Những vòng xoáy tiếp nối
Do không thông qua được dự luật ngân sách, Chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa từ ngày 20 đến 22-1. |
Đập vào mắt tất cả mọi người, không thể không nhắc đến việc chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa (từ ngày 20 đến 22-1). Ngân sách hoạt động của họ đã hết hiệu lực mà không kịp được thông qua, do hai phe Dân chủ - Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ còn bất đồng với nhau về khá nhiều vấn đề. Trong đó, cho đến sau khi hai viện đạt được một thỏa thuận tạm thời để chính phủ hoạt động trở lại, những khúc mắc nổi cộm quanh chính sách dành cho những người nhập cư vẫn còn chưa được giải quyết triệt để.
“Cuộc chiến ngân sách” đó và “Vách đá tài chính” này đã luôn là một nỗi ám ảnh đối với mọi chính quyền Mỹ khi Nhà trắng không tìm được tiếng nói chung với Quốc hội, hoặc khi chính Đồi Capitol chia rẽ. Mọi quyết sách quan trọng nhất của nước Mỹ đều có thể bị ảnh hưởng, cho đến khi những điểm thỏa hiệp được tìm thấy và xác lập.
Rất đáng chú ý, lần “chính phủ đóng cửa” này xảy đến ngay sau mốc một năm tiếp nhiệm của đương kim Tổng thống Donald Trump, với khá nhiều dấu ấn tích cực về mặt kinh tế (2,1 triệu việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4,1% - thấp nhất trong vòng 17 năm, tăng trưởng dự kiến đạt 3%...). Đó là một tín hiệu rõ ràng về sự chấm dứt của một thời kỳ trăng mật, đối với ngài Trump. Kể từ nay, ông sẽ phải làm quen với việc những rào cản kỹ thuật như vậy sẽ sập xuống nhiều hơn. Bởi, cuối năm nay đã lại là kỳ bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ và hiển nhiên là Đảng Dân chủ sẽ làm tất cả để lật ngược thế cờ, để ít nhất là giành lại thế cân bằng so với các nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội.
Quan chức Hàn Quốc phát biểu trước khi tham gia cuộc đối thoại với phía Triều Tiên. |
Bên ngoài biên giới, nước Mỹ cũng đang phải đối diện với những hệ quả không dễ xử lý, từ các lựa chọn của mình. Hữu ý hay vô tình, các lựa chọn đó cũng đang khơi dậy những tâm trạng mâu thuẫn, những nguy cơ xung đột và cả những hiểm họa hận thù. Đó sẽ là những câu chuyện còn kéo rất dài, cuốn theo rất nhiều quốc gia vào những vòng xoáy.
Thí dụ, bất chấp làn sóng phản đối mãnh liệt trong dư luận quốc tế, kế hoạch chuyển Đại sứ quán Mỹ ở Israel từ Tel Aviv về Jerusalem vẫn đang được triển khai. Mối hiềm khích Arab - Do Thái lại bùng lên và ngay cả chuyến công du 5 ngày qua ba quốc gia (Ai Cập, Jordan, Israel) của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng không cải thiện được tình hình là mấy. Lửa lại cháy và những đường phố Jerusalem cổ kính lại trở thành một thứ chiến trường, giữa cảnh sát Israel và người Palestine, trong những cuộc xô xát quen thuộc. Còn một giải pháp hòa bình nào đó thì vẫn là giấc mơ vô cùng xa vời.
