Nở rộ dịch vụ quanh các khu công nghiệp
Tại thôn Phúc Long, xã Tăng Tiến có nhiều hàng quán phục vụ công nhân. |
Đa dạng các loại dịch vụ
Với lợi thế gần KCN Vân Trung, cách đây 2 năm, gia đình ông Lê Văn Thành, thôn Phúc Long, xã Tăng Tiến (Việt Yên) đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng ngôi nhà 3 tầng với 60 phòng trọ, tổng diện tích hơn 1 nghìn m2 đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của 200 NLĐ. Ông Thành chia sẻ, nhiều doanh nghiệp (DN) mới đi vào hoạt động nên công nhân đến trọ đông.
Thôn Phúc Long hiện có khoảng 100 hộ kinh doanh nhà trọ. Ngoài ra, nhiều hộ còn mở cửa hàng ăn uống, giải khát, thời trang, mỹ phẩm, làm đẹp. Từ khi mở mang dịch vụ, nhiều hộ có thu nhập từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng mỗi ngày, góp phần làm thay đổi đời sống, bộ mặt nông thôn trên địa bàn.
Tương tự, từ năm 2017, các thôn Hùng Lãm 1 và 2, xã Hồng Thái được UBND huyện Việt Yên chi trả chế độ đất dịch vụ gần quốc lộ 37, người dân đã đầu tư, mở hàng chục nhà hàng, quán ăn, đa dạng dịch vụ phục vụ công nhân. Ông Lương Đức Hoàn, Trưởng thôn Hùng Lãm 2 thông tin, trước đây người dân chỉ cấy lúa, làm ruộng nhưng vẫn không đủ ăn. Nay, nhờ chuyển hướng sang các loại hình dịch vụ phụ trợ, nhiều hộ chỉ bán xôi buổi sáng, mở quán nước ven đường cũng cho thu nhập từ 300 đến 500 nghìn đồng/ngày. Hay như dọc tuyến đường trục thôn My Điền và Hoàng Mai, xã Hoàng Ninh; Núi Hiểu, Đạo Ngạn, xã Quang Châu và một số khu vực thị trấn Nếnh, xã Vân Trung cũng có hàng nghìn cửa hàng, điểm kinh doanh lớn nhỏ mọc lên san sát đáp ứng nhu cầu mua sắm của công nhân.
Chị Nguyễn Thị Thủy, xã Trường Sơn (Lục Nam) thuê trọ tại thôn My Điền 1 cho biết: “Mùa nào thức nấy, các sản phẩm bày bán ở đây có giá cả phải chăng, phù hợp với túi tiền công nhân nên được nhiều người lựa chọn”.
Tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ
Theo UBND huyện Việt Yên, không chỉ trực tiếp tham gia bán hàng, người dân trên địa bàn còn cho thuê nhà, ki ốt bán hàng với giá từ 8 đến 20 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, nhiều người còn cung cấp dịch vụ trông giữ trẻ giúp NLĐ tại các KCN yên tâm lao động, sản xuất. |
Bên cạnh sự phong phú, tiện lợi, thực tế cho thấy vẫn còn một số bất cập như: Chất lượng các mặt hàng, dịch vụ cung cấp chưa đồng đều; tình trạng hàng giả, nhái nhãn mác, vi phạm kiểu dáng công nghiệp các thương hiệu nổi tiếng vẫn diễn ra phổ biến. Đơn cử, các loại quần áo, giày dép mang nhãn hiệu Nike, Adidas, D&G… chỉ được bán với giá vài chục nghìn đồng/chiếc. Thậm chí, các điểm bán thực phẩm như thịt gà, lợn chưa được kiểm dịch, có nguy cơ mất vệ sinh an toàn được bày bán tràn lan. Một số dịch vụ nhạy cảm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự như cầm đồ, cho vay nặng lãi, game bắn cá, mại dâm trá hình cũng xuất hiện khá nhiều.
Ông Phùng Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Hoàng Ninh xác nhận: "Qua nắm bắt địa bàn, chúng tôi thấy tại các thôn My Điền 1,2,3 còn tồn tại một số điểm tổ chức đánh bạc trá hình dưới hình thức game bắn cá. Toàn xã và các vùng lân cận cũng có hàng chục hiệu cầm đồ và quán cafe đèn mờ có dấu hiệu vi phạm. UBND xã đã đề nghị Công an huyện cử lực lượng cùng Công an xã tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm".
Trước thực tế trên, đại diện lãnh đạo UBND huyện Việt Yên khẳng định, huyện sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện thủ tục cấp hơn 1 nghìn lô đất dịch vụ, phục vụ nhu cầu kinh doanh của người dân. Bên cạnh đó, huyện quan tâm thu hút đầu tư, hoàn thiện, mở rộng các chợ tại xã Hồng Thái và Hoàng Ninh, mở mới chợ dân sinh tại KCN Đình Trám, bố trí hợp lý điểm bán hàng trên các đường trục thôn, hạn chế tối đa việc tự ý lấn chiếm, bán hàng trên vỉa hè, lòng đường. Tích cực chỉ đạo các lực lượng chức năng như Công an, Đội Quản lý thị trường và Công an các xã, thị trấn tăng cường phối hợp, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về kinh doanh dịch vụ, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Văn Thương
Ý kiến bạn đọc (0)