Tăng cường bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi
Đoàn đã đến kiểm tra trực tiếp tại ba xã Phượng Sơn, Quý Sơn, Mỹ An - khu vực trọng điểm chăn nuôi lợn của Lục Ngạn. Tại đây, đồng chí Lê Ánh Dương trao đổi, nắm tình hình tại một số hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn, các chốt kiểm soát lưu thông vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; công tác chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch động vật huyện và cấp xã.
Đồng chí Lê Ánh Dương thăm khu chuồng trại của gia đình anh Hoàng Văn Hùng, thôn Chể, xã Phượng Sơn. |
Qua thực tế cho thấy cả hệ thống chính trị của huyện Lục Ngạn đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP. Hầu hết người dân có đầy đủ thông tin về mối nguy hại của bệnh và chấp hành đúng những nội dung trong cam kết. Khâu vệ sinh, khử trùng khu vực chăn nuôi; kiểm soát lưu thông động vật và các sản phẩm động vật được duy trì liên tục. Đến nay huyện đã thành lập 3 đoàn, tổ kiểm tra tiến hành kiểm tra 27/30 xã, thị trấn trong huyện. Huyện thành lập 3 chốt kiểm soát tại các tuyến giao thông trọng yếu. Toàn huyện cung ứng hơn 115 tấn vôi bột và 190 lít hóa chất tiêu độc khử trùng cho các thôn, hộ gia đình (chưa kể người dân tự mua); đã có hơn 2.000 hộ chăn nuôi ký cam kết thực hiện phòng, chống DTLCP, thực hiện chăn nuôi an toàn…
Đoàn công tác kiểm tra chốt kiểm soát việc lưu thông vận chuyển động vật qua địa bàn xã Mỹ An. |
Tại các nơi đến kiểm tra, đồng chí Lê Ánh Dương ghi nhận công tác ứng phó với bệnh DTLCP của huyện và các hộ chăn nuôi đồng thời động viên bà con áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học để đạt hiệu quả cao, duy trì ổn định sản xuất. Đồng chí cho rằng dù không phải là huyện trọng điểm chăn nuôi lợn nhưng cấp ủy, chính quyền và mỗi người dân Lục Ngạn không được chủ quan, lơ là. Kiên quyết ngăn chặn hành vi buôn bán, vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc, lợn bệnh mang về địa bàn giết mổ. Các nhà vườn không mua bán, vận chuyển, sử dụng phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi lợn bón cho cây trồng trên địa bàn nhằm hạn chế nguy cơ lây lan mầm bệnh.
Đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh: “Thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch động vật cấp xã phải thường xuyên đến các thôn, xóm nắm tình hình, tránh tình chỉ triển khai các biện pháp bằng văn bản, không triển khai cụ thể trên thực tế. Chống dịch như chống giặc nên lãnh đạo cấp xã phải giao trách nhiệm cho cán bộ các thôn, không ỷ lại vào lực lượng thú y. Nơi nào để xảy ra dịch bệnh, người đứng đầu nơi đó phải chịu trách nhiệm”. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên địa bàn cần bảo đảm đủ quân số, trực 24/24 giờ, ghi chép đầy đủ, không để lọt phương tiện chở lợn, sản phẩm từ lợn nhiễm bệnh, không rõ nguồn gốc vào Lục Ngạn, nỗ lực bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi.
Các phương tiện được phun hóa chất khử trùng trước khi vào thôn Chể, xã Phượng Sơn. |
Ý kiến bạn đọc (0)