Tên lửa phòng không Syria gần khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. |
Thí dụ, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cùng đang “phát khùng” với tuyên bố thành lập “lực lượng biên giới” của Mỹ trên lãnh thổ Syria. Với Syria (và Nga cũng như những đồng minh của họ), dĩ nhiên đây là một hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ. Với Ankara, việc Mỹ “lập doanh” ở địa bàn hoạt động của các chiến binh vũ trang người Kurd - những người đang mơ mộng đến một quốc gia “Kurdistan độc lập” - là mối nguy hiểm đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của họ. Không ngần ngại, Thổ Nhĩ Kỳ đem quân vượt biên giới sang trấn áp lực lượng ấy và điều này lại khiến mối quan hệ giữa họ với Syria vốn đã “cơm không lành, canh chẳng ngọt” càng trở nên căng thẳng.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại vẫn đang là một thành viên chủ lực, với tiềm lực quân sự hùng hậu bậc nhất NATO, là “chốt chặn” từ Biển Đen xuống Địa Trung Hải. Cùng đó, những “cuộc mặc cả” giữa Ankara và Liên minh châu Âu (EU) quanh các câu chuyện thỏa thuận về sàng lọc người nhập cư bất hợp pháp và quy chế thành viên EU hay trước mắt là miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào EU còn chưa ngã ngũ. Trong khi đó, ý tưởng về một thứ “quân đội châu Âu”, đứng riêng rẽ với NATO đã được đưa ra từ cuối năm ngoái. Và trong khi đó, mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ từ cả năm nay mỗi lúc lại có nhiều biểu hiện “nồng ấm” hơn. Với tất cả những chỉ dấu đó, thật khó có thể tin rằng mọi chuyện sẽ có thể được nhanh chóng dàn xếp.
Bên ngoài biên giới, nước Mỹ cũng đang phải đối diện với những hệ quả không dễ xử lý, từ các lựa chọn của mình. Hữu ý hay vô tình, các lựa chọn đó cũng đang khơi dậy những tâm trạng mâu thuẫn, những nguy cơ xung đột và cả những hiểm họa hận thù. Đó sẽ là những câu chuyện còn kéo rất dài, cuốn theo rất nhiều quốc gia vào những vòng xoáy. |
Châu Âu đang cố nhìn về phía tương lai với nhiều hy vọng lạc quan nhất, bằng việc kỷ niệm 55 năm ngày ký Hiệp ước Elysee Pháp - Đức một cách trọng thể. Nhưng thực tế, điều họ thật sự cần tập trung lại là chặng tiếp theo đầy cam go của cuộc đàm phán Brexit. Dù nước Anh đã bắt đầu “xuống nước” với khá nhiều động thái mềm mỏng (như việc tuyên bố rằng các công dân EU sinh sống tại Anh sẽ không bị trục xuất), thì những “cấn cá” về chia sẻ lợi ích cũng như trách nhiệm vẫn luôn khiến các cuộc đàm phán trở nên không dễ đoán định.
Bên cạnh đó, Eurozone vẫn đang phải để ý điều tiết tiến trình hồi phục của các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi “đại suy thoái”, như Hy Lạp hay Bồ Đào Nha. Bên cạnh đó, xử lý “rốt ráo” cuộc khủng hoảng người nhập cư - với tất cả các hệ lụy về kinh tế và xã hội vẫn còn là một chiến dịch dài đầy thách thức và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố (kể cả khách quan lẫn chủ quan).
Bên cạnh đó, như Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos: EU cần tự cải cách chính mình, để có được một môi trường thuế giàu sức cạnh tranh hơn, bởi chủ nghĩa bảo hộ không phải là câu trả lời cho các vấn đề của thế giới.
Trong vòng xoáy đó, thì châu Á - Thái Bình Dương lại đang khá bình yên, trong chặng đầu năm 2018. Mọi tâm điểm chú ý đang tập trung vào tiến trình chuẩn bị Thế vận hội mùa đông PyeongChang - nơi được kỳ vọng là sẽ góp phần “hạ nhiệt” căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, một thứ “ngoại giao thể thao”, một giải pháp tức thời cho tình trạng đã quá lâu bế tắc, trong sự cứng rắn của tất cả các phía và sự bất lực của mọi nỗ lực trung gian. Song, cũng chẳng ai dám khẳng định, cho dù PyeongChang 2018 diễn ra và khép lại tốt đẹp, thì cuộc khủng hoảng ấy sẽ có thể được đẩy ngoặt sang một quỹ đạo khác nhiều hy vọng về hòa bình và yên ổn hơn hay không...
Đông Phong
Ý kiến bạn đọc (0)