Phòng ngừa sốt xuất huyết: Cần hợp tác diệt muỗi, bọ gậy
Nhân viên y tế phun hóa chất diệt muỗi tại nhà dân tại xã Mai Trung (Hiệp Hòa). |
Diệt muỗi chưa hiệu quả
Để chủ động phòng, chống SXH, gần đây, các địa phương tập trung cao phun hóa chất diệt muỗi. Biện pháp này đã hạn chế được phần lớn nguy cơ bùng phát dịch. Tuy nhiên, một số người dân phản ánh, sau khi phun hóa chất vài hôm, nhà lại nhiều muỗi. Chị Trần Thị Đào, thôn Kỳ Anh, xã Tiên Hưng (Lục Nam) thông tin: “Như nhiều hộ khác, tôi đăng ký phun hóa chất diệt muỗi nhưng phun hôm trước, hôm sau nhà đã nhiều muỗi. Gia đình băn khoăn về chất lượng hóa chất và kỹ thuật phun của nhân viên”. Trong khi thôn Kỳ Anh vừa xuất hiện một ổ dịch với hai bệnh nhân mắc SXH nên nguy cơ lây truyền bệnh rất cao. Trước ý kiến của chị Đào, Trung tâm Y tế huyện Lục Nam đã cử đoàn giám sát chỉ số muỗi đến kiểm tra thực tế. Tại đây, nhân viên y tế phát hiện xung quanh nhà tồn tại nhiều thùng phi, chai bia chứa nước đọng. Do gia đình bán hàng tạp hóa, có nhiều vỏ thùng chất đống ngoài trời, lại ở cạnh điểm rửa xe có nhiều lốp ô tô, xe máy hỏng chứa nước mưa ẩm thấp. Đây là môi trường thuận lợi cho muỗi truyền SXH sinh sôi.
Tìm hiểu thực tế tại một số khu dân cư nhận thấy, do nhiều nguyên nhân nên khi địa phương tổ chức phun hóa chất, có hộ chủ động hợp tác, hộ không dẫn đến hiện tượng "xôi đỗ" khiến muỗi tiếp tục sinh sôi, phát tán dịch. Hơn nữa, thời tiết mưa liên tục, nhiều khi vừa phun xong gặp mưa. Thậm chí, nhân viên phun chưa đúng kỹ thuật, tỷ lệ pha thuốc loãng khiến muỗi không chết. Dù ngành y tế đã khuyến cáo phun hóa chất vào buổi sáng (từ 6- 9 giờ) hoặc buổi chiều (từ 17- 20 giờ)- những thời điểm loài muỗi truyền SXH hoạt động mạnh nhưng hầu hết các địa phương không thực hiện đúng thời điểm.
Quyết liệt khống chế
Tính đến ngày 13-9, toàn tỉnh ghi nhận 660 bệnh nhân SXH ở 183/230 xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, các huyện, TP xuất hiện 19 ổ dịch (một ổ dịch mới ở thôn Ngọc Lĩnh, xã Ngọc Thiện, Tân Yên), trong đó có 17 ổ đã kết thúc, còn 2 ổ đang diễn tiến với 5 bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện. |
Trước những băn khoăn về hiệu quả của hóa chất phun diệt muỗi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thông tin, hóa chất sử dụng diệt muỗi trên địa bàn tỉnh cũng như ở hầu hết các tỉnh trong cả nước là thuốc phun Delta Metrin được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng trong phòng, chống SXH. Theo kết quả đánh giá, hiệu lực thuốc tốt, sau 24 giờ phun hóa chất cho thấy khoảng 98% muỗi trưởng thành bị diệt. Tuy nhiên, nguồn hóa chất dự phòng do ngân sách cấp chủ yếu để phun các ổ dịch, địa bàn trọng điểm nguy cơ cao như khu vực nhà trọ, bệnh viện, trường học. Vì vậy, để chủ động phòng bệnh, ngoài đăng ký phun theo đợt tại thôn, tổ dân phố, người dân có thể chủ động mua hóa chất tại Trung tâm Y tế các huyện, TP, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh, nhà thuốc tư nhân về phun theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Theo thông tin từ Sở Y tế, tình hình SXH đang có xu hướng giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Nhất là trong tháng 9 thường là đỉnh điểm của dịch bởi thời tiết nắng nóng xen mưa nhiều là điều kiện để muỗi truyền SXH sinh sôi. Hơn nữa, bước vào năm học mới, nếu không ngăn chặn, các ổ dịch có thể phát tán trong trường học dẫn đến nguy cơ dịch bệnh lan rộng, diễn biến phức tạp hơn.
Theo kinh nghiệm dự phòng, chỉ khi xuất hiện gió heo may, SXH mới chững lại và giảm dần. Để ngăn chặn hiệu quả, ông Trương Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Y tế chia sẻ: Ngành sẽ phối hợp với các huyện, TP huy động tổng lực chỉ đạo kiểm soát khoanh vùng bệnh tại 19 ổ dịch và các khu vực trọng điểm, đẩy mạnh giám sát chiến dịch diệt bọ gậy và phun hóa chất. Yêu cầu các xã, phường, thị trấn đưa máy phun áp lực lớn phun hóa chất diệt muỗi tại khu vực công cộng, xung quanh nhà dân vào lúc xẩm tối. Buổi sáng sẽ phun ở các hộ dân bằng máy áp lực nhỏ, máy đeo vai để có thể vào từng ngóc ngách. Hơn nữa, thời điểm này, năm học mới bắt đầu, Trung tâm Y tế các huyện, TP xây dựng phương án kiểm soát dịch bệnh ở các trường học; bảo đảm 100% trường học được phun hóa chất diệt muỗi.
Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)