Những "phóng viên" ngoài tòa soạn
BẮC GIANG - Công tác trong ngành y, không có chuyên môn về báo chí song bằng trách nhiệm và đam mê, nhiều cán bộ, nhân viên tại các bệnh viện, trung tâm y tế tích cực cộng tác, truyền tải thông tin về những kỹ thuật mới, gương người tốt, việc tốt đến bạn đọc.
Trưởng thành hơn sau mỗi bài viết
Một ngày cuối tháng 5, tôi nhận được cuộc điện thoại từ cộng tác viên (CTV) Hiền Chúc, cán bộ Phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang). Chị cho hay, bệnh viện vừa cấp cứu một phụ nữ mang song thai hiếm gặp - một thai trong tử cung, một thai ngoài tử cung. Để kịp thời thông tin về ca bệnh, tôi lập tức đề nghị chị gửi tin cộng tác nhanh nhất có thể. Đúng hẹn, Hiền Chúc gửi tác phẩm cùng hình ảnh. Mọi thông tin cần thiết về ca bệnh đều được phản ánh đầy đủ, sau đó tin, ảnh đã được đăng tải trên Báo Bắc Giang điện tử.
CTV Đỗ Thị Thảo, cán bộ Trung tâm Y tế thị xã Việt Yên khai thác thông tin từ người bệnh để viết bài. |
Đây chỉ là một trong hàng chục tin, bài của Hiền Chúc được đăng trên các ấn phẩm của Báo Bắc Giang từ năm 2019 đến nay. Theo lời CTV, để có được những tin hay, kịp thời, ngay từ những ngày đầu được giao phụ trách công tác truyền thông của bệnh viện, chị dành nhiều thời gian đọc báo để học viết tin, bài và tìm hiểu cách chụp ảnh trên mạng. Với những tin, bài viết về chuyên môn, kỹ thuật mới, chị dành thời gian tiếp xúc với các bác sĩ, tìm hiểu cặn kẽ về những thuật ngữ chuyên ngành để chuyển tải đến bạn đọc một cách dễ hiểu nhất.
“Tôi vẫn nhớ, tác phẩm đầu tiên được đăng tải trên Báo Bắc Giang là bài viết về ứng dụng kỹ thuật nội soi tiêu hóa gây mê, đăng ngày 5/6/2019. Để hoàn thành tác phẩm này, cùng với góp ý của các bác sĩ, tôi được các anh chị phóng viên Báo Bắc Giang hướng dẫn tỉ mỉ, từ cách khai thác thông tin đến triển khai bài viết; kỹ thuật và góc chụp để có được những tấm ảnh tốt”, Hiền Chúc chia sẻ.
Hiện toàn tỉnh có 6 bệnh viện tuyến tỉnh, 10 trung tâm y tế huyện, thị xã, TP cùng 14 bệnh viện tư nhân. Mỗi năm, các bệnh viện, trung tâm y tế tổ chức khám cho hơn 4,3 triệu lượt người, thực hiện hơn 56 nghìn ca phẫu thuật, triển khai hơn 100 kỹ thuật mới, chuyên sâu. Đồng hành cùng các y, bác sĩ, cán bộ truyền thông tại các cơ sở y tế luôn chủ động nắm bắt, giới thiệu những kỹ thuật mới đến người dân.
Vài năm gần đây, CTV Quỳnh Dương, cán bộ Phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) là tác giả của nhiều tin, bài trên chuyên trang sức khỏe của Báo Bắc Giang. “Công tác ở ngành đặc thù, dù nửa đêm, ngày lễ, Tết hay mưa gió, hễ có ca bệnh khó, phức tạp hay kỹ thuật mới được triển khai là tôi nhanh chóng tiếp cận các bác sĩ, người nhà bệnh nhân hay chính người bệnh, chỉ mong chuyển tải thông tin, nhất là những kỹ thuật mới đến người dân một cách nhanh nhất. Sau mỗi bài viết, tôi vừa hiểu thêm chuyên môn ngành y, vừa nâng cao kỹ năng thể hiện tác phẩm báo chí”, Quỳnh Dương chia sẻ.
Bồi dưỡng, nâng chất lượng tin, bài
Với những CTV trong lĩnh vực y tế, mỗi bài viết, mỗi lần tác nghiệp đều là một kỷ niệm. Vui vì những đứa con tinh thần của mình được bạn đọc đón nhận, phản hồi tích cực; trăn trở, thương cảm khi gặp gỡ nhân vật, thấy những con người bất hạnh đang phải chống chọi với bệnh tật.
Với những CTV trong lĩnh vực y tế, mỗi bài viết, mỗi lần tác nghiệp đều là một kỷ niệm. Vui vì những đứa con tinh thần của mình được bạn đọc đón nhận, phản hồi tích cực; trăn trở, thương cảm khi gặp gỡ nhân vật, thấy những con người bất hạnh đang phải chống chọi với bệnh tật. |
“Khi những kỹ thuật mới, ca bệnh khó được thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, người dân lại có thêm kênh thông tin về chất lượng chăm sóc sức khỏe của đơn vị. Có lần, khi tôi đưa tin về ca mổ u tuyến giáp đầu tiên được thực hiện tại Trung tâm Y tế thị xã Việt Yên, có người đến tận nhà tôi để hỏi thêm thông tin rồi quyết định làm thủ tục nhập viện, mổ tại đơn vị. Đây chính là động lực giúp tôi gắn bó với công việc này”, chị Đỗ Thị Thảo, cán bộ Trung tâm Y tế thị xã Việt Yên chia sẻ.
Thực tế, dù các bệnh viện, trung tâm y tế đều có phòng, tổ công tác xã hội song chỉ có khoảng 30% cơ sở có tin, bài cộng tác đăng trên các ấn phẩm của Báo Bắc Giang. Bên cạnh đó, hầu hết tin, bài của CTV còn phải biên tập nhiều, thông tin vừa thừa, vừa thiếu hoặc có nhiều thông tin mới, mang tính thời sự song do các CTV không hoạt động báo chí chuyên nghiệp nên thường viết và gửi rất muộn, ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả thông tin.
Khắc phục những khó khăn này, nhiều cơ sở y tế xây dựng kế hoạch phối hợp bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên y tế. Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh phối với Văn phòng thường trú Báo Nhân dân, Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Bắc Giang tổ chức tập huấn kỹ năng viết tin, bài, chụp ảnh, quay dựng video ngắn cho gần 70 cán bộ, nhân viên các khoa, phòng của đơn vị. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số, năm nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh có kế hoạch tổ chức 4 lớp tập huấn kỹ năng viết báo cho 120 cán bộ phụ trách truyền thông của các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm Y tế và trạm y tế xã, phường, thị trấn thuộc các huyện: Tân Yên, Hiệp Hòa và thị xã Việt Yên.
Bác sĩ Lê Tiến Cương, Phó Giám đốc CDC tỉnh cho biết: “Theo kế hoạch, các lớp tập huấn sẽ được tổ chức trong tháng 7. Trong khuôn khổ chương trình, chúng tôi sẽ mời những nhà báo có kinh nghiệm hướng dẫn nghiệp vụ chuyên sâu về viết, biên tập tin, bài, sử dụng từ ngữ phù hợp, kỹ năng khai thác và xử lý thông tin. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng tin, bài, phục vụ hiệu quả truyền thông sức khỏe”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)