Quản lý cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố: Vẫn còn khó khăn, hình thức
BẮC GIANG - Trên địa bàn TP Bắc Giang, thức ăn đường phố, hàng ăn được bày bán ở các ngõ ngách, phố phường, xung quanh cổng trường học nhưng khâu kiểm soát nguồn gốc, vệ sinh thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Khó kiểm soát
Tổng hợp của ngành chức năng, trên địa bàn TP có 378 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố tập trung ở các phường: Trần Phú, Ngô Quyền, Lê Lợi, Hoàng Văn Thụ, Dĩnh Kế, Thọ Xương, Trần Nguyên Hãn, Hoàng Văn Thụ… Theo Luật An toàn thực phẩm (ATTP), thức ăn đường phố là thực phẩm được chế biến dùng để ăn, uống ngay, trong thực tế được thực hiện thông qua hình thức bán rong, bày bán trên đường phố, nơi công cộng. Nơi bày bán thức ăn đường phố phải cách biệt nguồn gây độc hại, ô nhiễm. Nguyên liệu để chế biến phải bảo đảm ATTP, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại... Căn cứ Quyết định 15/2019/QĐ-UBND, ngày 27/6/2019 của UBND tỉnh Quy định phân cấp và trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP thuộc lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, UBND cấp xã quản lý các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
Lực lượng chức năng phường Lê Lợi kiểm tra cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. |
Quy định là thế song công tác quản lý nhà nước về ATTP đối với các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố còn nhiều khó khăn, bất cập. Ông Chu Văn Chung, Trưởng Phòng Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP TP Bắc Giang cho biết: “Do sản xuất, sơ chế nhỏ lẻ, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định… nên theo quy định hiện hành, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố không phải đăng ký hộ kinh doanh, không thuộc diện phải cấp Chứng nhận đủ điều kiện về ATTP. Lực lượng làm công tác kiểm tra ở cơ sở mỏng, chủ yếu kiêm nhiệm. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật các quy định ATTP cho những người kinh doanh loại hình này còn hạn chế”.
Qua khảo sát, tìm hiểu của phóng viên, trên các tuyến đường, khu vực chợ, gần cổng trường học… có hàng trăm cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Trong đó có không ít cơ sở thực hiện chưa nghiêm quy định về ATTP như: Dụng cụ chứa, đựng thức ăn còn bẩn; thực phẩm bày bán không được che đậy, nhiều bụi bặm, côn trùng; có những loại đã lên men nổi váng (dưa, cà)... Hiện nay, vật tư y tế các phường, xã được cấp phát, sử dụng để kiểm tra các mẫu thực phẩm thức ăn đường phố chủ yếu là dụng cụ thử test nhanh hàn the (mỗi năm khoảng 50 chiếc).
Từ năm 2023 đến nay, lực lượng chức năng TP kiểm tra 259 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, phát hiện, xử phạt 13 cơ sở vi phạm với tổng số tiền là 17,2 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu như: Không có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng; nơi bày bán thức ăn không cách biệt nguồn gây ô nhiễm; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín… |
Từ năm 2023 đến nay, lực lượng chức năng TP kiểm tra 259 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, phát hiện, xử phạt 13 cơ sở vi phạm với tổng số tiền là 17,2 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu như: Không có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng; nơi bày bán thức ăn không cách biệt nguồn gây ô nhiễm; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín… Tuy nhiên, các lỗi vi phạm này mới chỉ là nhìn thấy bên ngoài, vấn đề quan trọng nhất mà người tiêu dùng quan tâm đó là thực phẩm thức ăn đường phố có bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, có chất cấm, chất gây hại… hay không.
