Stanislav Petrov và cuộc giải cứu thế giới khỏi thảm họa hạt nhân
Stanislav Petrov nhận Giải Hòa bình Desde (DPP) của Đức (năm 2013). |
Chiến công thầm lặng
Cựu sĩ quan không quân Liên Xô Stanislav Petrov vào ngày 26-9-1983 đã giải cứu cả thế giới thoát khỏi nguy cơ Chiến tranh thế giới thứ ba. Theo hồ sơ còn ghi, năm 1983, Stanislav Petrov đang làm việc tại Trung tâm cảnh báo sớm Serpukhov-15 của Liên Xô thì các thiết bị máy tính bỗng phát tín hiệu thông báo tên lửa Mỹ đang bay tới không phận Liên Xô. Petrov nhận định đó chỉ là một cảnh báo lỗi nên không báo cáo lên cấp trên. Việc làm của ông chính thức được tiết lộ vào năm 1998 và được đánh giá là đã giúp ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân cận kề.
Stanislav Petrov sinh ngày 7-9-1939 tại một vùng quê ở gần Vladivostok (Nga). Cha của ông là phi công chiến đấu trong Thế chiến II, mẹ là y tá. Ông học tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao tần Kiev thuộc Binh chủng Không quân Liên Xô. Sau khi tham gia Lực lượng Phòng không - Không quân và nhờ học lực, trí thông minh, Stanislav Petrov được điều về công tác tại Phân ban hệ thống cảnh báo sớm đầu thập niên 70 ở thế kỷ trước. |
Cũng theo hồi ký thì nguyên nhân dẫn đến báo lỗi là do năng lượng các tia mặt trời tăng nhanh. May mắn thay, Petrov lúc đó là Phó chỉ huy Phân ban thuật toán và phần mềm, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm lại có bản lĩnh vững vàng nên sau khi phân tích và đánh giá tình huống, ông đã không báo cáo lên sở chỉ huy nên mọi thứ vẫn diễn ra bình thường. Sau sự kiện trên, hàng loạt cuộc thanh tra được Bộ Quốc phòng Liên Xô tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Tổng Tham mưu trưởng thứ nhất, Đại tướng V.I Varennikov. Thế là đã rõ, không cần thêm một lời bình luận nào về hành động của Stanislav Petrov, cái ngày thật sự khó khăn đó đã qua đi và xa hơn, Thế chiến thứ III đã không xảy ra sau sự kiện này. Trong hồi ký của mình, tuy Đại tướng Yuri Votintsev không có câu từ nào về giải cứu thế giới nhưng công lao của Stanislav Petrov đã rõ ràng bởi ông hiểu được bản chất tín hiệu lỗi từ máy tính và đưa ra quyết định đúng đắn. Hành động xuất sắc của một sĩ quan trực ban có bản lĩnh, được đào tạo bài bản nhưng lại “khó xếp” là một chiến công.
Trong một cuộc phỏng vấn với BBC vào năm 2013, Stanislav Petrov đã kể lại rằng, sáng 26-9-1983 khi đang trực tại trung tâm Serpukhov-15, ông nhận được tín hiệu máy tính thông báo cho hay có 5 tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuterman của Mỹ đã được phóng đi. "Tôi đã có tất cả các dữ liệu để đề nghị một cuộc tấn công tên lửa đạn đạo liên lục địa. Tất cả những gì tôi phải làm là lấy điện thoại, báo cáo cho chỉ huy thế nhưng tôi đã không làm. Tôi cảm thấy như đang ngồi trên cái chảo lửa. Chính bản thân tôi cũng rất lo và hồi hộp. Phải hơn 20 phút sau tôi mới tĩnh tâm và nhận ra rằng không có chuyện gì xảy ra, thật may mắn, phúc đức", Stanislav Petrov nhớ lại.Thay vì thông báo cho chỉ huy để chuẩn bị một cuộc phản công hạt nhân thì Stanislav Petrov lại gọi điện cho Bộ Tổng tham mưu quân đội và báo cáo về lỗi hệ thống. Sự việc này cho thấy yếu tố vũ khí hạt nhân nguy hiểm như thế nào, nhất là khi việc sử dụng nó lệ thuộc vào công nghệ không mấy tin cậy, cộng thêm sự phán đoán sai lầm của con người. Nói thế để khẳng định Trung tá Stanislav Petrov thật xứng danh với danh hiệu “người đã giải cứu thế giới khỏi thảm họa hạt nhân”. Sau khi cuốn hồi ký của Đại tướng Votintsev ra đời, dư luận trở nên sôi động hơn, đặc biệt là ở Mỹ và phương Tây. Thì ra, mọi người không hề biết rằng nhân loại đã từng đứng trên bờ vực của ngày tận thế.
