Nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước tới Áo, Italy và Tòa thánh Vatican: Làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. |
Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Áo của Chủ tịch nước Việt Nam trong vòng 15 năm qua và là hoạt động trao đổi đoàn cấp nguyên thủ quốc gia đầu tiên tới Italy và Vatican trong vòng 7 năm qua. Với chuyến thăm Italy của Chủ tịch nước, đây cũng là điểm nhấn quan trọng nhất nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Italy.
Đưa quan hệ Việt Nam với Áo, Italy đi vào chiều sâu, thực chất
Ngày 1/12/1972, khi chiến tranh ở Việt Nam còn chưa kết thúc, Áo là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Quan hệ Việt Nam và Áo trong vòng hơn 50 năm qua ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Về chính trị và ngoại giao, hai bên thường xuyên duy trì các cuộc tiếp xúc cấp cao và các cấp. Trong đó có các chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Liên bang Thomas Klestil tháng 3/1995; Chủ tịch Quốc hội Liên bang Heinz Fischer tháng 4/1997; Thủ tướng Liên bang Wolfgang Schuessel dự Hội nghị ASEM 5 tại Hà Nội tháng 10/2004; Chủ tịch Hội đồng Liên bang Sissy Roth - Halvax tháng 5/2006; Tổng thống Liên bang Heinz Fischer tháng 5/2012; Bộ trưởng Ngoại giao Alexander Schallenberg thăm chính thức tháng 4/2023.
Đoàn Việt Nam có các chuyến thăm Áo của Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức tháng 4/1998; Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân tháng 5/2002; Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tháng 9/2005; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm cấp nhà nước tháng 6/2008; Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tháng 2/2009; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên tháng 4/2010; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm tháng 6/2011; Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tháng 12/2011; Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết tháng 8/2014; Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn tháng 9/2014; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức tháng 10/2018; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức tháng 9/2022.
Hai bên thường xuyên có các cuộc tiếp xúc bên lề các diễn đàn đa phương, các cuộc điện đàm: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Christian Kern bên lề Hội nghị Davos 2017 (1/2017), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Tổng thống Alexander van der Bellen tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (New York 9/2021), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Sebastian Kurz (16/9/2021).
Về kinh tế, Áo là một trong 10 đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu và Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Áo trong khối ASEAN.
Trao đổi thương mại song phương Việt Nam - Áo trong năm 2022 là 2,79 tỷ USD. Đầu tư của Áo vào Việt Nam hiện vào khoảng 148 triệu USD. Tính đến hết tháng 4/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Áo ở mức hơn 1 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu ở mức trên 936 triệu USD, giảm 6,6%; nhập khẩu từ Áo đạt trên 122 triệu USD, tăng 5,3%.
Bên cạnh hợp tác kinh tế, hai nước còn đẩy mạnh quan hệ trên các lĩnh vực văn hóa - giáo dục - khoa học công nghệ.
Kể từ khi Việt Nam - Italy thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/3/1973, quan hệ chính trị giữa hai nước được củng cố và phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào tháng 1/2013, hai nước tích cực thúc đẩy hợp tác thiết thực, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, kinh tế, khoa học, giáo dục, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, kết nối địa phương.
Hai bên thường xuyên duy trì tiếp xúc cấp cao và các cấp, các cơ chế hợp tác song phương.
Trao đổi đoàn cấp cao và tiếp xúc được duy trì thường xuyên. Đoàn cấp cao Việt Nam có các chuyến thăm Italy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 1/2013), Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải (tháng 9/2013), Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang (tháng 7/2014), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (tháng 3/2014), Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng (tháng 5/2016), Chủ tịch nước Trần Đại Quang (tháng 11/2016), Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (2018), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (tháng 9/2019). Gần nhất, tháng 12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp song phương Thủ tướng Giorgia Meloni bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN - EU tại Brussels.
Đoàn cấp cao của Italy thăm Việt Nam gồm các chuyến thăm của: Bộ trưởng Quốc phòng Giampaolo di Paola (tháng 1/2013), Phó Chủ tịch Hạ viện Marina Sereni (tháng 1/2014), Thủ tướng Matteo Renzi (tháng 6/2014), Tổng thống Sergio Mattarella (tháng 11/2015), Bộ trưởng Ngoại giao Enzo Moavero Milanesi (5/2019), Thủ tướng Giuseppe Conte (tháng 6/2019).
