Sơn Động "căng mình" phòng dịch tả lợn châu Phi
Sáng sớm 9-3, có mặt tại đèo Hạ My, xã Long Sơn, trời mưa và lạnh cũng không làm các thành viên Tổ số 2 của chốt kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, phòng chống dịch tả lợn châu Phi của huyện Sơn Động xao nhãng công việc. Bất kể phương tiện nào chở động vật đi qua đều được kiểm tra kỹ.
Một chiếc xe tải chở lợn đi qua chốt kiểm soát trên đèo Hạ My, xã Long Sơn được phun hóa chất khử trùng. |
Anh Vi Văn Thanh, cán bộ của Đội Quản lý thị trường số 5, Tổ trưởng, nói với chúng tôi: “Tổ có 8 cán bộ được trưng tập từ nhiều đơn vị như Quản lý thị trường, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, Công an, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cán bộ thú y xã. Để bảo đảm trực 24/24 giờ, Tổ chia làm hai ca, luôn sẵn sàng kiểm tra, giám sát các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn huyện, nhất là vận chuyển lợn. Đồng thời thực hiện việc tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua chốt”.
Các thành viên chốt đặt tại xã Hữu Sản bàn bạc, phân công nhiệm vụ. |
Quốc lộ 279 nơi Tổ 2 cắm chốt là tuyến giao thông huyết mạch nối Sơn Động với các huyện của Quảng Ninh, cùng đó, trên địa bàn xã Long Sơn còn có hai doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô lớn là Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang và Công ty cổ phần Phát triển công nghệ nông thôn. Việc lưu thông, vận chuyển lợn diễn ra thường xuyên trên trục đường này, do vậy, công tác phòng dịch tả lợn châu Phi đặc biệt quan trọng. Đây là cửa ngõ ra vào, nếu không kiểm soát tốt, dịch bệnh sẽ nhanh chóng lây lan vào tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Nghĩa ở thị trấn An Châu thực hiện rắc vôi bột, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, phòng chống dịch tả lợn châu Phi. |
Lẫn trong dòng xe xuôi ngược đèo Hạ My, một chiếc xe tải chở hàng chục con lợn được các thành viên Tổ 2 phát hiện, lập tức tín hiệu dừng xe được phát ra, mỗi người một nhiệm vụ, nhanh chóng vào vị trí. Anh Ngọc Tiến Văn, cán bộ thú y xã Bồng Am, tổ viên được trưng tập cho Tổ 2 khoác bình xịt, nai nịt quần áo bảo hộ, khẩu trang… phun hóa chất cho toàn bộ chiếc xe. Trong lúc đó, các thành viên còn lại kiểm tra giấy tờ của chủ hàng.
Theo thông tin trên Báo Nông nghiệp Việt Nam, sáng ngày 9-3, ngay sau khi phát hiện ổ dịch lợn tả châu Phi tại xã Yên Đức (thị xã Đông Triều), các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành khoanh vùng và tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh tránh để bệnh dịch lây lan phát tán. Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại Đông Triều là địa phương đầu tiên ghi nhận dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Và tỉnh Quảng Ninh cũng là địa phương thứ 12 trong cả nước ghi nhận có . |
Ông Điệp Quốc Hùng, ở huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) chủ lô hàng 23 con lợn với tổng trọng lượng gần 2,3 tấn được chở trên xe ô tô BKS 14C – 223. 28 cho biết: Cơ sở giết mổ của gia đình ông mỗi ngày tiêu thụ từ 1-2 xe ô tô lợn. Từ khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi ở trong nước, ông liền tìm đến Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang để mua lợn vì đây là doanh nghiệp cung cấp số lượng lớn lợn thịt sạch bệnh, có đầy đủ giấy tờ, ra vào đều được vệ sinh, khử trùng. Qua trạm Hạ My được phun hóa chất một lần nữa khiến ông càng yên tâm.
Phun hóa chất cho phương tiện, phòng chống dịch bệnh qua chốt tại xã Cẩm Đàn. |
Làm việc với các tổ cắm chốt ở các tuyến giao thông, chúng tôi chứng kiến không khí làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của các cán bộ, thành viên. Ông Nông Văn Điệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Sơn Động nói: Trên địa bàn huyện có 70 nghìn con lợn được chăn nuôi ở các gia đình, trang trại. Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang và Công ty cổ phần Phát triển công nghệ nông thôn hiện có khoảng 21 nghìn con nữa.
Nếu dịch bệnh xuất hiện sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đàn lợn, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Ý thức được việc đó nên huyện thành lập 5 tổ kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Trong đó 4 tổ cắm chốt ở các xã: Hữu Sản, Cẩm Đàn, Long Sơn, Tuấn Mậu và 1 tổ lưu động. Huyện đã trích kinh phí mua 400 lít hóa chất, trang bị quần áo, mũ, khẩu trang, bình xịt… đồng thời, các xã, thị trấn đều có kế hoạch, phương án, phân công cán bộ tham gia phòng chống dịch và vận động các gia đình chủ động xử lý khu vực chăn nuôi bằng vôi bột.
Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)