Nhiều doanh nghiệp xem nhẹ phòng cháy
Ngày 8/4, tại Công ty TNHH một thành viên Quốc tế Việt Pan Pacific ở phường Xương Giang (TP Bắc Giang) xảy ra cháy ở khu vực nhà ăn. Nhận được tin báo, gần 200 cán bộ, chiến sĩ cùng 7 xe chữa cháy chuyên dụng của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) - Công an tỉnh, Công an TP Bắc Giang và Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường, triển khai các biện pháp dập lửa.
Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh) chữa cháy tại Công ty TNHH Jufeng New Materials Việt Nam vào đêm 14/11/2021. |
Mất hơn 5 giờ đồng hồ, các lực lượng mới phối hợp dập tắt được đám cháy nhưng toàn bộ nguyên phụ liệu (gồm vải, lông vũ, bông) đang tồn chứa ở nhà ăn, đồ đạc ở căng tin, phòng y tế bị cháy rụi.
Công ty TNHH một thành viên Quốc tế Việt Pan Pacific là DN sản xuất hàng may mặc xuất khẩu có 100% vốn Hàn Quốc, đứng chân trên địa bàn khoảng 20 năm nay. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra nguyên nhân, song trước mắt thiệt hại ước tính lên tới hàng tỷ đồng. Không những vậy, khoảng 2,8 nghìn công nhân phải tạm nghỉ để khắc phục sự cố. Các chuyên gia nhận định vụ cháy xảy ra có thể do sự cố hệ thống điện.
Trước đó, chiều 6/4 tại kho nguyên phụ liệu ở Công ty cổ phần Vina Han tại thôn Tiền Sơn, xã Phúc Sơn (Tân Yên) xảy ra cháy. Đây cũng là DN sản xuất hàng may mặc, sau sự cố, hơn 100 công nhân phải tạm dừng việc chờ nguyên liệu mới. Nguyên nhân vụ cháy cũng như thống kê thiệt hại đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Thống kê cho thấy, từ tháng 12/2021 đến nay, trong số 7 vụ cháy xảy ra trên địa bàn tỉnh có đến 6 vụ ở các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh với các ngành hàng như may mặc, linh kiện điện tử, chứa thực phẩm hay gia công máy kỹ thuật... Phần lớn các vụ cháy xảy ra do sự cố hệ thống điện hoặc chập cháy điện.
Tuy vậy qua thực tế, cơ quan chức năng cũng nhận định, hiện một số cơ sở, DN còn chủ quan, lơ là, chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo đảm an toàn PCCC và CNCH.
Ví như ở Công ty cổ phần Vina Han, dù cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần song chủ DN vẫn thờ ơ khiến cháy nổ xảy ra. Cụ thể, sau khi đi vào hoạt động năm 2020, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã kiểm tra các quy định PCCC, lập biên bản xử phạt vi phạm vì đơn vị không thực hiện các yêu cầu kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền bằng văn bản.
Mặc dù được thẩm duyệt về PCCC nhưng chưa qua nghiệm thu, Công ty đã đưa công trình vào hoạt động; hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy chưa bảo đảm theo quy định. Mới nhất, ngày 22/2, tổ công tác của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã xử phạt DN 8 triệu đồng vì không tổ chức thực hiện các quy định về PCCC.
Sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch Covid-19, các DN trong quá trình phục hồi, đơn hàng nhiều nên có đơn vị đã tận dụng nhà ăn, căng tin để chứa nguyên phụ liệu sản xuất. Khi xảy ra sự cố cháy nổ dễ bén lửa, tốc độ cháy nhanh, việc chữa cháy vì thế gặp rất nhiều khó khăn.
Từ năm 2021 đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã xử lý vi phạm hành chính 217 vụ, 217 chủ cơ sở, DN; tăng khoảng 2% vụ so với cùng kỳ năm trước. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này lên tới hơn nửa tỷ đồng. |
Qua công tác hướng dẫn, kiểm tra, từ năm 2021 đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã xử lý vi phạm hành chính 217 vụ, 217 chủ cơ sở, DN; tăng khoảng 2% vụ so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này lên tới hơn nửa tỷ đồng. Trung tá Nguyễn Ngọc Quyết, Đội trưởng Đội Công tác phòng cháy, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết thêm, các lỗi vi phạm chủ yếu là làm mất, hỏng hoặc làm mất tác dụng phương tiện PCCC; thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng thời hạn các yêu cầu về PCCC đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản.
Ở nhiều DN, cơ sở sản xuất, việc bố trí sắp xếp vật tư, hàng hóa cản trở lối thoát nạn; không kiểm tra hệ thống, phương tiện định kỳ; để nội quy, tiêu lệnh, biển báo, biển cấm cũ mờ, không nhìn rõ chữ; không đủ tài liệu trong hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC. Ở một số DN, cơ quan chức năng đã xử phạt các lỗi vi phạm song việc khắc phục còn chậm, chưa bảo đảm quy định.
Theo Thượng tá Nguyễn Viết Bình, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, nhằm phòng ngừa những vụ việc tương tự, đơn vị tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCCC nhằm tạo chuyển biến về nhận thức, tăng trách nhiệm của người đứng đầu DN, cơ sở sản xuất, công nhân, viên chức và quần chúng nhân dân.
Đồng thời, tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh đề xuất với UBND tỉnh ban hành văn bản chấn chỉnh công tác PCCC và CNCH tại các DN, cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh, tránh tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng" như ở một số DN đã xảy ra cháy, nổ vừa qua.
Cùng đó, đơn vị đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu, chủ DN đối với công tác này. Tổ chức chương trình tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho thành viên các đội chữa cháy cơ sở để xử lý hiệu quả từ khi mới phát sinh cháy, giảm thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Bên cạnh sự quan tâm vào cuộc của cơ quan chức năng, để phòng ngừa cháy nổ, mỗi DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra, gia cố lại hệ thống điện, nước; thực hiện nghiêm hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, nhanh chóng khắc phục những thiếu sót về hệ thống PCCC và CNCH.
Bài, ảnh: Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc (0)