Sức mạnh lòng dân làm nên kỳ tích: Bài 4 - Kinh nghiệm từ thực tiễn
Đảng có chủ trương, chính quyền cho cơ chế, nhân dân làm chủ
Những năm gần đây, Bắc Giang đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển KT-XH, trở thành điểm sáng của cả nước. Trong thành tựu chung đó có vai trò quan trọng của phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông với ý nghĩa là một trong những đột phá để thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương kiểm tra tiến độ xây dựng tuyến đường kết nối QL17 với cao tốc Hà Nội - Bắc Giang qua các khu công nghiệp Yên Lư và Vân Trung. |
Nói về nguyên nhân của thành công cũng như bài học kinh nghiệm trong phát triển giao thông từ thôn xóm đến các tuyến kết nối trong tỉnh và vùng, mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh, đồng chí Bùi Văn Hải, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, đó là cộng hưởng từ nhiều yếu tố. Trước hết đó là chủ trương đúng của cấp ủy; chính quyền kịp thời có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đã đánh thức sức mạnh của lòng dân tập trung cho chiến dịch làm đường.
Thực tế, chiến dịch làm đường trên địa bàn tỉnh ghi dấu ấn đậm nét vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu. Đó là kết quả của sự trăn trở, khát vọng đưa địa phương phát triển, tinh thần làm việc sâu sát thực tiễn, lắng nghe nhân dân, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. |
Thực tế, chiến dịch làm đường trên địa bàn tỉnh ghi dấu ấn đậm nét vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu. Đó là kết quả của sự trăn trở, khát vọng đưa địa phương phát triển; là tinh thần làm việc sâu sát thực tiễn, lắng nghe nhân dân, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Với khát vọng ấy, tỉnh tổ chức khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm tại hai tỉnh Thái Bình, Nam Định; các đồng chí thường vụ cấp ủy dành thời gian nắm bắt tình hình thực tiễn, gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Với những điều kiện cần và đủ, Tỉnh ủy ban hành kết luận về làm đường giao thông, HĐND tỉnh thông qua nghị quyết, trong đó có cơ chế hỗ trợ, UBND tỉnh có kế hoạch thực hiện cụ thể. Về lý do chọn đường giao thông nông thôn làm trước, thực tế, nguồn lực của tỉnh có hạn, nếu làm đường huyện, đường tỉnh (ĐT) sẽ chỉ được vài tuyến. Hơn nữa, nguyện vọng của nhân dân khi đó không phải những tuyến đường lớn mà là đường từ nhà ra ngõ. “Khi chủ trương đáp ứng đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân thì mọi khâu, mọi việc, từ giải phóng mặt bằng, huy động nguồn lực trong dân đến triển khai thực hiện đều thuận lợi”, đồng chí Bùi Văn Hải nói.
Bài học kinh nghiệm nữa là chủ trương nào, giải pháp đó. Giải pháp cần thường xuyên được bổ sung, cập nhật để phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Quá trình thực hiện, Bắc Giang có cách làm sáng tạo là toàn bộ xi măng hỗ trợ, tỉnh cấp trực tiếp đến thôn, xóm mà không qua đầu mối cấp xã như một số địa phương trong nước thực hiện. Xã chỉ cử cán bộ hỗ trợ các thôn khâu tổ chức thực hiện, nghiệm thu quyết toán công trình. Cách làm này có tác dụng khuyến khích trực tiếp thôn, xóm, đồng thời giảm khâu trung gian và phòng ngừa thất thoát, tiêu cực.
Điều nhiều cán bộ, đảng viên, nhân dân tâm đắc chiến dịch làm đường đó là phương châm nhất quán về chủ trương, linh hoạt trong thực hiện. Việc HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 07 về cơ chế hỗ trợ làm đường được đánh giá là chưa có tiền lệ, được nhân dân đồng tình ủng hộ rất cao.
Nghị quyết 07 xác định rõ mức hỗ trợ và các quy định liên quan song khi thực hiện phát sinh những vấn đề cần điều chỉnh, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết 06 quy định cụ thể hơn, trong đó khuyến khích các địa phương làm đường càng rộng càng tốt, không quy định rộng 3,5 m như trước; đồng thời tăng mức hỗ trợ đối với những thôn khó khăn ở miền núi, vùng cao và thưởng những đơn vị làm tốt.
Đặc biệt, trên cơ sở chính sách hỗ trợ chung áp dụng trong toàn tỉnh, HĐND các huyện, TP căn cứ tình hình địa phương tiếp tục ban hành nghị quyết hỗ trợ thêm. Điều này đã thúc đẩy phong trào làm đường phát triển chưa từng có, làm thay đổi hoàn toàn diện mạo nông thôn.
“Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Tại các diễn đàn, kỳ họp HĐND tỉnh, nhiều đại biểu khẳng định, hiếm có phong trào nào người dân lại hưởng ứng với tâm thế chủ động, tích cực như làm đường giao thông. Khi người dân thực sự được bàn, được làm, được thụ hưởng đã khơi dậy được sức mạnh to lớn. Nhiều hộ khó khăn dù được miễn đóng góp vẫn hăng hái tham gia; hộ không có tiền thì góp công, góp của. Vai trò của đảng viên cũng thể hiện rõ.
