Tai nạn lao động: Nỗi đau còn mãi
Bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Chí Thành, Trưởng khoa cho biết: Các trường hợp đang điều trị tại đây chủ yếu do ngã từ trên cao (trần nhà, bờ tường, giàn giáo) trong khi làm việc gây đa chấn thương, tổn thương cột sống, sọ não, tụ máu não, gãy vùng hàm mặt, cổ, chân tay, vỡ xương bánh chè. Sau khi điều trị ổn định thường vẫn để lại di chứng nặng nề về vận động.
![]() |
Kiểm tra cột sống cho bệnh nhân Tạ Quang Năm. |
Vẫn phải nằm trên giường hạn chế cử động, anh Tạ Quang Năm (SN 1975), xã Trí Yên (Yên Dũng) yếu ớt nói: "Tôi chắc còn phải điều trị lâu dài mới chuyển sang phục hồi chức năng dần từng bước. Nhớ lại buổi sáng đó tôi vẫn thấy ớn lạnh, tai nạn ập đến lúc tôi vừa chồng viên gạch đầu tiên lên xây dở tầng 2 cho một hộ dân thì giàn giáo đổ sập. Tôi ngất đi, anh em làm cùng vội vàng đưa vào viện. Khi tỉnh lại, từng cơn đau thấu xương dày vò, toàn thân khó cử động. Bác sĩ bảo tôi đã qua cơn nguy kịch nhưng bị chấn thương cột sống và vỡ xương bánh chè ở chân trái, cần kiên trì điều trị".
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Khoa - người điều trị trực tiếp cho bệnh nhân Năm thì sau khi điều trị ổn định, anh Năm khó có thể tiếp tục làm thợ xây như trước do sang chấn cột sống không thể bình phục hoàn toàn.
Hay như trường hợp anh Hoàng Văn Sơn (SN 1985), ở xã Vô Tranh (Lục Nam) bị ngã từ mái nhà (cao hơn 3m) xuống đất trong lúc đang sửa chữa. Sau khi khám, chụp chiếu, bác sĩ chẩn đoán anh bị chấn thương cột sống vùng thắt lưng phải phẫu thuật. Lúc vào bệnh viện, anh nghĩ có lẽ sẽ chịu cảnh tàn tật, là gánh nặng của gia đình cả đời. May mắn là đến nay, những vết thương đã dần lành lại, cánh tay phải đã bắt đầu cử động.
Những giọt nước mắt, những tiếng rên đau đớn cùng bước chân lo lắng, căng thẳng khi cáng nạn nhân bị tai nạn lao động vào cấp cứu là những hình ảnh chúng tôi chứng kiến tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Thời gian gần đây, Khoa Cấp cứu liên tục tiếp nhận các ca tai nạn lao động.
Chỉ tính riêng sáng 13/5, Khoa đã cấp cứu 3 ca, đều là những trường hợp chấn thương nặng, có chỉ định phẫu thuật gấp. Trong đó có bệnh nhân Phùng Văn Hòa (SN 1981), dân tộc Nùng, ở xã Minh Tiến, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) vừa bị ngã từ độ cao hơn 4m trong khi đang xây nhà. Bác sĩ tiên lượng bệnh nhân rất nặng, phải hỗ trợ thở máy, chờ kết quả chụp não và hội chẩn sẽ chuyển mổ cấp cứu ngay.
Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Tùng Sơn, Trưởng khoa thông tin: Gần một tháng qua, Khoa Cấp cứu ghi nhận 42 trường hợp tai nạn lao động. Mặc dù số ca tai nạn giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019 nhưng mức độ thương tích đều nghiêm trọng, hậu quả để lại nặng nề. Ca nhẹ thì gãy, cụt chân tay, nặng hơn là liệt nửa người, mất khả năng vận động, sống thực vật, thậm chí tử vong.
Như trường hợp nạn nhân Lò Thị P ở huyện Mai Sơn (Sơn La) khi tham gia phá dỡ công trình xây dựng tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ MD tại xã Tiền Phong (Yên Dũng) đã bị tấm bê tông đè vào người. Khi đưa vào bệnh viện, dù được cấp cứu khẩn cấp nhưng nạn nhân không qua khỏi.
![]() |
Điều trị cho bệnh nhân bị tai nạn lao động tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Nam, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực- Chỉnh hình - Bỏng cho hay có những ca cấp cứu để lại nỗi ám ảnh đối với các bác sĩ, điều dưỡng. Bệnh viện phải huy động những bác sĩ ngoại khoa giỏi, giàu kinh nghiệm tham gia hội chẩn, phẫu thuật, áp dụng nhiều phương pháp tối ưu nhất để các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân dần ổn định. Có những nạn nhân nhập viện trong tình trạng bị cả cỗ máy nghiến vào người, phải khiêng cả máy theo. Các bác sĩ trở thành "thợ cơ khí" bất đắc dĩ gấp gáp tháo rời các chi tiết máy đang nghiến vào thân thể nạn nhân, sau đó mới tiến hành cứu chữa. Còn ở những ca chấn thương nhẹ sau điều trị ổn định cũng phải phục hồi chức năng từ 3-6 tháng mới tạm ổn, khó có thể sớm lao động trở lại.
Với mức thương tật nghiêm trọng, sau khi ra viện, nhiều người không thể tự chủ trong cuộc sống, phải di chuyển bằng chân giả, xe lăn, thậm chí mọi sinh hoạt cá nhân đến nuôi sống bản thân phải nhờ cậy vào người thân trong gia đình. Dù may mắn thoát chết nhưng thương tổn quá nặng nề và cú sốc tâm lý sẽ là vết thương lâu hồi phục mà nạn nhân phải gánh chịu suốt đời.
Nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn lao động chủ yếu do người bị nạn bất cẩn, thiếu kiến thức, kỹ năng, ý thức bảo đảm an toàn cho bản thân chưa cao. Trong quá trình làm việc, nhiều người không thực hiện đúng quy trình vận hành máy móc, biện pháp bảo hộ lao động khiến các vụ việc đau lòng liên tiếp xảy ra.
Duy Minh
Ý kiến bạn đọc (0)