Quản lý, tổ chức hiệu quả hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn
Đồng chí Hà Văn Bé phát biểu trong buổi giám sát tại xã Cảnh Thụy. |
Theo báo cáo của UBND huyện Yên Dũng, từ năm 2015 đến tháng 6-2017, huyện đã tổ chức 69 lớp, đào tạo nghề cho gần 3 nghìn lao động (trong đó có gần 2 nghìn chỉ tiêu nghề phi nông nghiệp). Nhờ vậy, toàn huyện hiện có hơn 31,8 nghìn lao động đã qua đào tạo, chiếm tỷ lệ 41,4% tổng số người trong độ tuổi lao động. Số lao động tìm được việc làm sau đào tạo từ năm 2015 đến nay đạt từ 85% trở lên.
Qua kiểm tra thực tế tại hai xã: Tiến Dũng, Cảnh Thụy và làm việc với lãnh đạo UBND, các phòng chuyên môn của huyện, các thành viên Ban Văn hóa - Xã hội và đại diện các sở đã chỉ ra một số tồn tại, trao đổi, làm rõ nhiều vấn đề. Đó là: Lao động chủ yếu được đào tạo ngắn hạn nên chất lượng đầu ra còn thấp, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động; nhiều học viên thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, ảnh hưởng tới quá trình giảng dạy của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cần làm tốt công tác điều tra, khảo sát nhu cầu lao động để lựa chọn những ngành nghề đào tạo phù hợp; đánh giá thực chất hiệu quả sau đào tạo, đặc biệt là số người học nghề phi nông nghiệp tìm được việc làm ổn định trong doanh nghiệp.
Phát biểu tại đây, đồng chí Hà Văn Bé đánh giá cao kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề trên địa bàn thời gian qua. Đồng thời, khẳng định chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn là phù hợp, giúp chuyển đổi nghề hoặc nâng cao năng lực, tiếp thu khoa học kỹ thuật của người dân, phát triển kinh tế địa phương.
Đồng chí đề nghị huyện tập trung rà soát, bổ sung để kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo mới thuộc lĩnh vực; đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề, kết nối giải quyết việc làm, bảo đảm đầu ra cho học viên sau đào tạo. Tăng cường hoạt động khảo sát, nắm bắt nhu cầu thực tế của lao động thuộc từng nhóm tuổi, địa bàn và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp để tổ chức hoạt động đào tạo phù hợp.
Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)