Quản chặt xe đưa đón học sinh
Lợi cả đôi bên
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh ra đời cách đây vài năm. Dịch vụ này xuất hiện ở hầu hết các địa phương song nhiều nhất là tại các huyện: Lục Nam, Lạng Giang, Hiệp Hòa và Việt Yên, do nhóm phụ huynh tự hợp đồng với chủ xe, một số nơi có sự tham gia của nhà trường ở góc độ tư vấn, hỗ trợ và giám sát.
Học sinh Trường Tiểu học Xương Lâm (Lạng Giang) đến trường bằng xe đưa đón. |
Hai năm học trước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều thời điểm học sinh học trực tuyến nên nhu cầu thuê dịch vụ xe đưa đón chững lại. Năm nay, dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, học sinh đến trường học trực tiếp, theo đó dịch vụ đưa đón tại các địa phương dần sôi động trở lại. Hiện Sở Giao thông - Vận tải đang quản lý gần 1,3 nghìn ô tô khách theo hình thức hợp đồng đưa đón công nhân, học sinh, khách tham quan, du lịch (gọi chung là xe hợp đồng).
Khảo sát tại Lục Nam cho thấy, toàn huyện có 120 xe ô tô hợp đồng dịch vụ đưa, đón học sinh, công nhân, trong đó khoảng 40 xe chuyên chở học sinh, tập trung ở các xã: Lan Mẫu, Bắc Lũng, Yên Sơn… Dịch vụ đưa đón các em chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện, tự thỏa thuận giữa nhà xe và phụ huynh. Mức giá tùy thuộc chiều dài quãng đường di chuyển, trung bình từ 300 đến 500 nghìn đồng/em/tháng (mỗi ngày từ 2 đến 4 lượt đi về).
Xe ô tô đưa đón chủ yếu chạy quãng đường từ 3 đến 6 km. Trung tá Ngụy Hữu Hùng, Đội trưởng Đội CSGT - trật tự (Công an huyện Lục Nam) thông tin, nhằm ngăn ngừa vi phạm giao thông với loại hình dịch vụ này, trước ngày khai giảng năm học mới, đơn vị yêu cầu các chủ xe, lái xe ký cam kết thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường bộ, không chở quá số người quy định, không đi quá tốc độ, không sử dụng rượu bia khi lái xe.
Tại Lạng Giang, từ cuối năm 2019, Công an huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phối hợp với các chủ xe, nhà trường ký cam kết giai đoạn 2020 - 2025 về thực hiện một số giải pháp bảo đảm an toàn khi đưa, đón học sinh đến trường. Hiện toàn huyện có hơn 60 xe ô tô từ 7 - 35 chỗ ngồi đưa đón khoảng 1,3 nghìn em bậc tiểu học và mầm non đến trường.
Có thể nói, từ khi có dịch vụ ô tô đưa, đón học sinh, nhiều gia đình, phụ huynh giải quyết được khó khăn về thời gian đưa đón con em. Thực tế, nhiều em có bố mẹ là công nhân, giờ con đi học cũng là thời điểm đi làm.
Bà Hoàng Thị Toàn ở thôn 17, xã Xương Lâm (Lạng Giang) nói: “Tôi có 4 cháu nội. Bố mẹ các cháu đều làm công nhân nên không có thời gian đưa đón. Sáng nào bà cháu cũng vội vàng, song từ khi thuê xe ô tô, bố mẹ các cháu rất yên tâm, bản thân tôi cũng có thời gian lao động sản xuất”.
Kiểm soát chặt
Để quản lý dịch vụ đưa đón học sinh bằng ô tô, hạn chế rủi ro, nhất là tai nạn giao thông, thời gian qua, Phòng CSGT (Công an tỉnh) và công an các huyện, TP đã mạnh tay xử lý các chủ xe, lái xe vi phạm quy định về an toàn giao thông.
Công an huyện Lục Nam kiểm tra lái xe chấp hành quy định về an toàn giao thông. |
8 tháng năm nay, lực lượng CSGT toàn tỉnh phát hiện, xử lý 993 xe ô tô khách, xe hợp đồng đưa đón công nhân, học sinh vi phạm Luật An toàn giao thông đường bộ, trong đó tạm giữ 38 xe, tước giấy phép lái xe 81 trường hợp. Các lỗi vi phạm chủ yếu là chở quá số người quy định, không có giấy phép khi điều khiển phương tiện.
Sáng 16/8, Đội CSGT đường bộ số 1 (Phòng CSGT) làm nhiệm vụ trên đường 299B đoạn qua huyện Yên Dũng phát hiện anh Bùi Văn M (SN 1991) trú ở xã Vũ Bình, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) điều khiển ô tô BKS 22B.007 47 không có giấy tờ. Tổ công tác đã lập biên bản tạm giữ xe 10 ngày, xử phạt 8 triệu đồng.
Trước đó (ngày 8/9), Đội lập biên bản xử phạt 3,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng đối với anh Nguyễn Văn S (SN 1979) ở xã Đồng Phúc (Yên Dũng) điều khiển ô tô 98B.024 93 vi phạm quy định điều khiển xe cơ giới có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường nhưng hết hạn sử dụng. Trước đó, năm 2021, Công an huyện Lục Nam phát hiện một số trường hợp sử dụng giấy phép lái xe giả điều khiển phương tiện xe khách, xe hợp đồng đưa đón công nhân, học sinh…
Thượng tá Ngô Văn Phục, Phó trưởng Phòng CSGT cho biết, nhằm thực hiện có hiệu quả “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường” và phòng ngừa tai nạn giao thông, đơn vị tiếp tục phối hợp với ngành Giáo dục, các đoàn thể tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ huynh, học sinh.
Đặc biệt, quán triệt các tổ công tác xử lý nghiêm người tham gia giao thông vi phạm quy định về an toàn giao thông. Đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, nhất là ở khu vực cổng trường học, xử lý nghiêm những vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn như chạy quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy, đi không đúng làn đường, dừng đỗ, tránh vượt không đúng quy định, sử dụng xe hết niên hạn…
Mới đây, một số đơn vị như Công an huyện Lạng Giang, Lục Nam đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Huyện đoàn tổ chức tuyên truyền, ký cam kết chấp hành nghiêm Luật An toàn giao thông đường bộ giữa lái xe, hội viên phụ nữ, đại diện nhà trường. Cử cán bộ trực tiếp về địa phương kiểm tra giấy tờ, hướng dẫn lái xe hoàn thiện thủ tục theo quy định; phối hợp với nhà trường, phụ huynh lựa chọn, ký hợp đồng với chủ xe, đơn vị kinh doanh vận tải đủ điều kiện.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo các nhà trường xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình đưa đón học sinh bằng xe ô tô, trong đó phải có sự thống nhất giữa nhà trường với đơn vị cung cấp dịch vụ và gia đình. Khi ký kết hợp đồng vận chuyển giữa cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải phải xác định rõ yêu cầu, trách nhiệm của các bên liên quan, mục tiêu đề ra là bảo vệ sức khoẻ, an toàn tính mạng cho học sinh.
Yêu cầu nhà xe bố trí thêm phụ xe kiểm tra danh sách, duy trì trật tự, hướng dẫn học sinh lên xuống ô tô đúng cách cũng như kỹ năng thoát hiểm khi gặp tình huống nguy hiểm.
Bài, ảnh: Tuyết Mai - Văn Ngọc
Ý kiến bạn đọc (0)