Rà soát, khắc phục bất cập về tổ chức giao thông
Phát sinh nhiều bất cập
Theo phản ánh của một số người dân ở thị trấn Kép (Lạng Giang), đường tỉnh 292 có một số biển báo đặt sai vị trí, không đúng quy định, có biển chỉ dẫn gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Qua kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy, tại đây có 20 biển báo giao thông, trong đó 16 biển hợp lý, 4 biển báo chưa hợp lý, cần điều chỉnh. Hiện còn một số biển chưa lắp đặt được, như biển báo vào khu đông dân cư ở đầu tuyến từ phía quốc lộ 1.
Một biển báo giao nhau với đường không ưu tiên trên tỉnh lộ 292, gần khu vực Cụm công nghiệp Nghĩa Hòa (Lạng Giang) được Đội CSGT- Trật tự (Công an huyện Lạng Giang) xác định là cắm chưa hợp lý vì quá gần đường giao nhau. |
Trung tá Hoàng Thế Hiệu, Đội phó phụ trách Đội Cảnh sát giao thông (CSGT)- Trật tự (Công an huyện Lạng Giang) cho biết, vì thiếu biển báo khu đông dân cư nên lực lượng CSGT khó kiểm soát tốc độ. Khu vực này có nhiều nhà dân, lưu lượng người và phương tiện đi lại rất đông, nếu không hạn chế tốc độ sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT).
“Vì chưa có biển báo khu đông dân cư đã dẫn đến những cách hiểu khác nhau. Đơn vị chức năng cho rằng, đây là khu nội thị đông dân cư, chỉ được phép di chuyển tối đa 50 km/giờ song người dân lại lập luận rằng, không có biển báo đầu tuyến nên vẫn được phép đi tối đa 80 km/giờ”, Trung tá Hiệu nói.
Trên địa bàn huyện Lục Nam cũng nảy sinh nhiều điểm bất hợp lý về tổ chức giao thông. Qua rà soát của Công an huyện, hiện có 13 điểm bất hợp lý, phức tạp, mất an toàn giao thông, tập trung nhiều trên quốc lộ 31, 37 và đường tỉnh 293. Trên tuyến quốc lộ 37 từ Km 13 đến Km 39+500 vạch kẻ phân chia hai chiều xe chạy bị mờ; một số đoạn không có vạch kẻ phân chia chiều đường.
Trên đường tỉnh 293, tại Km 52+900 thuộc khu vực xã Bình Sơn chưa có biển giao nhau với đường không ưu tiên; đoạn qua các xã Lan Mẫu, Yên Sơn có 3 điểm ngã tư giao nhau với đường liên thôn, liên xã, rất đông người và phương tiện đi qua nhưng chưa có gờ giảm tốc, đèn chớp vàng cảnh báo nên thường xảy ra va chạm hoặc tai nạn giao thông.
Anh Nguyễn Trọng Hoạt, lái xe tải trú tại phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) cho biết: “Tôi thường xuyên chở hàng chạy trên đường tỉnh 293 từ TP Bắc Giang đi các huyện Lục Nam, Lục Ngạn. Mỗi khi qua khu vực này thấy rất nguy hiểm vì các xe thường chạy tốc độ cao, từ 70-80 km/giờ. Tại những điểm đường giao nhau không có đèn cảnh báo, gờ giảm tốc, nhiều tài xế không quan sát kỹ, rất dễ va chạm với người và phương tiện từ các nhánh rẽ đi ra”.
Cần điều chỉnh để phòng tránh tai nạn
Những năm gần đây, KT-XH trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, nhiều tuyến đường, khu dân cư, khu đô thị mới hình thành, từ đó đòi hỏi phải điều chỉnh hoạt động tổ chức giao thông, đáp ứng yêu cầu thực tế. Thượng tá Ngô Văn Phục, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT đã tích cực rà soát, đánh giá hiện trạng các tuyến giao thông để kiến nghị xây dựng phương án tổ chức lại giao thông theo từng tuyến, nhất là các tuyến phức tạp, kịp thời khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông.
Ngã ba giao nhau giữa đường tỉnh 293 với đường nội thị thuộc Khu đô thị phía Đông, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) chưa được lắp gờ giảm tốc. |
Từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng CSGT Công an tỉnh và các huyện, TP đã thống kê 206 điểm bất hợp lý về tổ chức giao thông, chủ yếu là chưa lắp đặt đầy đủ các biển báo hiệu, vạch sơn kẻ đường bị mờ, không có gờ giảm tốc, đèn cảnh báo... Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đã khắc phục được 103 điểm, đang thực hiện 42 điểm, còn 61 điểm chưa thực hiện.
Từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng CSGT Công an tỉnh và các huyện, TP đã thống kê 206 điểm bất hợp lý về tổ chức giao thông. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đã khắc phục được 103 điểm, đang thực hiện 42 điểm, còn 61 điểm chưa thực hiện. |
Ông Hoàng Hữu Trường, Trưởng Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở Giao thông - Vận tải cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm khắc phục những điểm bất hợp lý trên song chủ yếu là do nhiều hạng mục đầu tư đòi hỏi kinh phí lớn, cần đưa vào dự toán từ đầu năm, như cụm đèn tín hiệu ATGT, gờ giảm tốc, đèn nháy vàng, hộ lan tôn sóng…
Bên cạnh đó, các thủ tục để cấp phép, đầu tư thi công cũng phức tạp, mất nhiều thời gian; nhiều hạng mục thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Đường bộ (Bộ Giao thông - Vận tải) hoặc liên quan đến tỉnh bạn. Mặt khác, một số địa phương còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn kinh phí cấp trên. Nhiều hạng mục nhỏ lẻ, như lắp biển báo hiệu, gương cầu lồi, các huyện, TP có thể chủ động bố trí kinh phí để thực hiện nhanh gọn, không phải chờ đợi cấp trên.
Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, do lực lượng CSGT tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATGT, nhất là xử phạt về nồng độ cồn, lắp đặt camera phạt nguội nên ý thức tham gia giao thông của người dân được nâng lên rõ rệt. Chính vì thế, việc tổ chức giao thông cần được tiến hành hợp lý, đầy đủ, tạo điều kiện cho người và phương tiện tham gia giao thông tuân thủ đúng quy định.
Nhằm khắc phục những bất cập trên, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị chức năng cần tập trung rà soát hệ thống biển báo, vị trí tiềm ẩn mất ATGT để kịp thời xử lý, điều chỉnh cho phù hợp. Mặt khác, tăng cường công tác phối hợp, xem xét rõ trách nhiệm của các bên liên quan để xảy ra những bất cập, từ đó có biện pháp khắc phục triệt để.
Chính quyền các địa phương chủ động dành kinh phí để lắp đặt, sửa chữa những hạng mục nhỏ lẻ, bất cập, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông của người dân địa phương, không trông chờ vào đầu tư của cấp trên. Có như vậy, các điểm bất hợp lý trong tổ chức giao thông mới sớm được khắc phục, bảo đảm ATGT trên các tuyến đường.
Bài, ảnh: Đỗ Thành Nam
Ý kiến bạn đọc (0)