Quan tâm quy hoạch, phân bổ hợp lý nguồn vốn tu bổ di tích
Bất cập trong quản lý, tu bổ di tích
Theo báo cáo kết quả khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội (VHXH), HĐND tỉnh, toàn tỉnh có hơn 2 nghìn di tích, trong đó có nhiều di tích là những công trình cổ kính, kiến trúc độc đáo, có giá trị nghệ thuật, liên quan đến các sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu của đất nước, địa phương đã được công nhận, xếp hạng; nhiều di tích có tiềm năng khai thác để phát triển du lịch như chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), chùa Bổ Đà (Việt Yên), chùa Am Vãi (Lục Ngạn)…
Đồng chí Lâm Thị Hương Thành chủ trì phiên giải trình, chất vấn.
|
Toàn tỉnh hiện có 734 di tích được xếp hạng (quốc gia đặc biệt, quốc gia, tỉnh). Những năm gần đây, công tác quản lý nhà nước, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện. Trong đó, đã xác định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân liên quan trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.
Tuy nhiên, qua khảo sát, công tác quản lý nhà nước, bảo quản, tu bổ di tích còn nhiều tồn tại. Việc tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng, nhất là các quy định về xây dựng dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật, thi công… hạn chế dẫn tới việc hiểu và thực hiện của một số cán bộ, công chức cấp xã còn chưa tốt; hoạt động tuyên truyền, quảng bá di tích chưa được quan tâm, thiếu bảng thông tin giới thiệu, nội quy, quy chế tham quan.
Tại phiên họp này, báo cáo kết quả khảo sát được trình bày bằng hình ảnh. |
Đặc biệt, việc sắp xếp, bài trí hiện vật ở một số nơi còn lộn xộn, vẫn còn tình trạng đặt các linh vật ngoại lai hoặc tượng phật không phù hợp; công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, kịp thời. Trong quá trình thi công tu bổ, phục hồi di tích, một số ngành, địa phương chưa tuân thủ hết các quy định pháp luật, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình.
Phát huy tối đa nguồn xã hội hóa trong tu bổ, quản lý hiệu quả tiền công đức
Mở đầu phiên giải trình, chất vấn, đồng chí Hoàng Huy Việt, Phó trưởng Ban VHXH cho rằng: Việc phân bổ, giải ngân vốn trong triển khai tu bổ di tích trên địa bàn cơ bản chậm tiến độ so với kế hoạch. Điều này sẽ dẫn tới tình trạng nhiều di tích nằm trong danh mục được hỗ trợ vốn ngân sách ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ sập đổ.
Đồng chí Hoàng Huy Việt trao đổi tại hội nghị.
|
Quan tâm đến công tác quy hoạch di tích, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Việt Yên, thành viên Ban VHXH nêu: Hiện toàn tỉnh mới có 6 di tích và cụm di tích đã được phê duyệt quy hoạch, trong đó có Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà. Đồng chí đề nghị lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao đổi về vấn đề này. Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp với Sở Xây dựng tham gia thẩm định, tư vấn các địa phương có di tích được phê duyệt quy hoạch về trình tự, thủ tục, các quy định liên quan đến việc tôn tạo di tích. Cùng đó, với từng loại di tích (đã hoặc chưa được xếp hạng), đề nghị đơn vị có hướng dẫn cụ thể các địa phương trong việc phân bổ ngân sách, lồng ghép các nguồn khác nhằm bảo đảm đúng quy định.
Trao đổi về các nội dung này, đồng chí Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phân tích, nhiều địa phương chưa bố trí được kinh phí đối ứng từ ngân sách, gặp khó khăn trong huy động nguồn xã hội hóa. Qua khảo sát thực tế, có di tích không đủ điều kiện để được hỗ trợ kinh phí tu bổ theo dự kiến ban đầu hoặc thay đổi (tăng hoặc giảm) mức phân bổ vốn từ ngân sách dựa trên mức độ xuống cấp thực tế; một số địa phương có nhu cầu chuyển nguồn tu bổ sang di tích khác. Thực tế này ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn và thi công công trình được quyết định hỗ trợ tu bổ.
