Những điểm du xuân
Khu Di tích Chiến thắng Xương Giang. |
Đền Xương Giang - Dấu ấn lịch sử
Để ghi nhớ công ơn tiên tổ và chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang hiển hách của các bậc tiền nhân, Khu di tích Chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang) được đầu tư xây dựng, khánh thành đúng dịp kỷ niệm 590 năm chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang (mùng 6 tháng Giêng năm Đinh Dậu 2017).
Khu di tích được quy hoạch 10 ha. Với các hạng mục chính như sân hành lễ, tòa tiền bái, tòa thiêu hương, tòa chính cung trên diện tích 500 m2 được xây dựng theo thiết kế cổ truyền 2 tầng, 8 mái hoàn toàn bằng gỗ lim. Trong đền thờ tượng vua Lê Lợi đúc bằng đồng, bài vị quân sư Nguyễn Trãi và 16 tướng lĩnh tham gia trận chiến Chi Lăng - Xương Giang. Quần thể khu di tích có dáng vóc bề thế, uy nghi, ghi dấu chiến công oanh liệt của ông cha cách đây gần 6 thế kỷ, trở thành một điểm nhấn mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt lịch sử, văn hóa và tâm linh. Trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, UBND TP Bắc Giang dành 6,9 tỷ đồng từ ngân sách để lát vỉa hè khu vực xung quanh đền bằng đá tự nhiên; lắp đặt cột cờ...
Đền Xương Giang là nơi lý tưởng để tổ chức hành trình về nguồn giáo dục truyền thống yêu nước đối với thế hệ trẻ; diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, sản vật làng nghề truyền thống; trình diễn thư pháp, hát quan họ, chầu văn, ca trù; thi đấu thể thao, trò chơi dân gian.
Du khách hành hương về chốn tổ Vĩnh Nghiêm. |
Chốn tổ Vĩnh Nghiêm
Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên (Yên Dũng) được xem là một trong những chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm do Tam tổ Trúc Lâm (Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang) đã có công khai sáng. Từ xa xưa dân gian có câu: “Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm/Vĩnh Nghiêm chưa đến, thiền tâm chưa đành”. Đây là một trong những đại danh lam cổ tự bậc nhất của Phật giáo Việt Nam. Đến đây du khách được hành hương, chiêm bái kho mộc bản được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm diễn ra vào ngày 14 tháng 2 âm lịch đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chốn tổ Vĩnh Nghiêm là điểm đến của nhiều đoàn khách hành hương tìm về nguồn cội.
Đông đảo đại biểu, du khách đến tham quan Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử. |
Khu du lịch tâm linh-sinh thái Tây Yên Tử
Tây Yên Tử (Bắc Giang) là bộ phận không thể tách rời trong quần thể di tích, danh thắng Yên Tử - nơi gắn liền với Thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Ngày 12 tháng Giêng năm Mậu Tuất, Bắc Giang khai trương Khu du lịch tâm linh- sinh thái Tây Yên Tử tại xã Tuấn Mậu (Sơn Động) và tổ chức lễ khai hội Xuân. Khu du lịch đã khẳng định giá trị văn hóa Phật giáo Trúc Lâm suốt hơn 700 năm qua, đồng thời khôi phục con đường hành hương trong không gian văn hóa chung Đông - Tây Yên Tử, qua đó kết nối quá khứ tâm linh của các thế hệ tiền nhân với hiện tại và cho đến muôn đời sau. Tại đây đã xây dựng chùa Hạ, chùa Thượng, khu quảng trường lễ hội, sân khấu ngoài trời, cổng Hoàng Thành, nhà hàng... kết nối với chùa Đồng trên đỉnh thiêng Yên Tử.
Chùa Bổ Đà nhìn từ trên cao. |
Chùa Bổ Đà - Đất lành chốn thiêng
Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà, xã Tiên Sơn (Việt Yên) còn gọi là chùa Tứ Ân với hàm nghĩa con người phải biết báo đáp ơn trời đất, ơn đất nước, ơn thầy cô và ơn cha mẹ. Chùa Bổ Đà được xây dựng thời Lý, trùng tu lớn vào thời Lê (thế kỷ XVIII). Đây cũng là nơi sơn thủy giao hòa, nhìn sông tựa núi, cảnh sắc, không gian đẹp. Người xưa đề thơ rằng: "Bốn bề phong cảnh lạ thay/Bồng lai kia cũng thế này mà thôi”. Chùa có kho mộc bản Thiền phái Lâm Tế khắc ngược bằng chữ Hán - Nôm và chữ Phạn trên gỗ thị. Cổng, tường bao được chình bằng đất, đó cũng là những nét độc đáo hiếm nơi nào có được. Vườn tháp tổ tại chùa lớn nhất Việt Nam (hơn 100 tháp mộ). Đến Bổ Đà vào dịp lễ hội (từ 16 đến 18 - 2 âm lịch), du khách được thưởng thức những làn điệu dân ca quan họ mượt mà. Cảnh chùa linh thiêng, thiên nhiên đẹp, cộng thêm sự đa dạng di sản văn hóa đã tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách khi đến đây.
Du khách dâng hương tượng đài Hoàng Hoa Thám. |
Di tích quốc gia đặc biệt Yên Thế
Khởi nghĩa Yên Thế chống thực dân Pháp (1884-1913) có tầm vóc lớn trong lịch sử dân tộc. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng hệ thống di tích những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế là Di tích Quốc gia đặc biệt. Trong đó, Khu di tích Hoàng Hoa Thám tại thị trấn Cầu Gồ (Yên Thế) được xem là trung tâm với quần thể di tích tiêu biểu là đồn Phồn Xương, đền Thề, đình Dĩnh Thép, đền Bà Ba... Đến Yên Thế, ngoài dâng hương, khám phá các khu đền, đồn lũy, du khách còn được tham quan Nhà trưng bày khởi nghĩa Yên Thế - nơi lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật quý về cuộc khởi nghĩa Yên Thế và thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Lễ hội Yên Thế diễn ra vào 16 tháng 3 dương lịch nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tôn vinh tinh thần thượng võ, tưởng nhớ các nghĩa sĩ chống thực dân Pháp xâm lược.
Kim Hiếu- Nguyễn Hưởng
Ý kiến bạn đọc (0)