Số hóa vùng sản xuất gắn với sổ nhật ký điện tử để truy xuất nguồn gốc vải thiều
Nông dân thôn Thượng Phương Sơn, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) thu hoạch vải thiều. Ảnh: An Khánh. |
Theo đó, mùa vụ năm 2022-2023, huyện Lục Ngạn có kế hoạch sản xuất hơn 17,3 nghìn ha vải thiều (tăng hơn 1,9 nghìn ha so với năm 2021); sản lượng khoảng 98 nghìn tấn. Trong đó, diện tích vải sớm đạt hơn 3,9 nghìn ha, sản lượng 25 nghìn tấn, còn lại là vải thiều chính vụ và vải muộn.
Diện tích vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là 13 nghìn ha, sản lượng khoảng 83 nghìn tấn; diện tích vải GlobalGAP 117 ha, sản lượng 2 nghìn tấn.
Huyện tiếp tục duy trì ổn định 85 mã số vùng trồng xuất khẩu (Trung Quốc 36 mã, thị trường Mỹ, Úc, EU: 18 mã, Nhật Bản: 29 mã, Thái Lan: 2 mã) và 237 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Đồng thời đề nghị cấp mới các mã số vùng trồng xuất khẩu, cơ sở đóng gói đủ điều kiện.
Điểm mới trong chỉ đạo sản xuất vải thiều năm nay, đó là UBND huyện Lục Ngạn yêu cầu, hướng dẫn người trồng vải thực hiện số hóa các mã số vùng sản xuất vải, gắn với sổ nhật ký điện tử để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Quản lý chặt chẽ các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; đẩy mạnh tổ chức sản xuất, quản lý các mã số vùng trồng với tổ chức sản xuất theo tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Mở rộng vùng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu, nhất là các thị trường cao cấp như: Nhật Bản, Mỹ, EU, Úc, Hàn Quốc...
Để bảo đảm sản xuất vải thiều đạt hiệu quả, huyện Lục Ngạn thành lập các tổ chỉ đạo sản xuất gắn với tiêu thụ vải thiều cấp huyện, cấp xã để chỉ đạo, hướng dẫn người dân sản xuất vải đáp ứng các yêu cầu về số lượng và chất lượng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tổ chức kết nối sản xuất gắn với tiêu thụ; mời gọi, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất - tiêu thụ vải; tổ chức để người trồng vải ký hợp đồng sản xuất và bán sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã.
Bên cạnh đó, UBND huyện Lục Ngạn cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn tập trung tập huấn cho cán bộ, tổ chỉ đạo sản xuất, tổ hợp tác và các hộ nông dân thực hiện sản xuất vải về công tác quản lý sản xuất, quy trình sản xuất vải VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và các quy định của thị trường xuất khẩu.
Tập huấn, chuyển giao ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, tiêu thụ nông sản như: Truy xuất nguồn gốc, bán hàng thông qua sàn thương mại điện tử, số hóa vùng trồng...
Tin, ảnh: Bảo Lâm
Ý kiến bạn đọc (0)