Nỗ lực đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường
BẮC GIANG - Đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế, ngành Giáo dục Bắc Giang chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường.
Nâng chất lượng dạy và học
Kết luận số 91, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" (Kết luận số 91) đề ra nhiệm vụ mang tính đột phá trong việc dạy và học tiếng Anh là tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.
Giờ học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài tại Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang). |
Thực hiện Kết luận số 91, năm học này, Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường xây dựng và phát triển môi trường thực hành giao tiếp trong từng bài giảng của môn Tiếng Anh. Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Nhằm bảo đảm giảng dạy chuẩn kiến thức, rèn kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ cho học sinh, các trường học không chỉ tích cực đổi mới hình thức, nội dung, phương pháp dạy học mà còn linh hoạt lồng ghép nhiều hoạt động giáo dục bổ ích trong bộ môn Tiếng Anh như: Chương trình giao lưu đọc, viết tiếng Anh theo chủ đề tiết học giữa các khối lớp; chơi trò chơi để phát huy khả năng nói, tự làm clip hội thoại tiếng Anh”.
Rèn kỹ năng nghe, nói, giờ học tiếng Anh tại Trường THCS Vũ Xá (Lục Nam) luôn được giáo viên sử dụng các thiết bị thông minh, trình chiếu nhiều hình ảnh minh họa sinh động. Thầy giáo Nguyễn Đức Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Dù ở vùng nông thôn nhưng chất lượng môn Tiếng Anh trong những năm gần đây của trường được nâng lên rõ rệt. Số học sinh khá, giỏi môn Tiếng Anh năm sau luôn cao hơn năm trước. Học sinh lớp 9 tự tin thi vào lớp 10 với môn học này. Đội ngũ giáo viên tiếng Anh của nhà trường đều có trình độ đạt chuẩn, trên chuẩn và là giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh nhiều chu kỳ liên tiếp”.
Ở nhiều trường, việc tăng cường tiếng Anh cho học sinh còn được thực hiện thông qua một số môn học, tiết học dạy song ngữ, nhất là các môn khoa học tự nhiên để các em có thể tiếp cận với kiến thức mới và tự nghiên cứu tài liệu trực tuyến. Mới đây, Trường THPT Chuyên Bắc Giang dạy một số tiết Vật lí, Sinh học, Hóa học bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, nhờ đó kỹ năng nghe, nói, đọc hiểu của học sinh được nâng lên.
Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3. Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường, Bắc Giang triển khai giảng dạy cho tất cả học sinh từ lớp 1. Riêng khối lớp 1, lớp 2, môn ngoại ngữ được tự chọn. Ở bậc mầm non, nhiều trường cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Năm học này, toàn tỉnh có gần 40 nghìn học sinh được học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài để nâng cao kỹ năng giao tiếp.
Rèn kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh
Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh, thời gian qua, Sở GD&ĐT đã nỗ lực bảo đảm cơ cấu, số lượng, chất lượng giáo viên đáp ứng yêu cầu, tiến độ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó ưu tiên giáo viên có chuyên môn, nghiệp vụ cho các trường miền núi, vùng khó khăn.
Để thuận lợi cho việc giảng dạy và học tập, ngành Giáo dục Bắc Giang phối hợp với các huyện, thị xã, TP đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường, lớp học khang trang, hiện đại. Toàn tỉnh có 98% các trường đã trang bị đầy đủ thiết bị thông minh (ti vi, máy tính kết nối mạng) phục vụ học ngoại ngữ hiệu quả. Nhiều trường xây dựng mới đã bố trí phòng học tiếng Anh riêng biệt có thể giảng dạy theo nhóm các kỹ năng khác nhau dưới sự hỗ trợ của hệ thống máy móc hiện đại như: Trường THCS Cao Thượng, THCS Cao Xá (Tân Yên), THCS Tăng Tiến (Việt Yên); THCS Lê Quý Đôn, THCS Tân Tiến, Tiểu học Dĩnh Kế (TP Bắc Giang); THCS Mỹ Thái (Lạng Giang)…
Những năm học gần đây, chất lượng dạy và học tiếng Anh của tỉnh có nhiều chuyển biến. Trong các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, giao lưu các trường THPT khu vực Đồng bằng sông Hồng, khu vực Trung du, miền núi phía Bắc, học sinh Bắc Giang đạt nhiều giải thưởng cao. |
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, những năm học gần đây, chất lượng dạy và học tiếng Anh của tỉnh có nhiều chuyển biến. Trong các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, giao lưu các trường THPT khu vực Đồng bằng sông Hồng, khu vực Trung du, miền núi phía Bắc, học sinh Bắc Giang đạt nhiều giải thưởng cao. Số lượng học sinh đạt chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS từ 8.5 và SAT 1.500 trở lên ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh ở các cấp học trên địa bàn tỉnh chưa đồng đều giữa các vùng miền. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vài năm học gần đây, môn Tiếng Anh có điểm bình quân hơn 5 điểm và vẫn có điểm dưới 1, là nhóm môn có điểm thấp nhất trong các môn thi. Nguyên nhân chính là do phương pháp giảng dạy của một bộ phận giáo viên còn nặng về kiến thức ngữ pháp, từ vựng, khả năng tổ chức các hoạt động dạy và học theo hướng phát triển kỹ năng giao tiếp chưa nhiều. Sĩ số học sinh ở nhiều lớp học quá đông, không phù hợp với việc tổ chức các hoạt động dạy và học ngoại ngữ, nhất là dạy kỹ năng nghe, nói.
Thời gian tới, Sở GD&ĐT đẩy mạnh bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên, tăng cường luân chuyển giáo viên giỏi về các trường có chất lượng dạy và học tiếng Anh ở mức trung bình, trường miền núi, vùng khó khăn. Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, TP tổ chức sinh hoạt chuyên môn tiếng Anh tại các cụm trường. Trong đó bố trí các trường có chất lượng giảng dạy tốt sinh hoạt với các trường trung bình để giáo viên trao đổi nghiệp vụ.
Sở GD&ĐT yêu cầu các nhà trường tiếp tục rà soát, phân tích kết quả học tập, tăng cường hỗ trợ học sinh yếu và chú trọng rèn kỹ năng giao tiếp, tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá, tạo cơ hội cho các em sử dụng tiếng Anh. Phụ huynh khuyến khích con em học tiếng Anh từ nhỏ, xây dựng tình yêu ngôn ngữ, giúp các em hiểu được lợi ích của việc sử dụng thành thạo tiếng Anh trong bối cảnh hội nhập quốc tế .
Ý kiến bạn đọc (0)