Tầm vóc Chiến thắng 30 tháng 4
Thế trận nhân dân đã làm nên Chiến thắng 30/4/1975. Vẫn là thế trận được tính toán sắp xếp trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Hòa bình, Đảng và Nhà nước ta vẫn không quên bài học vì dân, do dân. Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong. Có dân, được dân là có, là được tất cả. Bài học ấy được minh chứng rõ ràng qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc, trong đó có giai đoạn chống Mỹ cứu nước với đỉnh cao Chiến thắng 30/4/1975. Một chiến thắng xứng đáng được tôn vinh muôn thuở của dân tộc Việt Nam anh hùng. Một sự kiện lịch sử mang tầm vóc nhân loại bởi sự ảnh hưởng to lớn, lâu dài.
Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975. Ảnh tư liệu
|
Chúng ta không vỗ ngực tự khen mình. Khi những chiếc xe tăng ám khét mùi thuốc súng và những người lính lấm láp bụi đường tiến về Sài Gòn trong ánh nắng phương Nam chói chang, để đúng thời khắc thiêng liêng nhất của lịch sử, 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập thì những nhà báo chiến trường kỳ cựu nhất của các hãng thông tấn nổi tiếng trên thế giới đã có mặt ở đây để theo dõi và viết bài.
Còn đây những ghi nhận và ngợi ca đội quân chiến thắng vào những thời khắc lịch sử này. Hãng thông tấn UPI viết: Quân đội phía chiến thắng cưỡi xe tăng vào Dinh Tổng thống với nét mặt phấn khởi như vào chỗ không người, thậm chí còn xưng hô “đồng chí” với những người đứng hai bên đường cũng như đối với các nhà báo. Không phải ngẫu nhiên mà tờ NewYork Times đã gọi ngày 30 tháng 4 là ngày lịch sử của thế giới. Hãng AFP cũng có bài khẳng định: Trong năm 1975, sự kiện nổi bật nhất châu Á là sự kiện 30 tháng 4 của Việt Nam, dư chấn rung động địa cầu. Nhà sử học nước Pháp, Alain Rusco cho rằng: Sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 ở Việt Nam gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế về một dân tộc không chịu khuất phục trước quân thù... Khó kể hết những tác phẩm báo chí, văn học nghệ thuật trong và ngoài nước nói tới ngày 30/4/1975.
Để đi đến Ngày Chiến thắng 30 tháng 4 có biết bao chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống. Có lẽ chẳng ở đâu mà hai tiếng hy sinh lại trĩu nặng, xót buốt như ở Việt Nam và chắc cũng chẳng nơi nào hai tiếng ấy cũng nhẹ nhàng, thanh thoát như thế. Từ gian lao, mất mát, cuộc chiến luôn luôn hửng sáng lòng lạc quan. Niềm tin và hy vọng vào ngày hòa bình, thống nhất, vào nền độc lập tự do bền vững, vào tương lai tươi sáng là cốt lõi tinh thần tạo nên sức mạnh to lớn của cuộc chiến tranh nhân dân.
Giá trị tinh thần sâu thẳm và bền vững của dân tộc Việt Nam không phải chỉ chúng ta nhìn thấy mà một thi sĩ đến từ nước Mỹ cũng thấu hiểu. Nói thêm điều này, ông là cựu chiến binh Mỹ từng đặt gót giày viễn chinh lên mảnh đất Quảng Trị trong những năm 1967, 1968. Đó là giáo sư, nhà thơ nổi tiếng Bruce Weigl. Ông nhìn thấy chiều sâu tâm hồn và bản lĩnh dân tộc ta qua hình ảnh người mẹ Việt Nam: Dậy thì khi lúa trổ đòng/ bóng tối hậm hực muốn nhấn chìm vẻ đẹp/ Mẹ vẫn rì rào xanh mướt xanh/ tự do chảy qua những cánh đồng/ rễ bám đất cưu mang đòng nặng hạt/ Khi lúa chín, Mẹ hái gặt điều thiêng liêng nhất/ của đời mình bằng tiếng hát/ bằng yêu thương sâu thẳm trong tim/ bằng nước mắt, tiếng cười ngày làm mẹ...
Cuộc chiến càng lùi xa tôi càng thấm thía hơn tầm vóc, giá trị của ngày 30/4/1975. Giá trị lịch sử to lớn ấy góp phần tạo ra năng lượng to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. Và, tôi tin rằng, dân tộc ta bằng bản lĩnh, bằng trí tuệ, bằng tâm hồn sẽ tiếp tục làm nên những chiến thắng trong thời đại mới.
Chúng ta biết rằng, văn hóa không chỉ là dấu vết quá khứ mà còn là nội lực của hiện tại. Chiến thắng 30 tháng 4 vừa là lịch sử, vừa là văn hóa. Một đỉnh cao chiến thắng của lòng yêu nước truyền thống hòa quyện với tinh thần thời đại. Người chiến thắng nở nụ cười khải hoàn nhưng cũng biết thấm vào tim những mất mát đau thương của dân tộc, từ đó chìa bàn tay nhân ái với kẻ bại trận.
Người chiến thắng khép lại quá khứ, hướng về tương lai với lựa chọn ứng xử nhân văn: Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước. Chúng ta không lấy oán hận để đáp lại oán hận mà lấy nhân nghĩa để hóa giải thù hằn. Những gì dân tộc Việt Nam làm được sau dấu mốc 30 tháng 4 năm 1975 đã minh chứng hùng hồn cho điều đó. Ai muốn lấp liếm, đánh tráo, bôi lem cũng không thể được. Và điều đó càng chứng minh sinh động tầm vóc vĩ đại của Chiến thắng 30 tháng 4.
Ý kiến bạn đọc (0)