Những giả thuyết về sự mất tích bí ẩn của Thủ tướng Australia Harold Holt
Thủ tướng Harold Holt trong chuyến thăm Anh (tháng 7-1966). |
Harold Holt - vị Thủ tướng đầu tiên của Australia thế kỷ XX
Harold Holt tên đầy đủ là Harold Edward Holt CH. Ông sinh ngày 5-8-1908 tại TP Sydney và là Thủ tướng thứ 17 của Australia. Nhiệm kỳ của Harold Holt đột ngột chấm dứt sau khi ông mất tích tại bãi tắm Cheviot gần Portsea. Harold Holt đã trải qua 32 năm làm chính trị trên nhiều cương vị, từ Bộ trưởng cấp cao trong nội các cho đến Thủ tướng thay cho người tiền nhiệm Robert Menzies, người từng làm Thủ tướng tới 18 năm.
Theo Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu Menzies (MRC) Nick Cater, đồng tác giả một chuyên khảo về cuộc đời và di sản của Harold Holt thì ông là vị thủ tướng trẻ nhất của Australia. Tuy chỉ làm thủ tướng 680 ngày nhưng những cải cách của Holt được xem là "kịp thời, sáng tạo và can đảm”, "đẩy mạnh mối bang giao với các nước châu Á, làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các quốc gia bên ngoài Khối thịnh vượng chung". Ông cũng là người đã kết thúc chính sách White Australia (Người Australia da trắng), tăng cường mối đại đoàn kết dân tộc, trao quyền cho người thổ dân và được 90% người dân ủng hộ sáng kiến này. Về kinh tế, ông đã chuyển đơn vị tiền tệ của Australia từ hệ thống đồng pound và pence phức tạp sang đồng đô la và cent.
Theo chuyên gia viết tiểu sử Tom Frame, tác giả cuốn “Cuộc sống và cái chết của Harold Holt” ấn hành tháng 8-2005, ngày nay Holt được nhớ đến vì cái chết thương tâm lẫn vai trò gây tranh cãi trong việc mở rộng sự tham gia của Australia trong chiến tranh Việt Nam và nổi tiếng bởi câu trích dẫn "All the way with LBJ" (mọi con đường đều dẫn đến Nhà Trắng).
John Warhurst, Giáo sư Khoa Chính trị - Đại học Quốc gia Australia đánh giá: “Harold Holt là người mang luồng sinh khí mới cho Australia. Ông trẻ tuổi hơn Menzies và nổi tiếng là người lịch thiệp và tiến bộ”. Holt cũng được đánh giá là một trong những thành viên nội các chính phủ Australia làm việc cực kỳ chăm chỉ, vị thủ tướng đầu tiên sử dụng người soạn diễn văn cho mình và vị thủ tướng thứ ba của nước này chết khi đang tại vị.
Harold Holt mất tích bí ẩn như thế nào?
Theo tờ The Guardian của Anh số ra mới đây, Holt đã mất tích một cách bí ẩn và ma mị “như một chiếc lá trôi, quá nhanh và hoàn hảo nên mọi người không bao giờ thấy mặt ông một lần nữa”. Còn các phương tiện thông tin đại chúng thì chỉ nêu vẻn vẹn thông báo: "Thủ tướng đã mất tích", đúng vào ngày 17-12-1967 khi ông đi tắm trên biển Cheviot gần Melbourne.
Mọi việc sau đó như mọi người đã biết, Holt được cho là chết đuối và Chính phủ đã tổ chức lễ tưởng niệm với sự có mặt của nhiều nguyên thủ quốc gia như Thủ tướng Anh Harold Wilson, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson... Mặc dù có đám tang song lại không có thi hài người quá cố bởi nó không bao giờ được tìm thấy. Điều này dẫn tới nhiều giả thiết, trong số này có cả giả thiết bị tàu ngầm Trung Quốc bắt đi.
