Tân Yên ứng dụng khoa học và công nghệ vào trồng cây ăn quả: Nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm
Dự án thuộc chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông thôn miền núi vùng dân tộc thiểu số do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. UBND huyện Tân Yên giao Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì thực hiện với tổng kinh phí gần 12 tỷ đồng từ nhiều nguồn và kết thúc vào năm 2020.
Nông dân xã Phúc Hòa (Tân Yên) kiểm tra chất lượng ổi lê Đài Loan. |
Bà Đào Thu Phương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Ba giống cây ăn quả được ứng dụng gồm nhãn chín muộn, bưởi đỏ Hòa Bình, ổi lê Đài Loan. Đây là những giống được tuyển chọn từ Viện Nghiên cứu rau quả T.Ư có năng suất cao hơn so với các giống đối chứng từ 15-30%, chất lượng tốt.
Để bảo đảm chất lượng cây giống, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với HTX Sản xuất kinh doanh nông nghiệp Quang Trung ở xã Lan Giới và đơn vị trực tiếp chuyển giao công nghệ là Viện Nghiên cứu rau quả T.Ư. Qua gần ba năm thực hiện, đơn vị đã cung cấp giống bảo đảm chất lượng theo yêu cầu đặt ra.
Cũng như nhiều hộ nông dân khác, trước kia, gia đình chị Nguyễn Thị Lan Quỳnh ở thôn Lân Thịnh, xã Phúc Hòa có hơn 1,3 mẫu ruộng chủ yếu cấy lúa và trồng màu, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2016, gia đình chị đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất ruộng sang trồng cây ăn quả, ban đầu trồng giống ổi lai cây thường bị sâu ăn lá, nhiễm nấm.
Sau hơn một năm trồng thử nghiệm giống ổi lê Đài Loan và áp dụng kỹ thuật chăm sóc mới, chất lượng nâng lên rõ rệt. Ổi lê Đài Loan cho quả đều, mẫu mã đẹp, ít sâu bệnh, cùi giòn, ngọt hơn không bị nhão, chua so với giống cũ và bán được giá.
Theo chị Quỳnh, bình quân mỗi năm, sản lượng ổi đạt từ 2 đến 2,5 tấn quả/sào, với giá bán bình quân từ 10 - 20 nghìn đồng/kg, trừ chi phí mỗi sào lãi hơn 20 triệu đồng.
Qua tìm hiểu được biết, trồng ổi lê Đài Loan một năm chỉ sử dụng từ 2 đến 3 lần thuốc bảo vệ thực vật để chống sâu bệnh, ít hơn nhiều so với các loại cây ăn quả khác. Hơn nữa, quả được bọc từ khi mới ra nên hầu như không tiếp xúc với các loại thuốc, ổi sạch, thơm ngon, chín đến đâu thu hoạch và bán cho thương lái ngay tại vườn đến đó.
Hiện diện tích ổi lê Đài Loan trong toàn huyện là 160 ha, tập trung ở các xã: Cao Thượng, Hợp Đức và Phúc Hòa. Giống ổi này rất hợp với chất đất ở địa phương nên quả ngọt, cùi dày, ít hạt. Sau mỗi đợt thu quả, nông dân bấm ngọn cây để ra quả quanh năm.
Ngoài ổi, một số loại cây ăn quả khác cũng được nông dân trong huyện đưa vào sản xuất như bưởi, nhãn, cam… đều phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ví như gia đình anh Nguyễn Văn Đạt, thôn Trung 1, xã Liên Chung trồng 500 cây bưởi đỏ Hòa Bình với diện tích gần 2 ha.
Theo anh Đạt, trước khi tham gia dự án, giống được trồng ở địa phương chủ yếu là bưởi Diễn và da xanh thường bị nấm, tỷ lệ sống chỉ đạt 70-80%. Giống bưởi đỏ dù chưa ra quả nhưng cây sinh trưởng, phát triển tốt, không bị sâu bệnh, tỷ lệ sống đạt gần 100%, khi cây từ 5 - 7 tuổi, năng suất sẽ đạt từ 50 - 80 kg/cây tùy loại.
Đến nay, các hạng mục đã được triển khai ở 11 xã trong vùng dự án như: Cải tạo hệ thống nhà lưới phục vụ sản xuất cây giống; hoàn thiện hệ thống tưới tiêu; xây dựng mô hình nhân giống tổ chức sản xuất. Tổng diện tích sản xuất trong dự án là 90 ha.
Để dự án thực sự hiệu quả, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên đang phối hợp với các địa phương nằm trong vùng quy hoạch trồng cây ăn quả tăng diện tích ổi lê Đài Loan, bưởi đỏ, nhãn chín muộn. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn người dân sản xuất theo quy trình VietGAP. |
Trong đó, giống nhãn chín muộn trồng mới là 4 ha, 10 ha cải tạo thay thế giống cũ; bưởi đỏ Hòa Bình 30ha; ổi lê Đài Loan 10 ha. Các vườn sản xuất ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, việc trồng, chăm sóc thu hái, bảo quản sau thu hoạch được các cán bộ của đơn vị thực hiện dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của chuyên gia chuyển giao công nghệ.
Theo dự án, có 11 quy trình công nghệ được chuyển giao và hỗ trợ ứng dụng cho người dân tại các xã trong vùng dự án như: Kỹ thuật nhân giống, ghép, trồng và thâm canh rải vụ thu hoạch.
Trong quá trình thực hiện, đơn vị quản lý là Sở Khoa học và Công nghệ thường xuyên cử cán bộ theo dõi, kiểm tra giám sát tiến độ, đến nay cơ bản nội dung cơ quan chủ trì đều thực hiện tốt, bảo đảm mục tiêu đề ra.
Để dự án thực sự hiệu quả, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đang phối hợp với các địa phương nằm trong vùng quy hoạch trồng cây ăn quả tăng diện tích ổi lê Đài Loan, bưởi đỏ, nhãn chín muộn. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn người dân sản xuất theo quy trình VietGAP.
Về lâu dài, huyện có kế hoạch xây dựng nhãn hiệu để khẳng định thương hiệu và chất lượng sản phẩm, từ đó ổn định đầu ra cho sản phẩm cây ăn quả trên đồng đất Tân Yên.
Hoàng Thoa
Ý kiến bạn đọc (0)