Phát triển du lịch cộng đồng: Đánh thức tiềm năng An Lạc
Vẫn muôn cái khó
Nhận thấy huyện Sơn Động có nhiều tiềm năng để khai thác DLCĐ, năm 2014, UBND tỉnh ban hành Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2014-2020. Số vốn đầu tư thực hiện dự kiến hơn 41 tỷ đồng, trong đó 20 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, còn lại là nguồn xã hội hóa.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khảo sát tại Khu du lịch Khe Rỗ, xã An Lạc (Sơn Động), tháng 5-2019. |
Từ các nguồn hỗ trợ, xã An Lạc xây dựng một nhà sinh hoạt cộng đồng; các hộ dân được trang bị chăn mùa đông, màn đôi, ti vi, đầu đĩa, bộ tăng âm loa đài. Có 20 nhà vệ sinh cho các hộ dân và 7 nhà vệ sinh công cộng; 6 nhà sàn văn hóa, 64 biển chỉ dẫn, biển báo. Đồng thời xây dựng 3 trang web quảng bá, bồi dưỡng nâng cao hoạt động chuyên môn, tập huấn nghiệp vụ về du lịch, học tập kinh nghiệm cho các hộ dân tham gia.
Theo đề án, giai đoạn 1 từ năm 2014 - 2016 xây dựng mô hình điểm tại xã An Lạc (Sơn Động) về phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Bắc Giang. Giai đoạn 2 (2017 - 2020) ưu tiên lựa chọn đầu tư một số điểm như: Thôn Cấm Vải, Khuôn Thần, xã Kiên Lao (Lục Ngạn); bản Mậu xã Tuấn Mậu; Đồng Cao, xã Thạch Sơn (Sơn Động); bản Khe Nghè, xã Lục Sơn (Lục Nam); bản Xoan, xã Xuân Lương (Yên Thế). Năm 2019 là thời điểm thực hiện giai đoạn 2 của đề án, vậy nhưng các sở, địa phương liên quan vẫn đang loay hoay với mô hình điểm DLCĐ ở xã An Lạc.
Xã An Lạc từng nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ nhằm thúc đẩy loại hình DLCĐ song việc duy trì, phát huy hiệu quả còn nan giải. Tại đây hiện vẫn tồn tại HTX DLCĐ An Lạc được thành lập từ năm 2012. Từ 20 thành viên, nay HTX chỉ còn 5 hộ thành viên. Cái khó của HTX là do không đủ điều kiện về lưu trú nên khách chỉ đến rồi về trong ngày. Một số đoàn ngỏ ý muốn ở lại trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa nhưng HTX đành “ngậm ngùi” từ chối.
Từ đầu năm đến nay, Khu du lịch Khe Rỗ (An Lạc) đón khoảng 5 nghìn lượt khách, số lượng khách có tăng qua các năm song chủ yếu là khách nội địa; số ngày lưu trú, mức độ chi tiêu thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do đường giao thông chưa thuận tiện, thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng; hầu hết các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh hiện có quy mô nhỏ, chưa xây dựng được tour du lịch nội tỉnh.
Người dân là chủ thể
Để thay đổi thực trạng đó, từ đầu tháng 9-2018, ba hộ dân gồm: Ông Vũ Ngọc Huân, ông Nguyễn Văn Tư, bà Đặng Thị Hiền (đều là dân tộc Tày, thành viên của HTX) ở thôn Nà Ó đã tiến hành đầu tư, cải tạo lại cơ sở vật chất chuẩn bị các điều kiện lưu trú phục vụ khách du lịch. Riêng ông Huân vay hơn 900 triệu đồng đầu tư xây dựng nhà ở, cải tạo nhà vệ sinh, bãi để xe, khuôn viên cây xanh. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào tháng 7-2019; đáp ứng nhu cầu lưu trú của 30 - 40 khách du lịch cùng lúc.
Khách du lịch Đà Nẵng trải nghiệm hát then đàn tính tại gia đình anh Vũ Ngọc Huân, thôn Nà Ó, xã An Lạc (Sơn Động). |
Ông Vũ Ngọc Huân, Giám đốc HTX DLCĐ An Lạc cho hay, hiện HTX vẫn duy trì hoạt động của đội văn nghệ hát then, đàn tính; tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ năng đón khách, tuyên truyền lưu giữ tiếng nói, chữ viết, quần áo đặc trưng của dân tộc Tày. HTX cũng tổ chức cho xã viên học tập kinh nghiệm tại các khu, điểm du lịch; dọn vệ sinh môi trường ở khu vực Khe Rỗ.
Ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: "Tới đây, Sở tham mưu với UBND tỉnh xây dựng quy hoạch du lịch bài bản hơn với giải pháp biến các thế mạnh văn hóa của địa phương thành sản phẩm du lịch cụ thể. Sở sẽ hỗ trợ thông qua tổ chức khóa đào tạo kỹ năng đón tiếp khách du lịch; hướng dẫn người dân để bảo đảm chất lượng một số dịch vụ ăn, nghỉ, vui chơi nhằm đáp ứng nhu cầu và giữ chân du khách. Phối hợp với UBND huyện Sơn Động quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng.
Tham gia chuyến khảo sát do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đầu tháng 5 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Viện Du lịch Bền vững Việt Nam nhận định, Khu du lịch Khe Rỗ, xã An Lạc có nhiều tiềm năng nhưng để hình thành và phát triển DLCĐ cần sự tham gia chủ động, tích cực, trực tiếp của chính người dân địa phương. Mỗi người cần có ý thức giữ gìn nét văn hóa, bản sắc dân tộc từ việc bảo tồn nếp nhà xưa đến duy trì tiếng nói, chữ viết, trang phục của cộng động người Tày, Dao.
Đặc biệt, chính các hộ dân cũng cần có kỹ năng đón tiếp khách, chế biến các món ăn và giới thiệu về ẩm thực địa phương. Muốn DLCĐ thật sự bền vững, cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan cần khảo sát, đánh giá đầy đủ, chi tiết về tiềm năng, thế mạnh; kết nối tour, tuyến phù hợp. Căn cứ trên những thông tin đó để xây dựng quy hoạch bản đồ du lịch, đưa ra chính sách hỗ trợ, mời gọi đầu tư hợp lý hơn.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc (0)