Nhân 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyên Hồng 5-11 (1918 - 2018): Người về ấp Cầu Đen
Ngay từ những trang viết đầu tay của tiểu thuyết "Bỉ vỏ" đến "Thù nhà nợ nước", tập đầu trong bộ ba tiểu thuyết "Núi rừng Yên Thế", ông đã đi trọn với người cùng khổ với thái độ cảm thông sâu sắc, qua mọi biến thiên của đời sống xã hội - một xã hội quằn quại, rên xiết, đau khổ nhưng vượt lên tự khẳng định chính mình.
![]() |
Nhà văn Nguyên Hồng. Ảnh tư liệu |
Sự nghiệp của Nguyên Hồng đồ sộ và đa dạng bao gồm nhiều thể loại: Truyện ngắn, tiểu thuyết, hồi ký, thơ, tiểu luận... trải ra gần nửa thế kỷ với bao nhiêu biến động lịch sử, một văn phong tươi mới như sự sống, rất gần gũi với đời sống tinh thần của chúng ta. Con người nhà văn Nguyên Hồng giàu lòng vị tha, nhân hậu, sống giản dị và hòa hợp với đời sống người dân- một đời sống mà chính nhà văn cũng trải qua không ít cam go, cực nhọc, nhưng là chất men say sáng tạo của ông, thiếu đi đời sống ấy sẽ không thể có được những trang văn đầy xúc động ấm áp tình người.
Ông ấy là... nhà văn ư?
Hôm ấy, thầy giáo Mai có bạn dạy học ở Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc về chơi. Hai người đang ngồi nói chuyện thì thấy có một người dáng thấp bé cởi trần, râu lưa thưa, quần ống cao ống thấp đang đi ngoài sân. Thấy trong nhà có khách, ông già vội rẽ sang phía dốc rồi về nhà mình. Thầy Mai nói với bạn: "- Nhà văn Nguyên Hồng về ở và sáng tác ở ấp này đó!". Ông khách cãi lại: "- Anh trông nhầm thế nào ấy chứ! Tôi đã đọc văn Nguyên Hồng nhiều rồi. Tôi hình dung nhà văn khác cơ! Người viết văn sao lại ăn mặc quá tuềnh toàng vậy. Chắc lại có một lão nông xuống mượn anh cái gì đó thôi!". Biết không thể thuyết phục được bạn, thầy Mai đành im lặng.
Một lát sau, nhà văn Nguyên Hồng tươm tất trong bộ quần áo nâu bạc đi xuống nhà. Thầy Mai lại giới thiệu với ông bạn: "Nhà văn Nguyên Hồng, bạn hàng xóm của tôi đấy!". Nguyên Hồng xin lỗi khách và trao đổi với thầy Mai vài việc riêng. Xong ông đứng dậy, chắp tay trước ngực nói: "Xin phép hai thầy, vì mắc chút việc, tôi về...".
Ông khách thực sự ngạc nhiên... một nhà văn lớn như vậy sao lại giản dị đến không thể tưởng tượng nổi.
Nói thế nào cũng không chịu nghe
Hồi chống Mỹ cứu nước, trước mỗi lần đi công tác nước ngoài, Bộ Tài chính có chuẩn bị cho Nguyên Hồng một bộ com-lê và vài thứ đồ dùng cá nhân khác. Một lần, nhà văn sau khi hoàn thành chuyến đi công tác Liên Xô về, các đồng chí Bộ Tài chính có nhã ý biếu ông bộ com-lê để ông thỉnh thoảng tiếp khách nước ngoài lên thăm nhà. Nguyên Hồng nói "thẳng thừng" với các đồng chí ấy một cách chân tình: "- Tôi xin gửi lại bộ com-lê này để các đồng chí đi công tác nước ngoài những đợt sau còn dùng. Tôi ở vùng đất đỏ trung du bụi lầm, ít có dịp mặc. Vả lại, các cháu tôi suốt ngày quấn quýt ông. Nó bẩn, nó rách thì phí đi".
![]() |
Nhà văn Nguyên Hồng (thứ hai, bên phải) cùng nhà văn Tiệp Khắc và gia đình. (Ảnh chụp năm 1971 tại Nhã Nam). |
Nói đoạn, nhà văn Nguyên Hồng vào thay bộ quần áo nâu bạc xuềnh xoàng, xếp gọn ghẽ bộ com- lê, trao lại, rồi đòi về ấp Cầu Đen - Tân Yên (Bắc Giang), mặc dù các đồng chí ấy nói thế nào ông cũng không chịu nghe.
Ước nguyện chưa thành
Nam Bộ là nỗi day dứt trong tâm khảm nhà văn Nguyên Hồng, chả thế ông đã từng viết bài thơ Cửu Long giang ta ơi với bao nhiêu hoài vọng nung nấu. Sau năm 1975, bạn bè thường nhắc ông nên đi Nam Bộ khi nước nhà đã thống nhất. Nguyên Hồng cứ cười khà khà: "- Ừ, cũng phải đi một chuyến chứ. Nhưng bận quá, tiểu thuyết về quan Đề Thám và nghĩa quân Yên Thế chưa "tha" mình, khổ thế; xong bộ ba này thì quyết đi thôi, không thể nấn ná mãi được!". Và ông ở liền trên ấp Cầu Đen, tắm mình trong không khí sử thi không dứt ra được, có khi cả tháng không về cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam ở Hà Nội. Và Nguyên Hồng đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất ngổn ngang những dự định chưa thành, tận dâng tận hiến cho sứ mệnh nghệ thuật - đó là lẽ sống suốt đời ông.
Có lẽ lúc sinh thời, Nguyên Hồng cũng không ngờ rằng: Một đường phố ở Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh) được mang tên ông như ghi nhận một đời sáng tạo của nhà văn, mặc dù ông lại chưa một lần đặt chân đến mảnh đất ông từng yêu mến và khát khao đến đó.
Nguyễn Thanh Kim
Ý kiến bạn đọc (0)