Sơn Động: Hội viên người cao tuổi nỗ lực làm giàu, giúp đỡ hộ nghèo
BẮC GIANG - Từng là một hộ nghèo, nay gây dựng được cơ ngơi bạc tỷ nhờ những nỗ lực của bản thân và gia đình, bà Hoàng Thị Thanh (SN 1969, dân tộc Cao Lan) ở thôn Gốc Gạo, xã Cẩm Đàn (Sơn Động), Phó Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn đã tích cực hỗ trợ các hộ khó khăn phát triển kinh tế, vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới.
Nhìn ngôi nhà kiên cố, rộng hơn 100 m2 ở ngay trục đường chính của thôn Gốc Gạo với đầy đủ tiện nghi ít ai nghĩ chủ nhân ngôi nhà đó từng là hộ nghèo của xã. Đó là cơ ngơi được vợ chồng bà Hoàng Thị Thanh gây dựng sau nhiều năm nỗ lực phát triển kinh tế.
Bà Hoàng Thị Thanh chăm sóc vườn vải. |
Năm 21 tuổi, bà Hoàng Thị Thanh xây dựng gia đình với một người cùng xã Cẩm Đàn. Vợ chồng bà Thanh ở cùng bố mẹ chồng trong căn nhà tường trình 3 gian lợp ngói máng. Lúc đó, kinh tế gia đình chỉ trông vào thu hoạch lúa và trồng ít khoai, sắn sau nhà nên tằn tiện lắm cũng chỉ đủ ba bữa cơm đạm bạc. Khi hai con ra đời, bố mẹ chồng già yếu, chi phí sinh hoạt gia đình cũng tốn kém hơn nên bà Thanh đã bàn với chồng chuyển đổi từ đất canh tác nông nghiệp không hiệu quả sang trồng cây ăn quả.
Với quyết tâm thoát nghèo, vợ chồng bà Thanh tìm đến những hộ giàu kinh nghiệm về sản xuất vải thiều để học hỏi kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã trong tập huấn kiến thức nông nghiệp, vốn ưu đãi phát triển kinh tế, bà Thanh đã cải tạo gần 1 mẫu vườn đồi của gia đình để trồng 50 cây vải thiều.
Từ những kiến thức có được, gia đình bà thực hiện quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cây, nhất là chọn thời điểm tỉa cành, bón phân để cây ra hoa, đậu quả đúng thời vụ, cho năng suất cao. Nhờ đó, ngay từ những vụ đầu thu hoạch, gia đình bà đã có lãi. Đến nay, diện tích canh tác vải thiều của gia đình đã được mở rộng gấp 6 lần với 300 cây vải.
Bà Hoàng Thị Thanh chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc gia cầm với hội viên phụ nữ xã Cẩm Đàn. |
Nhạy bén trong kinh doanh, nhận thấy nhu cầu thị trường về mật ong rừng, bà Thanh nuôi 100 đàn ong mật dưới tán lá vải thiều. Tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, năm 2022, gia đình mở thêm trang trại nuôi 1 nghìn con ngan thịt, xuất bán 3 lứa mỗi năm cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Nhờ đa dạng cây trồng, vật nuôi, mỗi năm gia đình bà Thanh thu lãi 250-300 triệu đồng từ vải thiều, ong mật và chăn nuôi ngan.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, bà Hoàng Thị Thanh còn tích cực tham gia công tác hội phụ nữ, người cao tuổi. Với vai trò Chi hội phó Chi hội Người cao tuổi thôn, bà luôn hoàn thành tốt công việc được giao, gương mẫu trong mọi hoạt động, là tấm gương điển hình trong phong trào "tuổi cao gương sáng". Tiểu biểu như việc vận động người dân thực hiện Chỉ thị 17-CT/TU ngày 27/2/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc huy động toàn dân tập trung thu gom, xử lý triệt để rác thải ra môi trường. Bà đã tới từng hộ hướng dẫn người dân phân loại rác và cách xử lý, tiêu hủy. Từ đó hình thành thói quen tích cực của người dân, góp phần nâng cao kết quả thực hiện các tiêu chí về môi trường.
Không nề hà bất kỳ việc gì, nữ cán bộ hội phụ nữ đến các hộ nghèo tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ bà con tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo động lực để họ vươn lên thoát nghèo. Cùng đó, bà Thanh bàn với gia đình tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo trong thôn vay 165 triệu đồng vốn không lãi suất; mua 1,5 nghìn cây keo, con giống trả chậm để phát triển kinh tế. Đơn cử như chị Nguyễn Thị Thành (SN 1976) sau khi được Hội LHPN hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi từ nguồn tín chấp của hội và bà Thanh hỗ trợ vốn mua keo giống, năm 2023, gia đình chị Thành đã ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Sự tâm huyết, nhiệt tình của bà Hoàng Thị Thanh đã góp phần giúp Chi hội Người cao tuổi thôn Gốc Gạo luôn đạt và vượt các chỉ tiêu do Hội Người Cao tuổi xã, Chi bộ thôn giao hằng năm. Bà Thanh nhiều lần được UBND, Hội LHPN, Người cao tuổi huyện, UBND xã khen thưởng về thành tích trong phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nông thôn mới ở cơ sở.
Ý kiến bạn đọc (0)