Những chuyến xe nghĩa tình và tâm sự của người ở lại
Chuyến xe nghĩa tình
Sáng 29 tháng Chạp, tại sân Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang, rất đông công nhân tập trung chuẩn bị về quê đón Tết. Theo ghi nhận, mặc dù 7 giờ 30 phút đoàn xe mới xuất phát nhưng từ rất sớm, nhiều người đã xách va li, đồ đạc ra nơi tập kết. Nhiều người trong đó không nén được xúc động khi lâu lắm mới có dịp trở về quê đón Tết cùng người thân.
Trên những chuyến xe nghĩa tình của công đoàn, công nhân được về quê đón Tết cùng gia đình. |
Chị Nguyễn Thị Uyên, công nhân Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam (KCN Quang Châu-Bắc Giang) cho biết: Quê ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), tôi ra đây làm công nhân và lấy chồng ở Bắc Giang đã 8 năm. Vì nhiều lý do nhưng chung quy lại vẫn là do không có điều kiện kinh tế nên đây là năm đầu tiên cả nhà tôi được về quê đón Tết cùng bố mẹ. Ngồi hàng ghế đầu cùng hai con gái nhỏ, anh Nguyễn Lâm Hải, quê Nghệ An cũng rất phấn khởi vì nhờ chuyến xe nghĩa tình của công đoàn mà năm nay không phải chịu cảnh chen lấn tại các bến xe. Đúng 7 giờ 30 phút, những chiếc xe đầu tiên xuất phát. Dù trời mưa nặng hạt nhưng các cán bộ công đoàn cơ sở, những người bạn ở lại vẫy tay chào tạm biệt, chúc nhau đón một năm mới an lành.
Anh Nguyễn Lâm Hải và các con về quê đón Tết trên chuyến xe nghĩa tình. |
Để động viên những người lao động xa quê, những năm gần đây, chương trình “Đồng hành cùng công nhân, lao động về quê đón Tết” do Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang phát động đã phần nào chia sẻ những khó khăn ấy. Năm nay, các cấp công đoàn tặng hơn 20,1 nghìn vé xe và tổ chức khoảng 130 chuyến xe đưa công nhân các tỉnh ở xa không có điều kiện về quê đón Tết. Riêng Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, năm nay từ ngày 27 đến 29 tháng Chạp có 8 xe đưa 230 lao động hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh về quê sum họp bên gia đình.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang tặng lì xì cho con công nhân. |
Nỗi niềm người ở lại
Khác với không khí nhộn nhịp, vội vã ở ngoài phố, trong khu nhà trọ của công nhân tại thôn My Điền 1, xã Hoàng Ninh (Việt Yên) lại vắng vẻ hơn khi nào. Anh Lý Văn Đức (SN 1988), một trong số ít công nhân ở lại kể: Hai vợ chồng quê ở huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, xuống Bắc Giang làm 4 năm nay. Mỗi tháng, tính cả tăng ca, thu nhập trung bình của anh và vợ được khoảng 12 triệu đồng. Nhưng hai năm nay, do con còn quá nhỏ, chưa cơ sở mầm non nào nhận trông, vả lại, lương thấp hơn vợ nên anh Đức đành xin nghỉ việc để ở nhà chăm sóc. Để tiết kiệm chi phí, Tết năm nay vợ chồng anh quyết định ở lại xóm trọ. “Ban sáng, ông bà nội gọi hỏi bao giờ về, tôi bảo không về được chắc ông bà buồn lắm. Cả năm chỉ mong đến Tết sum họp nhưng biết làm thế nào...”, anh Đức ngậm ngùi.
Vì điều kiện, năm nay, anh Lý Văn Đức không về quê đón Tết. |
Quê ở xã xã Thiệu Minh, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) nhưng khi đến Khu công nghiệp Quang Châu-Bắc Giang làm công nhân, chị Hoàng Thị Tâm (SN 1991) bén duyên và lấy chồng quê Nghĩa Hòa (Lạng Giang-Bắc Giang). Hai vợ chồng đều làm công nhân, phải thuê trọ, lại thêm chi phí lo cho hai con nhỏ nên tháng nào không tăng ca là rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau. Vì vậy, đã 4 năm nay, chị Tâm và chồng đều không về quê ngoại chơi Tết. Chị Tâm chia sẻ “Vợ chồng tôi thống nhất để khi nào các con lớn hơn, điều kiện kinh tế vững thêm chút nữa thì thu xếp ăn Tết với bố mẹ ở quê, ít nhất là một năm về nội, năm sau về ngoại.
Trở về cùng gia đình đoàn tụ dịp Tết đến Xuân về luôn là mong ước của mọi người. Tuy nhiên, vì cuộc sống khó khăn, nhiều công nhân xa quê chấp nhận ở lại nơi xóm trọ để tiết kiệm chi phí. Vì thế, khác với anh Đức, chị Tâm, một số công nhân lại khỏa lấp nỗi nhớ nhà trong những ngày Tết bằng việc đăng ký làm thêm để vừa có thêm thu nhập vì sẽ được doanh nghiệp trả mức lương cao hơn (dao động từ 200%-300%/ngày), gần bằng thu nhập một tháng trong năm, lại chẳng có thời gian mà buồn. Cũng có nhiều người tranh thủ những ngày nghỉ, xin làm thêm ở một số nhà hàng, cửa hiệu ở quanh khu trọ để dành dụm ít vốn cho những dự định trong năm mới.
Tường Vi - Khôi Nguyên
Ý kiến bạn đọc (0)