Phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi: Triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp
Hỗ trợ vật tư, tuyên truyền thường xuyên
Xã Mỹ Thái (Lạng Giang) tuy không phải là địa bàn trọng điểm về chăn nuôi lợn của huyện song chính quyền, người dân tích cực triển khai các biện pháp ngay khi có chỉ đạo của cấp trên và thông tin về dịch bệnh. Gia đình anh Nguyễn Văn Hiền, thôn Cò nuôi gần 200 con lợn thịt, chuẩn bị được xuất chuồng. Lo lắng cho đàn lợn của gia đình nên ngày nào anh cũng dọn chuồng sạch sẽ, phun thuốc khử trùng và rắc vôi bột tại lối vào khu vực, đồng thời cho lợn ăn đủ dinh dưỡng. Theo lời anh Hiền, thời điểm này anh không cho người lạ đến chuồng nuôi., chỉ hai vợ chồng thay phiên nhau chăm sóc đàn lợn, đề phòng nguồn bệnh lây nhiễm từ bên ngoài. Kinh nghiệm thực tế, vật nuôi khỏe sẽ tăng sức đề kháng, vì vậy những loại bệnh thông thường như lở mồm long móng, tai xanh, suyễn… đã được anh tiêm vắc-xin phòng cho lợn.
Một chiếc xe tải chở lợn đi qua chốt kiểm soát trên đèo Hạ My, xã Long Sơn (Sơn Động) được phun hóa chất khử trùng. Ảnh: Quốc Phương |
Các xã Xuân Hương, Tân Thanh, Dương Đức, Tiên Lục, Tân Dĩnh… của huyện Lạng Giang cũng nỗ lực thực hiện biện pháp khử trùng bằng dung dịch i-ôt-din. Ngày 9-3, ban lãnh đạo các thôn của xã Xuân Hương đã nhận 5 tạ vôi cấp từ xã, sau đó đổ nước cho vôi hả. Trong ngày 10-3, các tổ liên gia cùng nhau tiến hành rắc khắp nơi công cộng, vệ sinh đường làng. Ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang cho biết: “Địa phương có quốc lộ 1 chạy qua, người và phương tiện qua lại mỗi ngày rất lớn. Bên cạnh chỉ đạo các xã, khuyến cáo người dân tuân thủ quy trình chăm sóc, phòng bệnh, huyện chỉ đạo các tổ kiểm tra thực tế tại cơ sở cũng như kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”.
Kiểm tra sát sao
Tại huyện Hiệp Hòa, ông Ngô Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện đã lập các chốt chặn, kiểm soát động vật lưu thông vào địa bàn trên tuyến nối Thái Nguyên-Hiệp Hòa. Các xã, thị trấn triển khai rắc vôi bột từ nhiều ngày qua. Trang trại, người chăn nuôi chủ động, không có tình trạng lơ là với dịch bệnh. Là địa bàn tiếp giáp với tỉnh Quảng Ninh (địa phương vừa công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi), huyện Sơn Động đã lập 4 chốt kiểm soát, cử lực lượng chia ca trực cả ngày đêm.
Rắc vôi bột tại cầu Trạm Bơm, thôn Lẻ, xã Xuân Hương (Lạng Giang). Ảnh: Trịnh Lan |
Hiện nay trên mạng xã hội có một số thông tin thất thiệt khi đồn đoán bệnh dịch tả lợn châu Phi lây sang người, tẩy chay thịt lợn. Đây là thông tin không chính xác vì bệnh dịch tả lợn châu Phi là đặc chủng trên lợn, không lây cho gia súc khác và cho người. |
Mấy ngày qua, tại xã Hoàng An, Hoàng Vân, Mai Đình (Hiệp Hòa), xã Hương Lạc (Lạng Giang), phường Mỹ Độ (TP Bắc Giang) có lợn chết rải rác. Ngay khi nhận được thông tin, cán bộ chuyên môn của Sở phối hợp kiểm tra, hướng dẫn chôn hủy lợn chết. Nguyên nhân xác định là do lợn bị bệnh thông thường. Đến nay, toàn tỉnh chưa phát hiện dấu hiệu vật nuôi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ông Tùng nhấn mạnh, trên mạng xã hội có một số thông tin thất thiệt, đồn đoán bệnh này lây sang người. Đây là thông tin không chính xác vì bệnh dịch tả lợn châu Phi là đặc chủng trên lợn, không lây cho gia súc khác và cho người.
Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp-bệnh cực kỳ nguy hiểm do vi rút tồn lưu lâu trong môi trường lại không có vắc-xin phòng, trừ khả năng tái đàn rất khó khăn. Do vậy, Thường trực Tỉnh ủy vừa có công văn hỏa tốc về việc phân công lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác phòng dịch cũng như nắm bắt tình hình sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp hợp tác xã kinh doanh nông nghiệp ở các địa phương.
Trường Sơn
Ý kiến bạn đọc (0)