Thôn Cẩm Trang, xã Mai Trung (Hiệp Hòa) có 97 đảng viên, hơn 730 hộ. Khi làm đường, Chi bộ phân công mỗi đảng viên phụ trách từ 5 đến 10 hộ. Để nói dân nghe, làm dân tin, các đảng viên gương mẫu hiến đất, đóng góp ngày công, kinh phí. Khác với nhiều địa phương, dù thôn không bổ đầu mức đóng góp mà thực hiện trên tinh thần tự nguyện song đã cứng hóa 100% đường thôn với chiều dài 7 km, tổng kinh phí hàng tỷ đồng.
Tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông
Hệ thống giao thông từ thôn xóm đến đường huyện, đường tỉnh dần được đầu tư đáp ứng nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, qua đánh giá, quy mô các tuyến đường có tính động lực và kết nối đối ngoại của tỉnh còn nhỏ, mới đạt cấp III đồng bằng. Cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn chưa mở rộng được cầu Xương Giang, một số hầm chui dân sinh kích thước nhỏ; quốc lộ (QL) 37 đoạn Kép - ngã tư Thân - cầu Cẩm Lý, cầu Cẩm Lý, QL 17, 279… chưa được đầu tư.
Tuyến đường Đại Lâm - An Hà (Lạng Giang) mới hoàn thành và đưa vào sử dụng. |
Hệ thống QL vẫn còn 8 cầu hạn chế tải trọng, 6 cầu yếu và cầu đường sắt Cẩm Lý (Lục Nam) vẫn đi chung với đường bộ. Một số tỉnh lân cận chưa kịp thời cùng đầu tư các tuyến đường kết nối để bảo đảm đồng bộ phát huy hiệu quả đầu tư dự án. Giao thông nông thôn cơ bản đáp ứng yêu cầu trước mắt song về dài hạn còn những vấn đề đặt ra.
Trên cơ sở đánh giá thành quả và nhu cầu, đòi hỏi của sự phát triển, thời gian tới tỉnh quyết tâm hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển giao thông đã đề ra.
Đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, suy cho cùng mọi yếu tố đều do con người, vì vậy cần nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền, người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương. Huy động sự vào cuộc hơn nữa của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận với chủ trương chung của tỉnh; vận động nhân dân chia sẻ trách nhiệm đối với nhà nước trong bồi thường giải phóng mặt bằng.
Tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm do trung ương, tỉnh và các địa phương đang thực hiện trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và thi công các dự án dự kiến đầu tư bằng nguồn vốn tăng thu giai đoạn 2021-2025 để bảo đảm nâng mật độ, quy mô, chất lượng công trình giao thông kết nối nội bộ, kết nối vùng, phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch…
Đối với các tuyến cao tốc, quốc lộ và đường vành đai, tỉnh phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam hoàn thành cải tạo nâng cấp QL 31 đoạn TP Bắc Giang - thị trấn Chũ; hoàn thành xây dựng mở rộng cầu Như Nguyệt và nút giao liên thông tại thị trấn Vôi trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn. Tiếp tục đầu tư mở rộng cầu Xương Giang trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, triển khai đầu tư đường vành đai V; cải tạo, nâng cấp các tuyến QL, khắc phục các cầu yếu…
Hệ thống đường tỉnh tập trung hoàn thành các dự án đường nối QL 37 - QL 17 - ĐT 292 đoạn Việt Yên - Tân Yên - Lạng Giang; Đường nối QL 37 - QL 17 - Võ Nhai (Thái Nguyên); xây dựng đường và cầu kết nối huyện Hiệp Hòa với Phổ Yên (Thái Nguyên); Dự án mở rộng đoạn QL 17-ĐT 293; đường dẫn nối cảng Mỹ An - QL 31 - QL 1; Đường nối ĐT 295 đến QL 37 (Lạng Giang); các ĐT 294, 292, 289, 298, 291...; đầu tư các dự án cải tạo, mở rộng ĐT 291 kéo dài từ Đồng Rì (Sơn Động) đến tỉnh Quảng Ninh.
Tiếp tục tập trung nguồn lực cải tạo, nâng cấp các tuyến đường hiện hữu và xây dựng đường vành đai để liên kết thuận lợi với quốc lộ, đường tỉnh. Ngoài một số địa phương đã có Nghị quyết của HĐND cấp huyện quy định chính sách hỗ trợ cứng hóa đường giao thông nông thôn, nghiên cứu đề xuất HĐND tỉnh cho phép tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ xi măng cứng hóa đường trục thôn, đường liên thôn và đường nội đồng theo Nghị quyết 07, 06 của HĐND tỉnh, nhất là đối với các huyện miền núi khó khăn về kinh phí đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn để bảo đảm quy mô mặt đường huyện rộng từ 6 m trở lên; cứng hóa 100% đường xã, đường thôn, xóm.
NHÓM PVKT
Ý kiến bạn đọc (0)