Chủ động giải quyết, khắc phục nguyên nhân, giảm các vụ ngừng việc tập thể
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương phát biểu tại hội nghị. |
Trong 5 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 8 vụ tranh chấp lao động, dẫn tới ngừng việc tập thể (bằng 80% so với cùng kỳ năm trước), đều xảy ra tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Tổng số lao động tham gia khoảng 8,4 nghìn người với tổng thời gian ngừng sản xuất là 16 ngày. Đáng lưu ý, 6/8 vụ việc diễn ra ở DN đã có công đoàn cơ sở và cả 8 vụ đều không do công đoàn tổ chức và lãnh đạo.
Nguyên nhân dẫn tới các vụ ngừng việc là do chủ sử dụng lao động thực hiện chưa đúng các quy định pháp luật hay gặp khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh; NLĐ chưa nắm rõ chính sách, kiến nghị không theo trình tự hoặc so sánh với các DN cùng ngành, khu vực nên đưa ra đòi hỏi; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật chưa hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, xử lý vi phạm không đủ sức răn đe; một số công đoàn cơ sở hoạt động kém hiệu quả, chưa kịp thời nắm bắt nguyện vọng của NLĐ.
Về kết quả giải quyết, sau khi các ngành chức năng, địa phương vào cuộc, hầu hết các vụ việc đều đạt được thỏa thuận giữa NLĐ và chủ sử dụng, chấp thuận một phần hoặc toàn bộ các nội dung tranh chấp về lợi ích.
Ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh trao đổi tại hội nghị. |
Tại hội nghị, các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm rút ra trong quá trình giải quyết ngừng việc tập thể như: Nâng cao vai trò tổ chức công đoàn trong DN nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư NLĐ, đề xuất kiến nghị với chủ DN; đồng thời thông tin tới công đoàn cấp trên, cơ quan chức năng các vi phạm của DN để ngăn ngừa vụ việc.
Các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với UBND huyện, TP trong quá trình giải quyết ngừng việc tập thể; việc điều chỉnh các chế độ, chính sách với NLĐ, nhất là nội dung trong thỏa ước lao động tập thể cần được công khai, thông tin kịp thời tới các cơ quan liên quan nhằm giám sát việc thực hiện và nghiên cứu hướng giải quyết khi ngừng việc xảy ra. Phải có văn bản thỏa thuận đạt được sau ngừng việc để làm căn cứ cho hai bên thực hiện đúng cam kết. Có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn nữa đối với các DN vi phạm chính sách lao động.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh, số vụ ngừng việc tập thể những tháng đầu năm có dấu hiệu gia tăng, ảnh hưởng lớn đến đời sống công nhân và tình hình sản xuất của DN. Công tác giải quyết còn một số khó khăn, hạn chế đòi hỏi các ngành chức năng, địa phương tích cực vào cuộc. Thời gian tới, các đơn vị liên quan tập trung thực hiện các giải pháp: UBND huyện, TP rà soát, lập danh sách những DN thường xảy ra ngừng việc hoặc có nguy cơ cao để tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật lao động; chủ trì thành lập tổ công tác, đề nghị các cơ quan liên quan tham gia giải quyết vụ việc, tổ chức họp, thống nhất phương pháp giải quyết.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi tình hình chấp hành pháp luật lao động của DN, kịp thời kiến nghị với cơ quan chức năng xem xét về nhu cầu mở rộng đầu tư của họ; hoàn thành xây dựng văn bản hướng dẫn về quy trình, trách nhiệm giải quyết đình công để ban hành trong tháng 6. Tổ chức công đoàn chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nghiêm quy định về đối thoại định kỳ; tăng cường tập huấn về pháp luật lao động, quy trình đình công, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với cán bộ công đoàn cơ sở; đa dạng hình thức giáo dục pháp luật với công nhân, thiết lập kênh thông tin qua mạng xã hội. Lực lượng công an chủ động bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông; tổ chức rút kinh nghiệm sau mỗi vụ ngừng việc.
Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)