Rà soát, quản lý chặt các dự án đầu tư
Ông Trịnh Hữu Thắng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang trả lời chất vấn tại kỳ họp. |
Chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, đại biểu Ngụy Kim Phương (tổ đại biểu huyện Lục Nam) nêu câu hỏi, cơ cấu đầu tư giữa các lĩnh vực còn mất cân đối, chất lượng chưa cao, chủ yếu theo chiều rộng, chạy theo số lượng. Đề nghị Giám đốc Sở làm rõ và đề ra giải pháp khắc phục hạn chế trên. Trả lời về vấn đề này, ông Trịnh Hữu Thắng cho biết, tuy số dự án được chấp thuận thời gian qua khá nhiều nhưng đa số tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; số dự án ở lĩnh vực nông nghiệp còn thấp (đến nay mới có 78 dự án, tổng vốn đăng ký 2.440 tỷ đồng, chiếm khoảng 6% tổng số dự án).
Theo ông Thắng, nguyên nhân chủ yếu do đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp lợi nhuận thấp, rủi ro cao. Chính sách khuyến khích, hỗ trợ của nhà nước về nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn các doanh nghiệp (DN) để đầu tư. Việc bố trí, hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư còn nhiều khó khăn... “Chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh thực hiện chủ trương thu hút đầu tư các dự án có chọn lọc, không thu hút bằng mọi giá; tạo điều kiện cho các DN đầu tư vào nông nghiệp. Các dự án phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững”, ông Thắng cho biết.
Đại biểu Giáp Văn Hành (tổ đại biểu huyện Tân Yên) nêu, mặc dù nhiều thủ tục hành chính đã được cải thiện, được cộng đồng DN đánh giá cao song vẫn còn thủ tục chưa chặt chẽ, để lại hậu quả phải khắc phục, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của DN, làm thất thoát ngân sách. Về nội dung này, ông Thắng cho biết: Trước thời điểm Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực, lợi dụng kẽ hở của Luật Đầu tư năm 2005, không ít DN đăng ký dự án để trục lợi (Luật Đầu tư năm 2005 không yêu cầu các DN phải ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư; đầu tư dưới 300 tỷ đồng không phải lập dự án mà chỉ làm thủ tục đăng ký đầu tư). Bên cạnh đó, công tác hậu kiểm của các cơ quan nhà nước còn chưa chặt chẽ, không kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm... "Để xảy ra tình trạng này có phần trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đầu mối trong phối hợp với các cơ quan liên quan", ông Thắng khẳng định. Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ rà soát các quy định liên quan để tham mưu với UBND tỉnh ban hành, bổ sung, sửa đổi, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Các đại biểu trong giờ giải lao của kỳ họp. |
Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Trần Phương Cương (tổ đại biểu huyện Lạng Giang) nói, thời gian qua có nhiều dự án trong quá trình đầu tư phải điều chỉnh giấy phép, không ít dự án khi triển khai đã sai hoàn toàn mục tiêu ban đầu. Ông Thắng cho biết, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ động rà soát các quy định có liên quan tới việc chấp thuận, điều chỉnh các dự án đầu tư để tham mưu với UBND tỉnh ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ những quy định của pháp luật. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác thẩm định các dự án đầu tư...
Đại biểu Ngô Đăng Tuấn (tổ đại biểu huyện Việt Yên) cho rằng, trên địa bàn tỉnh hiện nay thu hút hàng nghìn dự án đầu tư nhưng có không ít dự án đến nay không đầu tư, chậm đầu tư, mua đi bán lại nhiều lần... Thực trạng này kéo dài nhiều năm nhưng không được xem xét, xử lý tích cực, còn nặng về việc đổ lỗi cho khách quan. Trao đổi về vấn đề này, theo ông Trịnh Hữu Thắng, trong tổng số hơn 1.300 dự án đầu tư còn hiệu lực (991 dự án đầu tư trong nước, 320 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài), đến nay có 913 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; 191 dự án đang triển khai xây dựng; 7 dự án đang tạm ngừng hoạt động; 42 dự án chậm triển khai hoặc không triển khai, các dự án còn lại (158 dự án) đang trong quá trình thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, làm thủ tục thuê đất để thực hiện dự án.
Đại biểu Trần Phương Cương (tổ đại biểu huyện Lạng Giang) nêu câu hỏi chất vấn. |
Nguyên nhân chính của hạn chế trên là do các chế độ, chính sách liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng còn bất cập, thường xuyên thay đổi gây ra nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là việc hoàn thiện thủ tục hành chính để thực hiện dự án. Trình độ chuyên môn, kinh nghiệm quản lý và ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về đầu tư còn hạn chế. Việc kiểm tra, phát hiện và xử lý các sai phạm của các nhà đầu tư còn chưa thường xuyên, kịp thời... Ông Thắng nói: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, TP thường xuyên rà soát để nắm bắt tình hình thực hiện các dự án; định kỳ hằng năm xây dựng và đề xuất kế hoạch kiểm tra các dự án được chấp thuận đầu tư trên địa bàn, trong đó tập trung vào các dự án chậm, không triển khai hoặc có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật để đề xuất giải pháp giải quyết cụ thể và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm”.
Ngoài những vấn đề trên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã trả lời một số câu hỏi liên quan đến các giải pháp thu hút đầu tư dự án công nghệ cao, công tác hậu kiểm sau đầu tư, chất lượng thu hút đầu tư; số lượng doanh nghiệp gắn với chất lượng doanh nghiệp; khắc phục lỗ hổng quản lý, ngăn chặn hình thành lợi ích nhóm trong công tác quản lý đầu tư...
Cũng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương trả lời những câu hỏi về thực trạng một số chợ, trung tâm thương mại đầu tư không đúng mục tiêu, biến tướng thành nhà ở, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và ô nhiễm môi trường; ông Lưu Xuân Vượng, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường trả lời về tình hình lập, quản lý quy hoạch sử dụng đất và công tác bảo vệ môi trường trong thực hiện các dự án đầu tư.
Ý kiến bạn đọc (0)