động đối thoại tại nơi làm việc.
Năm 2020, có 496/608 DN (đạt 80,9%) tổ chức hội nghị NLĐ; 532/608 DN (đạt 87,5%) tổ chức hơn 2 nghìn cuộc đối thoại định kỳ, đột xuất tại nơi làm việc. |
Đơn cử như tại Công ty TNHH Samkwang Vina (KCN Quang Châu), anh Lê Văn Huân, Trưởng phòng Nhân sự, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Với khoảng 2,5 nghìn công nhân, để kịp thời nắm bắt tình hình, không để phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp lao động, Ban Chấp hành Công đoàn thành lập các tổ “công nhân nòng cốt” tại từng tổ sản xuất, thành viên là những đoàn viên tích cực, nhiệt tình, trách nhiệm.
Đến nay, tại DN đã xây dựng được 22 tổ hoạt động hiệu quả. Đây chính là “tai mắt” của tổ chức công đoàn, giúp nắm bắt nhanh nhất, cụ thể nhất tâm tư nguyện vọng, dư luận trong công nhân. Trên cơ sở đó, thông tin đến công đoàn cơ sở để kiến nghị tới lãnh đạo DN. Đồng thời, phổ biến chính sách pháp luật, giúp NLĐ ổn định tư tưởng, yên tâm làm việc.
Tại Tân Yên, theo ông Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch LĐLĐ huyện, thời điểm cuối năm thường phát sinh tranh chấp lao động, do đó đơn vị chỉ đạo cán bộ công đoàn ở 34 DN trên địa bàn chủ động tổ chức các buổi đối thoại đột xuất với DN và người lao động. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến hai bên, LĐLĐ huyện sẽ phân công cán bộ chuyên trách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trước mắt; cập nhật tình hình liên tục, kịp thời giải quyết mâu thuẫn, không để xảy ra ngừng việc tập thể.
Đối thoại định kỳ tại nơi làm việc chính là giải pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn mầm mống ngừng việc, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong DN. Để duy trì hiệu quả hoạt động này, LĐLĐ tỉnh chú trọng bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn; nhất là kỹ năng tổ chức phong trào, gây dựng niềm tin trong công nhân.
Trước khi tổ chức đối thoại, cán bộ công đoàn cần thu thập thông tin, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng NLĐ để giải quyết, hạn chế mâu thuẫn phức tạp. Cùng đó, công đoàn các cấp tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan, tham gia thanh tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đoàn viên.
Ý kiến bạn đọc (0)