Đồng chí Nguyễn Sĩ Cầm giải trình các vấn đề được đại biểu nêu.
|
Thời gian tới, đơn vị quan tâm hơn nữa đến công tác quy hoạch, hướng dẫn các địa phương lập quy hoạch, kế hoạch chi tiết trong triển khai tu bổ, phục hồi di tích nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt. Từ đó, bảo đảm các quy định pháp luật trong quá trình triển khai, tạo thuận lợi trong quản lý, bảo quản sau tu bổ, hướng tới phát huy giá trị bền vững của di tích.
Đồng chí Ngô Sỹ Long, thành viên Ban VHXH cho rằng, tại các di tích hiện nay, việc quản lý, trông coi trực tiếp mỗi nơi mỗi khác, nơi giao cho lãnh đạo thôn, chi hội người cao tuổi, nơi lại giao cho hội bản tự, chân quy, thủ nhang… Phương thức hoạt động, nhất là quản lý tài chính ở một số di tích chưa thống nhất, không ban hành quy chế, nội quy bằng văn bản, dẫn tới không ít vấn đề tiêu cực, gây bức xúc trong nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Thế Toản, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách nêu: Hiện có nhiều công trình đình, chùa được cấp huyện bố trí nguồn kinh phí lớn từ ngân sách cho tu bổ, phục hồi di tích, không cần phần đối ứng của ngân sách xã và đóng góp của người dân. Tuy nhiên thực tế, nhiều cử tri bày tỏ mong muốn đóng góp kinh phí cũng như tham gia bảo quản di tích sau tu bổ. Vì vậy, cùng với bảo đảm đầy đủ các quy định của Luật Đầu tư công trong phân bổ nguồn ngân sách, đề nghị ngành tài chính nghiên cứu, tham mưu xây dựng định mức phân bổ tùy theo cấp độ xuống cấp để nhà nước bố trí kinh phí, khuyến khích huy động tối đa các nguồn xã hội hóa.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tú, Phó Giám đốc Sở Tài chính thẳng thắn nhìn nhận, đây là lĩnh vực nhạy cảm nên việc quản lý tài chính, nhất là các khoản tài trợ, công đức gặp nhiều khó khăn. Hiện cũng chưa có văn bản pháp lý nào quy định thống nhất về về vấn đề này, trong khi nhu cầu về tín ngưỡng, công đức của người dân ngày càng lớn. Để bảo đảm tính minh bạch trong việc quản lý tài chính tại các cơ sở thờ tự, khu di tích, Bộ Tài chính hiện đang xây dựng dự thảo quy định tài chính trong tổ chức lễ hội, quản lý tiền tài trợ, sử dụng tiền công đức tham mưu với Chính phủ. Trong khi chờ quy định cấp trên, Sở Tài chính tăng cường tuyên truyền Luật Di sản văn hóa nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ chuyên môn và người dân; khuyến khích các di tích mở tài khoản ngân hàng, sổ ghi chép để công khai các khoản thu, chi; phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các hội đoàn thể ở cơ sở để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.
Tại phiên họp, các đại biểu HĐND tỉnh và đại diện lãnh đạo sở, ngành, địa phương liên quan còn trao đổi, phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục việc chậm tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với các di tích được xếp hạng; tình trạng đặt các linh vật ngoại lai hoặc tượng phật không phù hợp tại các đình, chùa.
Linh hoạt phân bổ ngân sách, bảo đảm chất lượng thẩm định quy hoạch
Tiếp thu các ý kiến trao đổi, chất vấn của đại biểu và thống nhất với nội dung giải trình của lãnh đạo các sở, ngành, huyện, TP, đồng chí Mai Sơn dẫn chứng, từ giai đoạn 2020-2022, tổng kinh phí đầu tư cho công tác tu bổ di tích trên địa bàn tỉnh là khoảng 573,7 tỷ đồng. Trong đó, T.Ư hỗ trợ 2 tỷ đồng; ngân sách tỉnh đối ứng 30 tỷ đồng; cấp huyện chi 169,2 tỷ đồng; cấp xã 48 tỷ đồng; còn lại hơn 324 tỷ đồng (chiếm 56,2%) là từ nguồn xã hội hóa.
