Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiêm thử vắc xin Covid-19 "made in Vietnam"
Phó Thủ tướng tiêm thử vắc xin Covid-19 Việt Nam
Phó Thủ tướng được các cán bộ y tế tiêm mũi hai vắc xin Nanocovax. |
Hôm nay, Học viện Quân y tiếp tục triển khai tiêm mũi thứ hai, giai đoạn hai vắc xin Nanocovax cho khoảng 30 tình nguyện viện, đa số là các tình nguyện viên cao tuổi.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đến địa điểm tiêm để thăm hỏi và động viên các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm. Ông bày tỏ sự cảm kích với những đóng góp của các tình nguyện trong việc nghiên cứu vắc xin Covid-19, để đẩy lùi đại dịch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã tiêm thử mũi thứ hai vắc xin Nanocovax. Trước đó, Phó Thủ tướng đã tiêm mũi đầu tiên vào ngày 26/2. Sau tiêm, Phó Thủ tướng nghỉ ngơi tại điểm tiêm khoảng 30 phút và được theo dõi các chỉ số sức khỏe.
Tháng 9 có thể có vắc xin Covid-19 Việt Nam đầu tiên
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm hỏi tình nguyện viên tiêm vắc xin. |
"Tháng 9 có thể có vắc xin Covid-19 Việt Nam đầu tiên", đây là ý kiến của Giáo sư, Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y (Hà Nội) chia sẻ trong buổi tiêm thử nghiệm mũi thứ hai, giai đoạn hai của vắc xin Nanocovax.
Theo GS Quyết, với tiến độ nghiên cứu hiện tại, đến cuối tháng 4 có thể kết thúc mũi tiêm thứ hai của giai đoạn thử nghiệm thứ hai. Cuối tháng 6 sẽ có báo cáo kết quả nghiên cứu lên Hội đồng đạo đức, Bộ Y tế.
"Chúng tôi đang rút ngắn tối đa thời gian nghiên cứu vắc xin Covid-19 nhưng vẫn đảm bảo tính khoa học và tính an toàn. Cần nhấn mạnh rằng, trong nghiên cứu thử nghiệm vắc xin, theo quy định của thế giới, điều quan trọng nhất là phải đánh giá hiệu quả của vắc xin trong việc bảo vệ người dân không bị lây nhiễm trong môi trường có thể đã tồn tại lây nhiễm trong cộng đồng", GS Quyết cho hay.
Trong giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nanocovax, sẽ có khoảng 10.000 người được tiêm. Theo GS Quyết, có một "đòn bẩy" quan trọng giúp rút ngắn thời gian nghiên cứu vắc xin trong giai đoạn này.
GS Quyết phân tích: "Có một quy định quốc tế về thử nghiệm vắc xin, đó là khi có 1 vắc xin đã được thế giới công nhận, ví dụ ở đây là vắc xin Astrazeneca thì có thể cho phép thử nghiệm hơn kém".
Theo chuyên gia này, thử nghiệm hơn kém là thử nghiệm để so sánh vắc xin đang thử nghiệm của chúng ta với vắc xin đã được công nhận về hiệu lực bảo vệ như khả năng sinh kháng thể, khả năng diệt virus.
Nếu yếu tố này tương đương thì có thể tiến hành cấp phép cho sử dụng vắc xin đang nghiên cứu.
GS Quyết chia sẻ: "Trước mắt, trong giai đoạn 3 thử nghiệm vắc xin Nanocovax, chúng ta có thể chỉ cần làm trên 10.000 người, trong đó có 5000 người tiêm vắc xin Astrazeneca và 5000 người tiêm vắc xin Nanocovax. Với phương án này hoàn toàn có cơ sở khoa học để có thể so sánh về những tác dụng phụ, hiệu quả sinh kháng thể, hiệu quả diệt virus".
"Với diễn biến như hiện tại, tôi tin rằng, khả năng rất cao vào tháng 9 này chúng ta có thể có sản phẩm thương mại của vắc xin Covid-19 Việt Nam. Chúng ta có quyền tin là chúng ta sẽ thành công", ông nhấn mạnh.
Theo Minh Nhật/Dân trí
Ý kiến bạn đọc (0)