Nhân lên phong trào trồng cây, gây rừng
Nhanh tay xuống giống
Năm nay, toàn tỉnh phấn đấu trồng 9,5 nghìn ha rừng tập trung (trong đó rừng phòng hộ, đặc dụng 50 ha, rừng sản xuất 9.450 ha); trồng hơn 1,6 nghìn ha rừng gỗ lớn; chuyển hơn 2,8 nghìn ha rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn. Đồng thời trồng 6,4 triệu cây phân tán và chăm sóc 24 nghìn ha rừng trồng. Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, mưa nhiều, độ ẩm của đất cao, người dân và một số DN đã chuẩn bị sẵn mặt bằng, vật tư và nhanh chóng xuống giống, phủ xanh những diện tích đất trống, đồi núi trọc.
Hộ dân thị trấn Bố Hạ (Yên Thế) chuẩn bị cây giống cho vụ trồng rừng mới. |
Gia đình chị Nguyễn Thị Hường ở thôn Cai Vàng, xã Đông Hưng (Lục Nam) có diện tích đất rừng khá lớn. Nhận thấy thời tiết thuận lợi, từ hơn một tháng trước, khi vừa có mưa, chị đã thuê người làm đất và trồng xong 30 ha. Chị Hường cho biết: “Nếu như năm ngoái mưa muộn thì năm nay mưa sớm hơn, đây là điều kiện rất thuận lợi để người dân trồng rừng. Đến nay, toàn bộ số cây của gia đình tôi đã bén rễ, tỷ lệ sống đạt cao, chỉ hết tháng Giêng, toàn bộ khu vực này sẽ lại được phủ xanh bởi bạch đàn giống mới”.
Năm nay, toàn tỉnh phấn đấu trồng 9,5 nghìn ha rừng tập trung (trong đó rừng phòng hộ, đặc dụng 50 ha, rừng sản xuất 9.450 ha); trồng hơn 1,6 nghìn ha rừng gỗ lớn; chuyển hơn 2,8 nghìn ha rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn. Đồng thời trồng 6,4 triệu cây phân tán và chăm sóc 24 nghìn ha rừng trồng. |
Theo đại diện Công ty TNHH hai thành viên Lâm nghiệp Lục Ngạn, năm nay, đơn vị có kế hoạch trồng 160 ha bạch đàn và keo. Toàn bộ số cây giống do DN tự sản xuất theo phương pháp nuôi cấy mô. Sẵn sàng cho vụ trồng rừng mới, Công ty đã cuốc hố 50 ha và tập kết phân bón cũng như cây giống đến từng đội. Nếu thời tiết thuận lợi, ăn Tết xong, toàn bộ cán bộ, công nhân sẽ được huy động trồng rừng.
Theo Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang, hiện toàn tỉnh trồng hơn 1,5 nghìn ha rừng và sản xuất hơn 16 triệu cây giống, chủ yếu là các giống bạch đàn và keo lai (tăng hơn 1 triệu cây so với cùng kỳ năm 2023).
Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn giám sát chặt chẽ nguồn gốc giống khi đưa vào gieo ươm; đưa giống mới, nâng cao tỷ lệ giống sản xuất từ công nghệ cấy mô, có năng suất cao. Đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, xác định mật độ trồng, bón phân, chăm sóc rừng để nâng cao hiệu quả rừng trồng. Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa bàn xuống cơ sở kiểm tra, hướng dẫn các hộ cách trồng, chăm sóc cây rừng đúng quy trình kỹ thuật, chọn mua giống tại những cơ sở uy tín, được cấp phép.
Thêm xanh những cánh rừng
Thực hiện Chỉ thị số 422/CT-BNN - LN ngày 12/1/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Giáp Thìn, đến nay, nhiều địa phương đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện, sẵn sàng mặt bằng, cây giống cũng như phân bón, nhân lực để đồng loạt ra quân.
Cụ thể, tại huyện Lục Ngạn, với mục tiêu phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, phục hồi hệ sinh thái, năm nay, UBND huyện yêu cầu phát động “Tết trồng cây” đến các thôn, xóm. Theo đó, toàn huyện sẽ tổ chức trồng cây xanh, tạo bóng mát tại công sở, khu vực công cộng (nhà văn hóa, sân thể thao, khu phố, tuyến đường).
Lễ phát động “Tết trồng cây” của huyện Lục Nam sẽ diễn ra vào ngày 15/2 (tức mùng 6 tháng Giêng). Địa phương giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn phấn đấu trồng 27,5 nghìn cây trong ngày phát động với các loài như: Keo, bạch đàn, lát hoa, trám, sấu, sao đen…
Đối với huyện Yên Thế, “Tết trồng cây” diễn ra vào ngày 17/2 (tức mùng 8 tháng Giêng). Theo ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, “Tết trồng cây” là hoạt động có ý nghĩa trong những ngày đầu năm mới. Năm nay, UBND huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây” tại Khu di tích lịch sử Kỳ Đồng, xã Hồng Kỳ. Ngoài ra, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn phát động phong trào trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây phân tán, cây đô thị. Chuẩn bị cho sự kiện này, các đơn vị chuyên môn đã khảo sát, thiết kế vị trí trồng cây, đôn đốc các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch trồng rừng năm 2024.
Duy trì phong trào trồng cây, trồng rừng là nhiệm vụ quan trọng, thiết thực góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống xói mòn, rửa trôi đất và tăng hiệu quả kinh tế, phát triển KT-XH bền vững. Theo ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, năm nay, Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể, cộng đồng dân cư và người dân về vai trò, tác dụng, ý nghĩa của việc trồng cây, gây rừng. Khuyến khích người dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, thực hiện các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, góp phần giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong công tác trồng rừng, Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo người dân, DN lựa chọn cây giống rõ nguồn gốc, xuất xứ, phù hợp với điều kiện sinh thái tại địa phương để bảo đảm cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, đạt hiệu quả kinh tế. Hướng dẫn các cơ sở sản xuất tăng tỷ lệ sử dụng giống cây mô, hom, cây rừng bản địa, cây đa tác dụng, lâm sản ngoài gỗ, dược liệu kết hợp dưới tán rừng, ưu tiên ươm giống cây có năng suất, chất lượng cao phục vụ trồng rừng sản xuất quy mô lớn, trồng rừng gỗ lớn.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung hướng dẫn người dân, DN thực hiện chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng và chủ động phòng, chống rét, sương muối cho vườn ươm cây giống. Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ sẽ được tăng cường trong thời gian tới là tập trung phát triển dịch vụ môi trường rừng, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí từ dịch vụ môi trường rừng. Quan tâm phát triển các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, khai thác lợi thế về tài nguyên thiên nhiên gắn với văn hóa, lịch sử và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương.
Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng
Ý kiến bạn đọc (0)