Được biết, trên địa bàn tỉnh chỉ có Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Giang đủ năng lực xét nghiệm vi sinh, phân tích các mẫu thực phẩm để xác định có chứa những thành phần, chất gì, mức độ nguy hại ra sao… Chi phí phân tích, xét nghiệm khá cao (từ 100 nghìn đồng đến 250 nghìn đồng/chỉ tiêu). Nhiều mẫu phải xét nghiệm hàng chục chỉ tiêu mới đánh giá hết mức độ về ATTP. Thời gian trả kết quả xét nghiệm từ 5-7 ngày. Do chi phí lớn, quy trình lấy mẫu phân tích, xử lý vi phạm phức tạp, khó khăn, nên hầu hết tổ kiểm tra ở các phường, xã chỉ kiểm tra bằng cảm quan, nhắc nhở người kinh doanh, không đủ căn cứ để xử phạt.
Quản lý hiệu quả hơn
Phường Trần Phú có 36 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, tập trung nhiều ở đường Lý Thái Tổ, khu vực chợ Thương, đường Nghĩa Long, Trường Tiểu học Trần Phú… Vào các đợt cao điểm, tổ kiểm tra của phường tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Tuy vậy, từ năm 2023 đến nay, phường chưa xử lý được trường hợp vi phạm nào, chủ yếu là nhắc nhở. Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: “Giả sử test (kiểm tra) nhanh chiếc bánh giò hay khoanh giò có thể ra ngay kết quả xem có hàn the hay không song muốn biết con vịt, miếng thịt lợn quay đang bày bán, hay chảo mỡ mà người kinh doanh sử dụng để rán đồ ăn liệu có bảo đảm ATTP thì chúng tôi không có thiết bị kiểm tra, phân tích”.
Trên địa bàn phường Lê Lợi có 13 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng chức năng của phường kiểm tra một số cơ sở và xử phạt vi phạm hành chính 2 trường hợp bán đồ ăn cạnh Trường Tiểu học Lê Lợi với mức 500 nghìn đồng/trường hợp do thức ăn không được che, đậy ngăn bụi bẩn, 1 trường hợp bày bán sản phẩm chân gà ủ muối không rõ nguồn gốc xuất xứ bị phạt 750 nghìn đồng. Theo ông Lê Xuân Trường, Chủ tịch UBND phường Lê Lợi, tổ kiểm tra ATTP của phường hầu hết là kiêm nhiệm; thiết bị để thử, phân tích các chỉ tiêu về vi sinh, hóa học không có; mặt hàng, thức ăn đường phố chủ yếu được bày bán ngoài giờ hành chính, điểm kinh doanh thường không cố định nên việc kiểm tra, xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn.
Mỗi năm, trên cả nước xảy ra hàng trăm vụ ngộ độc thực phẩm với hàng nghìn người mắc, không ít trường hợp tử vong. Con số đáng báo động này khiến người dân luôn trong tình trạng thấp thỏm lo âu trước mỗi bữa ăn hằng ngày. Vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì ở tỉnh Đồng Nai gần đây khiến gần 600 người phải nhập viện, trong đó nhiều ca bệnh có tiên lượng rất nặng là trẻ em. Được biết, tiệm bán bánh mì không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận ATTP. Nguyên liệu, thực phẩm do tiệm tự chế biến từ nguồn nguyên liệu mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ, không có hợp đồng mua bán. Đây là vụ ngộ độc tập thể liên quan đến thức ăn đường phố có số người mắc lớn nhất trên cả nước từ trước đến nay.
Để quản lý hiệu quả các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tránh hình thức, chính quyền, ngành chức năng TP cần đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn kiến thức về ATTP tới các nhóm đối tượng: Người quản lý, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Đặc biệt, nguyên liệu đầu vào phải bảo đảm được truy xuất nguồn gốc; quá trình chế biến, bảo quản cần tuân thủ đúng quy định. Bên cạnh bố trí nguồn nhân lực, chính quyền, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung các quy định trong công tác quản lý, khắc phục những bất cập.
Nâng cao năng lực hệ thống kiểm nghiệm bảo đảm chất lượng ATTP. Trang bị, bổ sung thiết bị, dụng cụ phân tích mẫu thực phẩm cho cơ quan, lực lượng chức năng phục vụ công tác kiểm nghiệm, kiểm tra. Mặt khác, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm. Cùng đó, người tiêu dùng nên chọn những cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố có uy tín khi mua.
Phương Ngân
Ý kiến bạn đọc (0)