Theo nhà viết tiểu sử Tom Frame, sự ra đi của Thủ tướng Holt có nhiều uẩn khúc, ngày mà ông mất tích là Chủ nhật, thời tiết nóng ẩm. “Mọi người đổ xô đến Vịnh Port Phillip ở Melbourne cốt để xem Thủ tướng bơi lội, lúc đó Holt đi cùng một quý bà và cặp vợ chồng trẻ”. Điều này cho thấy việc Holt đi tắm không có gì là bí mật. Hơn nữa ông lại là người đam mê thể thao và có khát vọng sống lành mạnh, có cả vệ sĩ đi kèm. Tuy nhiên, Thủ tướng là người không có sức khỏe hoàn hảo khi vừa trải qua ca phẫu thuật vai vài hôm trước đó. Ông nói với bác sĩ của mình về lý do đi tắm biển để có cảm giác dễ chịu sau ca mổ, bất chấp khuyến cáo của bác sĩ, thậm chí còn chơi cả tennis hôm thứ Bảy. Những người có mặt trên bãi biển lúc Thủ tướng Holt đi tắm cho cảnh sát biết, hôm đó thủy triều cao bất thường, cao nhất mà họ từng nhìn thấy. Một nhân chứng còn khẳng định vị Thủ tướng đã bơi trực diện vào những ngọn sóng cao và từ đây không ai còn nhìn thấy ông quay trở về.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, lực lượng cứu hộ đã vào cuộc, cả ở trên không, trên bộ lẫn dưới biển, phạm vi tìm kiếm lên tới 150km2 quanh Cheviot suốt nửa ngày liên tục nhưng không có kết quả. Đến đầu tháng Giêng 1968, cuộc tìm kiếm bao gồm hàng trăm người mới chính thức dừng lại.
Nhân chứng chỉ nơi cuối cùng nhìn thấy Thủ tướng Holt. |
Những giả thiết về cái chết của Holt
Dù hơn nửa thế kỷ trôi qua, người ta vẫn chưa có thông tin gì mới về sự mất tích của Thủ tướng Holt ngoài lý do đuối nước nhưng lại không có bằng chứng. Thi thể của ông không được tìm thấy đã khơi mào nhiều thuyết âm mưu cùng với những lời đồn đoán ma mị như bị cá mập tấn công, tự sát vì nỗi buồn riêng tư cho đến cả lý do bị CIA (Cục Tình báo Trung ương Mỹ) ám sát...
Giới truyền thông nghi ngờ lý do Thủ tướng Holt tự sát là bởi hôn nhân không hạnh phúc hoặc kiệt sức vì công việc. Trong cuộc phỏng vấn báo chí năm 1985, bà Zara Holt (vợ của Thủ tướng) cho biết, sau khi chồng mất tích có tiết lộ câu nói cuối cùng của ông và thừa nhận chồng bà có vài mối tình vụng trộm ở Melbourne, Sydney, Canberra và Hồng Kông. Tuy nhiên bà Zara lại chỉ trích những đồn đoán thiếu cơ sở quanh sự biến mất của chồng mình. Báo cáo của cảnh sát năm 1968 không tin vào lập luận cho rằng Thủ tướng tự sát là do hôn nhân không hạnh phúc. Báo cáo kết luận, nguyên nhân dẫn đến cái chết của Thủ tướng là do tai nạn song lại thiếu bằng chứng. Với báo cáo này, người dân Australia không hài lòng, nhất là khi không bao giờ tìm thấy thi thể của Thủ tướng.
Thủ tướng Harold Holt cùng vợ và cháu gái năm 1966. |
Cũng trong thời gian điều tra, cảnh sát phát hiện một lỗ thủng giống như lỗ đạn nơi cửa sổ văn phòng của Thủ tướng Holt sau khi ông mất tích. Phản ứng trước đồn đoán về việc ông tự sát, nhiều người cho rằng Thủ tướng có cuộc sống bình thường, tâm trạng vui vẻ trước khi đi tắm, thậm chí ông còn nói lại với những người đi cùng "Tôi nắm rõ bờ biển này như lòng bàn tay". Holt còn đặt kế hoạch cho tương lai, bàn luận về những vấn đề liên quan đến chính trị mà ông theo đuổi trong năm 1968. Báo cáo của cảnh sát cũng ủng hộ điều này nên những giả thiết về sự mất tích của Thủ tướng lại càng thêm mâu thuẫn.
Vụ mất tích của Thủ tướng Harold Holt đã khiến Đảng Tự do rơi vào tình trạng hỗn loạn, tạo ra thời kỳ khủng hoảng, góp phần đưa Đảng Lao động trở lại chính quyền vào năm 1972 sau 23 năm vắng bóng. Mãi tới năm 1975, Đảng Tự do mới dần hồi phục sau khi Thủ tướng Malcolm Fraser bắt đầu nhậm chức. Còn đối với người dân Australia, những gì Harold Holt làm được cho đất nước đã bị che khuất bởi cái chết bí ẩn của ông và rơi vào quên lãng, nhất là những tranh cãi khi ông giúp Mỹ đưa quân đội đến Việt Nam trong cuộc chiến đầy đau thương và thảm khốc kéo dài này.
Duy Hùng (Theo CNN/ABC/Guardian)
Ý kiến bạn đọc (0)