Nhu cầu sử dụng điện tăng, đề phòng cháy, nổ
Thời gian qua, liên tiếp các vụ cháy nổ xảy ra tại nhà ống, nhà liền kề ở các thành phố lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Tại tỉnh Bắc Giang, vụ cháy vào rạng sáng 24/3 tại gia đình ông Vũ Văn C, thôn Đồng Đạo, xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa) làm chết một người con của ông C và thiêu rụi tất cả tài sản của gia đình vẫn còn là nỗi đau xót khôn nguôi.
Nguyên nhân ban đầu của vụ cháy được cơ quan chức năng xác định do chập điện. Vụ cháy xảy ra vào thời điểm nửa đêm đến sáng sớm nên việc phát hiện, xử lý và cứu nạn của người dân, lực lượng chữa cháy tại chỗ chưa thể kịp thời.
Lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) diễn tập chữa cháy tại hộ nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tại thị trấn Cao Thượng (Tân Yên). |
Trước đó, năm 2022, trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra 2 vụ cháy tại nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Có nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó phải kể đến việc người dân tự ý đấu nối sử dụng hệ thống điện trong nhà dẫn đến tình trạng mất an toàn.
Đại úy Nguyễn Tuấn Vinh, Đội phó Đội Công tác phòng cháy, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) thông tin, những hộ sử dụng nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh thường tận dụng mặt bằng tầng 1 tồn chứa hàng hóa, chất nhiều loại hàng dễ cháy nổ như quần áo, giày dép, giấy, gỗ…
Khảo sát tại một số hộ ở trên đường Nguyễn Thị Lưu, phường Ngô Quyền hay đường Lý Thái Tổ, phường Trần Phú (TP Bắc Giang), nhiều chủ hộ dù được cán bộ Công an phường nhắc nhở, xong “đâu vẫn đóng đó”. Cán bộ ra về, hiện trạng lại trở về như cũ.
Tại hộ kinh doanh quần áo Hương Giang, đường Nguyễn Thị Lưu, phường Ngô Quyền, quần áo chất thành đống cao hơn nửa người, chỉ còn chừa một lối duy nhất đủ để ra, vào. Dù tồn chứa nhiều hàng hóa dễ cháy song việc trang bị tiêu lệnh, bình chữa cháy hay hệ thống chữa cháy tự động lại rất hạn chế hoặc có nhưng không được bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ.
Toàn tỉnh có 32.613 hộ nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Hiện đã vận động 1.969 hộ mở lối thoát nạn thứ hai; hơn 12 nghìn hộ trang bị bình chữa cháy xách tay tại nhà. Đặc biệt, thành lập 504 mô hình tổ liên gia an toàn PCCC và 251 điểm chữa cháy công cộng tại các khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao. |
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, toàn tỉnh có 454.020 hộ dân (sử dụng nhà chỉ để ở); 32.613 hộ để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Qua tuyên truyền, vận động có 1.969 hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh mở lối thoát nạn thứ hai; hơn 12 nghìn hộ trang bị bình chữa cháy xách tay tại nhà. Đặc biệt, thành lập 504 mô hình tổ liên gia an toàn PCCC và 251 điểm chữa cháy công cộng tại các khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao.
Tuy nhiên, qua công tác hướng dẫn, kiểm tra, lực lượng chức năng nhận thấy một bộ phận chủ cơ sở, hộ gia đình, hộ kinh doanh và người dân chưa có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng trong việc chấp hành các quy định về an toàn PCCC và CNCH tại nơi ở và làm việc; thiếu sự hợp tác với cơ quan chức năng dẫn đến công tác hướng dẫn, kiểm tra còn khó khăn.
Theo Trung tá Nguyễn Minh Tiến, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH thì vào tháng 5/2023, Phòng và các đội chuyên môn Công an các huyện, TP, công an xã đã tổ chức diễn tập các phương án chữa cháy tại hộ nhà ở kết hợp kinh doanh với sự tham gia của lực lượng chữa cháy cơ sở nhằm phát huy phương châm “4 tại chỗ”. Tới đây, các đội chuyên môn cũng như công an cơ sở cũng hướng dẫn, tập huấn kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH cho từng hộ gia đình, phấn đấu mỗi gia đình có một người nắm vững kiến thức PCCC, thoát nạn, cứu người trong đám cháy, sơ cứu ban đầu để truyền đạt lại với người dân.
Công an tỉnh khuyến cáo các hộ gia đình, hộ nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh bố trí mặt bằng, sắp xếp vật dụng, hàng hoá hợp lý, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt tối thiểu 0,5 m. Không sắp xếp vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; không lắp đặt biển quảng cáo, lồng sắt, lưới sắt tại các ban công; tầng sân thượng. Mái cần bố trí thông thoáng và có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định và cửa đi, không khóa cửa lối lên mái.
Để ô tô, mô tô, xe gắn máy, máy phát điện và phương tiện khác có sử dụng xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy cách xa nơi đun nấu, nguồn lửa, nguồn nhiệt. Lúc đun nấu, thắp hương, đốt vàng mã hoặc sử dụng các thiết bị đốt nóng, sửa chữa, thi công, hàn cắt…(gây phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt) phải có người giám sát, trông coi. Tách biệt hệ thống điện của khu vực sản xuất, kinh doanh với các khu vực khác của nhà. Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà. Thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, thay thế thiết bị điện bị hư hỏng hoặc không bảo đảm an toàn.
Bài, ảnh: Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc (0)