Đồng chí Mai Sơn phát biểu tại phiên giải trình.
|
Từ con số đầu tư này, đồng chí cho rằng, đời sống của người dân đã dần được nâng cao, vì vậy, họ quan tâm hơn và có nhu cầu về tín ngưỡng, tâm linh rất lớn. Thực tế, công tác tu bổ, phục hồi di tích được thực hiện từ nguồn vốn đầu tư công theo quy định, cần phải bảo đảm các trình tự phân bổ nguồn liên quan. Vì vậy, ít hay nhiều đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án. Thời gian tới, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các huyện, TP dự báo khả năng cân đối nguồn ngân sách để linh hoạt phân bổ vốn theo thứ tự ưu tiên với từng hạng mục cụ thể. Đồng thời kêu gọi nguồn xã hội hóa để khắc phục hạn chế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình.
Đồng chí yêu cầu các địa phương khi xây dựng quy hoạch di tích cần có sự tham gia của ngành văn hóa. Lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín, có kinh nghiệm nhằm bảo đảm chất lượng thẩm định; chú trọng khâu hậu kiểm trong quản lý xây dựng, hạn chế tối đa tình trạng đặt linh vật ngoại lai hoặc đồ thờ, cúng không phù hợp tại di tích.
Đồng chí Lâm Thị Hương Thành phát biểu kết luận.
|
Phát biểu kết luận, đồng chí Lâm Thị Hương Thành nhấn mạnh, đây là phiên giải trình, chất vấn đầu tiên của Thường trực HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ này. Đồng thời, phương pháp tổ chức cũng được Thường trực HĐND tỉnh đổi mới, báo cáo kết quả khảo sát về vấn đề được lựa chọn được minh họa bằng hình ảnh. Qua đó, tạo thuận lợi cho đại biểu phân tích cặn kẽ những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, tu bổ di tích và đề xuất với ngành chức năng các giải pháp khắc phục.
Thời gian tới, đồng chí đề nghị UBND tỉnh rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch 238/KH-UBND năm 2019 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ tu bổ di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025. Từ đó, quan tâm bổ sung, điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, đồng thời, huy động tối đa nguồn đóng góp của người dân. Bám sát quy hoạch chung của tỉnh và quy hoạch ngành, lĩnh vực liên quan, UBND tỉnh, các ngành quan tâm đến công tác quy hoạch di tích. Đồng chí cho rằng, đây là vấn đề mấu chốt, quan trọng để quản lý, tu bổ di tích hiệu quả.
Đồng chí đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xác định ranh giới, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với các di tích được xếp hạng. Sở Tài chính hướng dẫn cụ thể về quy trình thẩm định của từng cấp về đầu tư vốn cho tu bổ di tích. UBND các huyện, TP phân cấp cho cấp xã về phân bổ ngân sách cho hoạt động này. Hiện nay, 6/10 huyện, TP đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều địa phương phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đồng chí đề nghị gắn tiêu chí không có di tích xuống cấp vào việc xét công nhận đạt các danh hiệu này.
Riêng với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cơ quan chủ quản quản lý nhà nước về lĩnh vực này- cần chủ động hơn nữa trong tham mưu, đề xuất các giải pháp khắc phục những hạn chế đã được đại biểu chỉ ra. Tập trung nghiên cứu, xây dựng quy chế và hướng dẫn để các địa phương thực hiện thống nhất việc sắp đặt bảng thông tin, bia ghi danh, quy chế tham quan, chiêm bái... Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, tập trung vào công tác thẩm định, phê duyệt hạng mục tu bổ, kịp thời phát hiện và đôn đốc chủ đầu tư khắc phục, không để phát sinh sai phạm; tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ, phát huy tối đa giá trị di tích trên địa bàn.
Tin, ảnh: Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)