Quan tâm đào tạo nghề, hỗ trợ sinh kế cho người nghèo
Giúp người nghèo tăng thu nhập
Gần 1 tháng nay, đều đặn 3 ngày/tuần, anh Lộc Văn Sơn (SN 1970), dân tộc Tày, thôn Khe Táu, xã Yên Định cùng gần 30 học viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo trong thôn lại đến nhà văn hóa Khe Táu để học sửa chữa máy cắt cỏ, máy bơm nước. Theo anh Sơn, với gần 3 ha trồng bạch đàn, vải thiều, gia đình anh thường xuyên sử dụng máy để cắt cỏ và bơm nước tưới cho cây trồng.
Học viên thuộc diện hộ nghèo tại thôn Khe Táu học nghề sửa chữa máy bơm nước. |
Trước đây, mỗi khi gặp sự cố trong lúc vận hành, anh lại dừng công việc để mang máy đến cửa hàng sửa chữa cách nhà gần 5 km, vừa mất thời gian lại tốn kém chi phí. Mọi việc dần thay đổi từ khi anh theo học lớp đào tạo nghề do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức.
Tại đây, anh cùng các học viên được giới thiệu về chi tiết, cấu tạo của máy, nguyên tắc hoạt động cũng như các lỗi thường gặp, hướng dẫn cách xử lý trong quá trình sử dụng. Đến nay, anh đã có thể tự sửa chữa các lỗi nhỏ thường gặp trên máy cắt cỏ như: Tắc lọc gió, nhiên liệu hao hoặc không đều. “Với những lỗi đơn giản, khi mang đi sửa cũng mất vài chục, thậm chí vài trăm nghìn đồng nên chi phí sản xuất lớn, thu nhập cũng giảm. Giờ thì tôi đã biết khắc phục một số lỗi đơn giản và tự kiểm tra, xác định tình trạng máy”, anh Lộc Văn Sơn cho biết.
Là huyện nghèo, những năm qua, cùng với thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển KT-XH, huyện Sơn Động quan tâm nhiều đến công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động. Từ đầu năm đến nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các xã, thị trấn mở 22 lớp đào tạo nghề cho hơn 600 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo với các nghề như: Sửa chữa máy nông nghiệp, điện dân dụng, quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chăn nuôi gà…
Cùng thời gian, Phòng Dân tộc huyện lập danh sách, đề nghị hỗ trợ công cụ sản xuất cho 44 hộ; Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hoàn thiện hồ sơ, giải ngân vốn vay ưu đãi cho 104 hộ chuyển đổi nghề với tổng vốn cho vay 10 tỷ đồng. Có thêm nguồn lực, các hộ mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh, bước đầu mang lại hiệu quả.
Ví như, từ 100 triệu đồng vốn vay ưu đãi chuyển đổi nghề dành cho hộ nghèo, tháng 9 vừa qua, anh Vũ Đình An (SN 1990), thôn Mai Hiên, xã Vĩnh An mở xưởng cơ khí, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 3 lao động địa phương; trừ chi phí anh thu về hơn 10 triệu đồng/tháng.
Tương tự, nhờ được hỗ trợ mua máy cắt cỏ, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, anh Lương Văn Lưu (SN 1987), dân tộc Nùng, thôn Khuân Cầu, xã Đại Sơn có điều kiện chăm sóc, nâng cao thu nhập từ vườn cây ăn quả.
Anh nói: “Trước đây, mỗi khi phát cỏ hoặc đến kỳ phun thuốc cho cây vải thiều, tôi đều phải mượn máy của các hộ khác. Do phụ thuộc nên bị ảnh hưởng đến tiến độ, thời điểm phun bị chậm, sản lượng, chất lượng quả vải kém. Được hỗ trợ máy, tôi đã chủ động hơn trong chăm sóc nên dự kiến nguồn thu từ cây vải sẽ tăng trong thời gian tới”.
Đào tạo nghề sát thực tế
Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, từ đầu năm đến nay, toàn huyện tạo việc làm mới cho hơn 2,4 nghìn lao động, đạt 93,7% kế hoạch năm 2023. Trong đó, 106 người đi xuất khẩu lao động, đạt 96,4% kế hoạch, nâng tổng số lao động của huyện đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài gần 900 người. Có được kết quả này, các ngành, đơn vị liên quan tăng cường nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn.
Từ đầu năm đến nay, toàn huyện tạo việc làm mới cho hơn 2,4 nghìn lao động, đạt 93,7% kế hoạch năm 2023. Trong đó, 106 người đi xuất khẩu lao động, đạt 96,4% kế hoạch, nâng tổng số lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài gần 900 người. |
Cùng đó, UBND huyện quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tổ chức các lớp học nghề cho lao động nông thôn. Đến nay, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của huyện đạt 72,2%, trong đó lao động được cấp văn bằng chứng chỉ đạt 43%.
Các chính sách về lao động đã góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện. Giai đoạn 2020-2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm bình quân 5%/năm (mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra giảm 2,5 - 3%/năm).
Dù đã có những kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo song so với mặt bằng chung của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện còn cao (hiện còn 20,82%). Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, Sơn Động ra khỏi danh sách huyện nghèo, cùng với đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền các xã, thị trấn bám sát tình hình, sớm triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế cho người dân.
Hiện cơ quan chuyên môn của huyện đã hoàn thiện hồ sơ, trình thẩm định hỗ trợ thực hiện 30 dự án, mô hình chăn nuôi bò, gà, ong, tắc kè với tổng kinh phí 5,6 tỷ đồng; hỗ trợ công cụ sản xuất cho 504 hộ thiếu đất sản xuất với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng. Cùng đó, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cũng đề xuất bổ sung 3,5 tỷ đồng để hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo chuyển đổi nghề.
Theo bà Vi Thị Tú, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, cùng với các nguồn lực hỗ trợ, từ nay đến cuối tháng 10, huyện mở thêm từ 8-10 lớp đào tạo nghề cho lao động tại các xã, trong đó ưu tiên đào tạo những nghề như: Chăn nuôi bò, gà, ong, tắc kè… Về lâu dài, khi các mô hình du lịch cộng đồng phát triển, huyện sẽ quan tâm hơn đến các nghề có tiềm năng phát triển như: Lái xe điện, hướng dẫn viên du lịch, nấu ăn...
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)