Trong thời gian ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hai bên có: điện đàm Bộ trưởng Ngoại giao Luigi Di Maio và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (5/2020); điện đàm Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Mario Draghi (tháng 4/2022).
Trong các trao đổi cấp cao, Italy luôn khẳng định quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, coi Việt Nam là nước ưu tiên phát triển quan hệ ở khu vực Đông Nam Á.
Về kinh tế, năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 6,2 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021, kỳ vọng hướng tới mức 7 - 8 tỷ USD/năm. Italy hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại Liên minh châu Âu và nhà là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đứng thứ 36/141 của Việt Nam; cung cấp ODA cho Việt Nam với tổng số vốn cam kết là hơn 117 triệu Euro. Nhiều tập đoàn lớn của Italy hoạt động tích cực tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo như Bonfiglioli (sản xuất động cơ), Piaggio (sản xuất, lắp ráp xe máy, động cơ), Danieli Officina (sản xuất thép), Fiat Iveco (liên doanh ô tô Mekong), Datalogic, Ariston (sản xuất bình đun nước nóng).
Việt Nam - Italy có mối quan hệ hợp tác ngày càng phát triển trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, du lịch và địa phương. Trong năm 2022, Việt Nam đón khoảng hơn 15 nghìn lượt khách Italy. Italy cũng là một trong những điểm đến hàng đầu của du khách Việt Nam khi tham quan châu Âu.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ có các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Áo, Italy để trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, lao động và đào tạo nghề, năng lượng tái tạo, giao lưu nhân dân nhằm đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Áo, Italy ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, ngoài các cuộc hội đàm, Chủ tịch nước sẽ có các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ lãnh đạo hai nước, lãnh đạo các địa phương và tiếp lãnh đạo một số chính đảng của Italy, làm việc với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Nhiều tiến triển tích cực trong quan hệ Việt Nam - Vatican
Quan hệ giữa Việt Nam và Vatican, thời gian qua có rất nhiều tiến triển tích cực. Lãnh đạo hai bên gần đây đã có các cuộc thăm lẫn nhau. Về phía Việt Nam thăm Vatican có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1/2013); Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (12/2009); Chủ tịch nước Trần Đại Quang (11/2016); Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (1/2007 và 10/2014); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (3/2014); Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình (10/2018). Về phía Tòa thánh thăm Việt Nam có: Bộ trưởng Truyền giáo - Hồng y Fernado Filoni (1/2015); Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, thành viên Tổ tư vấn của Giáo hoàng - Hồng y Reinhard Marx (1/2016).
Tháng 1/2007, nhân chuyến thăm Italy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Giáo hoàng Benedict XVI và Quốc vụ khanh Tarcisio Bertone. Đây là tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa hai bên.
Tháng 6/2009, tại cuộc tiếp các giám mục Việt Nam nhân dịp Ad Limina tại Rome, Giáo hoàng đã có Huấn dụ kêu gọi “giáo dân phải là công dân tốt”, giáo dân phải có nghĩa vụ đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước và nhắc nhở Giáo hội Công giáo Việt Nam thực hiện đường lối “Phúc âm giữa lòng dân tộc” tại Thư chung năm 1980.
Tháng 11/2008, hai bên nhất trí lập Nhóm Công tác hỗn hợp về quan hệ Việt Nam - Vatican, họp thường niên và luân phiên ở Việt Nam và Vatican. Đến nay, hai bên đã tổ chức 10 vòng họp.
Tại cuộc họp vòng X Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Tòa thánh Vatican, do Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh, Đức ông Miroslaw Wachowski đồng chủ trì ngày 31/3, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; chính quyền các cấp luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tôn giáo, trong đó có Công giáo.
Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Miroslaw Wachowski khẳng định, Tòa thánh luôn mong muốn Giáo hội Công giáo Việt Nam hoạt động theo pháp luật Việt Nam và đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước theo tinh thần các Giáo huấn của Giáo hội “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, “giáo dân tốt phải là công dân tốt”.
Từ năm 2011, Đặc phái viên không thường trú của Tòa thánh đã hoạt động tại Việt Nam.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)