Quan tâm thu hút đầu tư, tạo việc làm cho người lao động ở Lạng Giang
Nhà máy kết cấu thép ALPHA (Công ty cổ phần Công nghiệp ALPHA) tại Cụm công nghiệp Tân Dĩnh đang trong quá trình xây dựng. |
Tạo thuận lợi cho DN
Thấy rõ lợi thế về vị trí, giao thông, các cấp ủy đảng, chính quyền trong huyện luôn quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước về thu hút đầu tư để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. UBND huyện tích cực tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong giải phóng mặt bằng và cho thuê đất; thành lập đường dây nóng tiếp nhận ý kiến và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) ở lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng.
Huyện cũng tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận một cửa, một cửa liên thông và công khai, minh bạch cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục. Đến bộ phận một cửa UBND huyện nhận Giấy phép đăng ký kinh doanh, anh Nguyễn Đức Hùng, Chủ cơ sở chế biến gỗ ở xã Thái Đào nói: "Nhờ các TTHC, quy trình giải quyết hồ sơ, mức phí, lệ phí được niêm yết công khai ngay tại bộ phận một cửa nên DN, chủ cơ sở kinh doanh rất thuận tiện khi đến giao dịch. Thời gian cấp phép đăng ký kinh doanh cũng được rút ngắn. Tôi chỉ mất ba ngày (giảm hai ngày so với trước kia) là lấy được giấy phép".
Tại xã Hương Sơn, năm qua chính quyền địa phương đã giải phóng mặt bằng hơn 10 ha đất và bàn giao cho các DN triển khai dự án. Theo ông Vũ Văn Quang, Bí thư Đảng uỷ xã, kinh nghiệm làm tốt công tác giải phóng mặt bằng là cấp ủy, chính quyền tích cực phổ biến đến người dân về chủ trương thu hút đầu tư. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là công khai giá đền bù của tỉnh và DN. Những hộ có đất bị thu hồi đều được xã, thôn mời đến họp bàn, lấy ý kiến và giải đáp kịp thời vướng mắc ngay từ đầu.
Quan tâm đào tạo nghề
Năm 2017, huyện Lạng Giang thu hút 21 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 1.644 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước. Điển hình là các dự án: Nhà máy kết cấu thép ALPHA của Công ty cổ phần Công nghiệp Alpha; Nhà máy nước sạch của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch NDP- Bắc Giang; Khu đô thị phía Tây thị trấn Vôi của Công ty cổ phần thương mại Tuấn Mai... |
Năm 2017, diện tích đất thu hồi phục vụ phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện là hơn 38 ha (tăng gấp 4 lần so với năm trước), tập trung chủ yếu ở các xã: Hương Sơn, Đại Lâm, Tân Dĩnh, Thái Đào... Cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư, huyện chỉ đạo ngành chức năng, các xã, thị trấn quan tâm công tác điều tra, rà soát tình hình lao động, việc làm để có hướng đào tạo, dạy nghề.
Là xã có gần 80 ha đất nông nghiệp bị thu hồi phục vụ phát triển công nghiệp, Tiên Lục luôn chủ động tìm việc cho người lao động. Cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể rà soát tình hình thực tế, đề xuất mở các lớp dạy nghề. Trong đó ưu tiên hình thức vừa học vừa làm, liên kết với DN đào tạo theo địa chỉ. Cách làm này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, lao động có cơ hội việc làm cao.
Anh Hà Duy Xuyên (SN 1999), thôn Hạ chia sẻ: “Học hết THPT, kinh tế khó khăn nên tôi muốn đi làm luôn để phụ giúp gia đình. Đầu năm 2017, tôi tham gia lớp học nghề may công nghiệp do UBND xã và Công ty cổ phần may Tiên Lục phối hợp tổ chức. Sau ba tháng tôi có chứng chỉ nghề và được nhận vào làm việc tại Công ty với mức lương 3,7 triệu đồng/tháng”. Được biết, năm 2017, các DN trên địa bàn huyện đã tuyển dụng hơn 1 nghìn lao động địa phương vào làm việc. Theo đánh giá của Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện, đa số lao động sau học nghề có việc làm ổn định.
Ông Đặng Đình Hoan, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Năm 2018, Lạng Giang tiếp tục ưu tiên lựa chọn các dự án ít tác động đến môi trường và có tính bền vững cao như: May mặc, sản xuất bao bì, chế biến nông sản… Mặt khác, tiếp tục quan tâm hơn nữa tới việc liên kết giữa cơ sở dạy nghề với DN, giúp người lao động khi tuyển dụng đáp ứng ngay yêu cầu công việc.
Tuệ An
Ý kiến bạn đọc (0)