Nhiều sự cố “ngày tận thế”
Theo BBC, cho đến nay, nhân loại từng chứng kiến nhiều sự cố “tận thế” liên quan đến xung đột hạt nhân do lỗi kỹ thuật gây ra, trong đó hai lần xảy ra với Mỹ và hai lần với Nga. Ngày 9-11-1979, tại ba địa điểm chỉ huy của Mỹ đồng loạt ghi lại việc hàng loạt tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Liên Xô được phóng vào lãnh thổ Mỹ. Ngay lập tức, lệnh báo động được đưa ra, phi cơ Air Force One của Tổng thống Mỹ đã cất cánh nhưng người đứng đầu chính phủ lại không có mặt trên máy bay. Tất cả các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman đều đã sẵn sàng trên bệ phóng. Lầu Năm Góc ngay lập tức cho xác minh lại các dữ liệu vệ tinh và radar cảnh báo sớm, kết quả là do lỗi, lệnh báo động lập tức được hủy.
Ngày 3-6-1980, các lực lượng hạt nhân Mỹ một lần nữa phải báo động. Lần này, nhiều đài chỉ huy tại Mỹ nhận được báo cáo về một cuộc tấn công tên lửa rất lớn của Liên Xô. Mọi thứ được xác minh dễ dàng hơn, theo đó dữ liệu về tên lửa giả định của Liên Xô liên tục thay đổi và lỗi cuối cùng được xác định là do sự cố máy tính.
Stanislav Petrov. |
Sự cố thứ ba xảy ra vào năm 1983 trong đó có sự tham gia của Stanislav Petrov và cuối cùng là sự kiện xảy ra vào ngày 25-1-1995, được giới chức cao cấp Nga, trong đó có Tổng thống Boris Yeltsin chứng kiến. Vào ngày hôm đó, các nhà khoa học Na Uy đã phóng một tên lửa khí tượng lớn để nghiên cứu cực quang Bắc cực. Tầng 1 của quả tên lửa được lấy từ tên lửa chiến thuật Onest John của quân đội Mỹ. Tuy Na Uy đã cảnh báo trước với Nga về kế hoạch phóng, khu vực phóng cũng như vị trí dự tính tên lửa rơi nhưng lại không nói rõ giờ phóng chính xác do lệ thuộc vào thời tiết. Do việc phóng tên lửa nói trên của Na Uy giống như tên lửa Trident nên Nga rất cảnh giác và không thể loại trừ quy mô tấn công lớn nhằm vào Nga.
Hiện tượng Petrov và sự đầu cơ thông tin của phương Tây
Theo tờ New York Times (NYT) của Mỹ số ra ngày 18-9-2017, một năm sau sự kiện tháng 9-1983, Stanislav Petrov nghỉ hưu. Tuy vậy, ông tiếp tục làm việc cho Trung tâm Serpukhov-15 với vai trò là một công chức và sống ở Fryazino cho đến khi qua đời vào tháng 5-2017, hưởng thọ 77 tuổi.
Mặc dù việc làm của Petrov ở Liên Xô ít được nhắc đến nhưng tại Âu- Mỹ lại trở thành đề tài “giật gân” và mang tính chất đầu cơ thông tin, nhấn mạnh mối đe dọa về vũ khí hạt nhân của Nga.
Năm 2006, tổ chức mang tên Hiệp hội các công dân Quốc tế (AWC) của Mỹ đã mời Petrov đến New York để trao giải thưởng AWC. Năm 2013, ông được người Đức trao tặng Giải Hòa bình Desden (DPP). Còn tại Trụ sở của Liên Hợp quốc, người ta đã trao cho ông bức tượng bằng pha lê có tên gọi "Bàn tay nắm giữ Địa cầu" với dòng chữ "Kính tặng người đã ngăn chặn cuộc chiến tranh hạt nhân".
Về phần mình, chính Stanislav Petrov cũng không đánh giá quá cao hành động của bản thân và trong một cuộc phỏng vấn với các nhà báo, ông thú nhận: “Người nước ngoài có xu hướng phóng đại chủ nghĩa anh hùng của tôi. Lúc đó tôi chỉ làm theo phận sự của mình mà thôi”.
Kim Hùng (theo NYT/BBC)
Ý kiến bạn đọc (0)