Nuôi dê thương phẩm gắn với xây dựng nhãn hiệu
Gia đình anh Nông Trần Hiên, thôn Trại Hồng, xã Hồng Kỳ (Yên Thế) là một trong nhiều hộ được hỗ trợ mở rộng mô hình nuôi dê thương phẩm. Mỗi năm gia đình anh duy trì tổng đàn từ 300-400 con với doanh thu đạt khoảng 800 triệu đồng. Trừ chi phí, gia đình anh thu lãi gần 200 triệu đồng.
Nuôi dê đang được nhiều hộ ở Yên Thế xác định là hướng đi chính trong phát triển kinh tế. |
Được biết, giống dê của gia đình anh Hiên nuôi là dê Bách Thảo được lai tạo từ dê bản địa với dê lai nên có chất lượng thịt ngon, được thị trường ưa chuộng. Anh Hiên cho biết: “Thời gian nuôi dê từ nhỏ đến khi xuất bán khoảng 6 tháng, trung bình mỗi con nặng từ 22 - 25 kg, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. Thức ăn chủ yếu của dê là lá cây, cỏ voi nên giảm chi phí đầu vào”.
Xã Hồng Kỳ hiện có hơn 40 hộ nuôi dê thương phẩm. Tham gia đề án, các hộ dân được hỗ trợ giá giống, vắc xin tiêm phòng và tập huấn quy trình kỹ thuật. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư chuyển đổi đã thu được hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, người dân các xã: Xuân Lương, Canh Nậu, Đồng Tiến, Đồng Vương, Tam Tiến, Tân Hiệp, Hồng Kỳ, Đông Sơn, Đồng Kỳ và Đồng Hưu cũng đang chuyển đổi sang mô hình nuôi dê thương phẩm.
Mục tiêu của đề án là đến năm 2020 tỷ trọng giống dê lai có năng suất, chất lượng đạt 60 - 65%, nâng quy mô tổng đàn dê của huyện đến năm 2020 đạt 9.500 con. Số hộ chăn nuôi dê sinh sản quy mô từ 30 con trở lên đạt 50 hộ; số hộ chăn nuôi dê thương phẩm quy mô từ 50 con trở lên đạt 50 hộ; thành lập từ 1 đến 2 HTX chăn nuôi, tiêu thụ liên kết giết mổ chế biến sản phẩm;…
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế, các mục tiêu của đề án đã dần được hoàn thiện. Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã chủ động chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung hàng hóa quy mô lớn. Để tạo thị trường thuận lợi, hiện tại, huyện Yên Thế đang tập trung xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Dê Yên Thế” và xúc tiến thương mại cho sản phẩm.
Thoa Hoàng
Ý kiến bạn đọc (0)