Quản lý thức ăn đường phố tại TP Bắc Giang dần đi vào nền nếp
Chuyển biến tích cực
Qua rà soát, toàn TP có 421 cơ sở kinh doanh TAĐP. Sau hơn hai năm thực hiện, các chỉ tiêu trong đề án đều đạt và vượt. TP và 16 phường, xã đều xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn TAĐP trên địa bàn. 100% cán bộ làm công tác quản lý, chuyên trách ATTP từ TP đến phường, xã được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ. 87% người kinh doanh thức ăn đường phố có kiến thức đúng và thực hành đúng về ATTP. Theo kế hoạch, trong năm 2018 có hơn 80% các cơ sở kinh doanh TAĐP được cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP, khám sức khỏe định kỳ theo quy định song hiện tại đã đạt 100%. Toàn bộ cơ sở kinh doanh TAĐP được thống kê và đưa vào quản lý; 97% cơ sở có giấy cam kết bảo đảm điều kiện ATTP với cơ quan quản lý. Một số trường học trên địa bàn thành phố đã thí điểm mở căng tin trong trường, giúp giảm thiểu học sinh sử dụng các loại đồ ăn vặt chất lượng kém, không rõ nguồn gốc xuất xứ bày bán tại khu vực cổng trường.
Đại diện Ủy ban MTTQ và Trạm Y tế phường Lê Lợi tuyên truyền, nhắc nhở chủ các cửa hàng ăn trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định an toàn thực phẩm. Ảnh: Đỗ Quyên |
Ông Nguyễn Văn Hùy, Phó Chủ tịch UBND xã Song Khê cho biết, xã thành lập tổ liên ngành, kiểm tra theo kế hoạch và tăng cường vào các đợt cao điểm. Các hộ đa số chấp hành quy định khám sức khỏe định kỳ, tham gia các đợt tập huấn về ATTP; nhờ vậy hiểu biết của người dân về sản xuất, chế biến, bảo quản thức ăn chuyển biến tích cực. Những điểm bán đồ ăn tươi sống tại chợ được hướng dẫn, nhắc nhở lấy thực phẩm rõ nguồn gốc, ghi rõ thời gian nhận hàng, người giao hàng để quy trách nhiệm nếu xảy ra sự cố. Tại chợ Song Khê, các sạp hàng bán thực phẩm được xây bục cao, ốp gạch men, hằng ngày rửa bằng nước sạch. Chị Trần Thị Khánh bán bún chả tại đây cho biết: “Tôi được tham gia tập huấn về ATTP mỗi năm một lần và khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần. Ngoài ra tôi thực hiện đúng cam kết sử dụng hàng hóa có nguồn gốc và bảo đảm vệ sinh”.
Cùng với công tác rà soát, tập huấn, khám sức khỏe định kỳ, các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành của TP và phường, xã còn tăng cường kiểm tra ATTP tại cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố và bếp ăn tập thể tại các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn. Quá trình kiểm tra kết hợp tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATTP để các cơ sở nghiêm túc thực hiện.
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Bên cạnh những kết quả, qua triển khai công tác quản lý TAĐP cho thấy đa số các chủ cơ sở chưa thực sự quan tâm nghiên cứu các quy định của pháp luật về ATTP để tự giác chấp hành. Còn có những cơ sở kinh doanh TAĐP mặt bằng tận dụng, chật hẹp, rác thải không thu gom kịp thời. TP chưa thực hiện triệt để việc bố trí cho các cơ sở kinh doanh TAĐP có địa điểm cố định, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông và cảnh quan đô thị. Trang thiết bị và các phương tiện kiểm tra cơ động chưa đáp ứng được yêu cầu kiểm tra nhanh, đột xuất cũng như chưa đủ điều kiện để kiểm nghiệm về chất lượng nguyên liệu một số loại thực phẩm.
Dụng cụ test nhanh được cấp cho đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành của TP và tổ kiểm tra liên ngành các phường, xã để test nhanh độ sạch bát đĩa; kiểm tra hàn the trong giò, chả, bún, bánh, methanol trong rượu; phoocmon; độ ôi khét dầu mỡ... Hai năm qua, toàn TP đã kiểm tra hơn 700 lượt cơ sở; xử phạt 37 cơ sở vi phạm hành chính với số tiền 29,6 triệu đồng. |
Theo bác sĩ Phạm Thành Kha, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Trần Phú, 5 năm gần đây phường không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. Mặc dù vậy, các cơ sở TAĐP thường nhỏ lẻ, nhiều hộ từ địa phương khác đến, một số cơ sở không có địa điểm cố định, không đủ tiêu chuẩn nhưng để bảo đảm việc làm, đời sống cho người dân thu nhập thấp nên vẫn để họ duy trì. Kinh phí đầu tư và đội ngũ cán bộ chuyên môn làm công tác quản lý ATTP còn thiếu và hạn chế về chuyên môn, kiêm nhiệm nhiều việc. Để khắc phục, phường tăng cường kiểm tra bằng các biện pháp trực quan và dụng cụ test nhanh, nhắc nhở, hướng dẫn người kinh doanh, chế biến giữ vệ sinh.
Rải rác tại các phường, xã vẫn còn chủ cơ sở sản suất, kinh doanh thực phẩm không có tủ kính, không che đậy thức ăn chín; việc lưu mẫu thực phẩm, trang phục bảo hộ lao động chưa đúng quy định. Người tiêu dùng có thói quen đơn giản, dễ dàng chấp nhận TAĐP. Chị Lê Thị Hoàn (phường Ngô Quyền) nói: "Tôi và bạn bè thường xuyên ăn TAĐP do nhanh, tiện, giá cả hợp túi tiền. Tuy nhiên về ATTP thì không để ý lắm vì đó là thói quen".
Ông Chu Văn Chung, Trưởng Phòng Y tế TP cho biết, để công tác quản lý TAĐP đạt hiệu quả cao hơn nữa, TP tiếp tục thống kê, cập nhật, đánh giá, phân loại đầy đủ các cơ sở kinh doanh TAĐP để đưa vào quản lý; tập huấn, tuyên truyền kiến thức, pháp luật về ATTP cho cán bộ làm công tác này từ TP đến phường, xã và các cơ sở thực phẩm để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Phối hợp liên ngành chặt chẽ từ TP đến các phường, xã trong công tác bảo đảm ATTP; tiếp tục thực hiện việc ký cam kết trách nhiệm bảo đảm ATTP đối với cơ sở TAĐP trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ đối với ban chỉ đạo liên ngành về ATTP các phường, xã đồng thời thường xuyên kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm của các cơ sở kinh doanh TAĐP trên địa bàn.
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc (0)