Phòng, chống dịch Covid-19: Giám sát, ngăn ngừa nguy cơ ở khu công nghiệp
Phát huy vai trò tổ tự quản, giám sát
Thực hiện nhiệm vụ phòng dịch, thời điểm này hầu hết cửa hàng kinh doanh quanh các KCN: Đình Trám, Vân Trung, Quang Châu đều đóng cửa. Giờ tan ca, từng tốp nhỏ công nhân về xóm trọ. Những chiếc xe tuyên truyền lưu động của lực lượng y tế, thanh niên len lỏi khắp các ngõ, xóm phổ biến quy định về cách ly, phòng dịch.
Lực lượng chức năng xã Tăng Tiến (Việt Yên) phối hợp kiểm tra giấy tờ, khai báo y tế, đo thân nhiệt đối với người đến trọ tại địa bàn. |
Ông Nguyễn Văn Hiệu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nếnh thông tin: “Thị trấn hiện có hơn 42 nghìn người sinh sống, trong đó khoảng 22,1 nghìn người thuê trọ. Để phòng dịch, thị trấn đã kiện toàn các ban chỉ đạo, tổ giúp việc, tổ chức vệ sinh môi trường ở tất cả các khu dân cư, xóm trọ công nhân; thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin người nước ngoài, người trở về từ Bệnh viện Bạch Mai để thực hiện các giải pháp phòng dịch”. Thị trấn đã thực hiện giãn phiên chợ Nếnh từ tổ chức hằng ngày xuống họp một phiên vào thứ sáu hằng tuần. Do đây là chợ đầu mối lớn nhất huyện, thương nhân ở khắp nơi về kinh doanh tiềm ẩn yếu tố phức tạp nên trước mỗi phiên họp chợ, lực lượng chức năng phun khử khuẩn, phân công người kiểm tra thân nhiệt và yêu cầu người dân đeo khẩu trang; phân luồng theo quy định. Phát huy tối đa vai trò của các tổ tự quản, giám sát cộng đồng (thành viên là đại diện cấp ủy, trưởng thôn, trưởng các đoàn thể) trong công tác tuyên truyền, giám sát việc chấp hành quy định của các hộ dân trên địa bàn.
Để làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch, thời gian tới, UBND huyện yêu cầu lực lượng chức năng, các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng dịch. |
Tại xã Quang Châu, UBND xã cũng thành lập các tổ tự quản, triển khai tuần tra, kịp thời phát hiện những trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng để báo lực lượng chức năng xử phạt, đồng thời phát khẩu trang miễn phí cho các đối tượng này.
Được biết, toàn huyện đã thành lập 500 tổ tự quản, giám sát cộng đồng. Nhờ được tuyên truyền, nhiều chủ nhà trọ, người lao động đã nâng cao ý thức tự giác phòng dịch. Chị Nguyễn Thị Ly, công nhân Công ty TNHH Siflex Việt Nam thuê trọ tại thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu chia sẻ: Lúc đầu tôi cũng lo lắng nhưng sau khi nghe các khuyến cáo về phòng dịch qua loa truyền thanh, tôi và mọi người đã chủ động vệ sinh nơi ở sạch sẽ, mở cửa phòng thông thoáng, đeo khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với người khác.
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Thành viên tổ tự quản, giám sát cộng đồng thôn Hoàng Mai 3, thị trấn Nếnh nắm tình hình người ở trọ trên địa bàn. |
Để tạo thuận lợi cho công nhân, huyện chỉ cho phép các cửa hàng bán đồ ăn sáng, trưa, tối ở các xã, thị trấn xung quanh KCN, như: Hồng Thái, Tăng Tiến, Vân Trung, Quang Châu, thị trấn Nếnh, thị trấn Bích Động hoạt động. Việc giao đồ ăn phục vụ công nhân ở khu nhà trọ phải bảo đảm yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và các biện pháp phòng dịch.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều công nhân nghỉ việc nên lượng người trọ ở xã Tăng Tiến giảm đáng kể. Hiện toàn xã có khoảng 8 nghìn người dân địa phương đang có mặt tại địa bàn và hơn 2 nghìn người thuê trọ, tương ứng có hơn 300 hộ kinh doanh phòng trọ.
Theo ông Thân Văn Quyền, Chủ tịch UBND xã, ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện, xã đã triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch với phương châm: Quyết tâm, tập trung cao, không lơ là, chủ quan. Hằng tuần, xã tổ chức phun khử khuẩn tại nơi đông người; cung cấp miễn phí hóa chất cloramin B cho các nhà trọ để phòng dịch. Từ nguồn vận động, xã phát miễn phí hơn 15 nghìn khẩu trang y tế, 50 lít nước sát trùng cho người dân và lao động thuê trọ. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo xã giao lực lượng công an nắm chắc di biến động về nhân khẩu tại các hộ cho thuê trọ; lực lượng công an và y tế tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của những cửa hàng được phép kinh doanh theo văn bản của huyện. Chị Nguyễn Thị Ánh, chủ quán cơm Tùng Ánh, thôn 7, xã Tăng Tiến nói: “Một ngày tôi bán khoảng 300 suất cơm, giá từ 25-30 nghìn đồng/suất. Phần đông mọi người gọi điện đặt để người của quán chuyển đến, cũng có người đi mua cho cả nhóm. Những trường hợp đến mua trực tiếp tôi đều yêu cầu đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, nhanh chóng ra khỏi quán sau khi nhận đồ ăn”.
Tuy nhiên, bên cạnh những người tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch, qua khảo sát tại một số nơi vẫn có trường hợp vi phạm như: Không đeo khẩu trang nơi công cộng, khai báo y tế không trung thực, tập trung đông người. Một số hàng quán không được phép vẫn lén lút hoạt động... Theo lãnh đạo một số xã, thị trấn, nguyên nhân là do lượng công nhân đang sinh sống, làm việc lớn, trong khi lực lượng chức năng có hạn; một số người còn tâm lý chủ quan phòng dịch.
Để làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch, thời gian tới, UBND huyện yêu cầu lực lượng chức năng, các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng dịch. Từ ngày 1 đến 12 giờ trưa ngày 12/4, toàn huyện đã xử phạt 240 trường hợp không đeo khẩu trang, khai báo y tế không trung thực, tụ tập đông người.
Nhóm PV
Ý kiến bạn đọc (0)