Nhạc sĩ Hồng Đăng: Còn mãi hương hoa sữa
Trong căn nhà nhỏ ở Hồng Hà, Hà Nội, bà Lê Anh Thúy - vợ nhạc sĩ - nén đau buồn, cùng các con lo liệu hậu sự cho chồng. Nhiều năm nay, sức khỏe nhạc sĩ suy yếu, mọi sinh hoạt đều do vợ hỗ trợ. Bà nói cuộc đời ông lắm gian truân, "lênh đênh" như con thuyền trên biển, cuối cùng cũng đến ngày cập bến. Cuối đời, nhạc sĩ mắc nhiều bệnh nền, phải chịu những cơn đau giày vò mỗi ngày, ra đi, xem như được giải thoát.
Nhạc sĩ Hồng Đăng qua ống kính của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán. |
Ngày trước, bạn bè thường bắt gặp hình ảnh nhạc sĩ ngồi sau xe vợ đi cà phê, gặp gỡ bạn bè, xem triển lãm, ca nhạc. Có lần, vừa đèo chồng, bà nghêu ngao hát "Em vẫn từng đèo anh/ Trên những chặng đường quen", biến tấu từ lời bài hát Hoa sữa: "Em vẫn từng đợi anh/ Trên những chặng đường quen" khiến ông phì cười.
Lần nhạc sĩ gặp tai nạn năm 2011, nhận tin báo, bà xã vội vàng đưa ông vào bệnh viện, liên hệ bác sĩ phẫu thuật. Khi bạn bè vào thăm, ông hóm hỉnh nói: "Thường ngày đi đâu bà ấy chở thì không sao. Hôm đó nằng nặc đòi đi một mình. Đúng là sểnh vợ ra thất nghiệp".
Nhạc sĩ cống hiến không ngừng nghỉ, với gia tài hơn 700 tác phẩm từ khí nhạc, nhạc phim, hợp xướng, ca cảnh, sân khấu... Hồng Đăng say mê âm nhạc từ khi còn là học sinh tiểu học. Không có thầy dạy nhạc, ông phải đi bộ 60 km từ Yên Thành về thành phố Vinh (Nghệ An) mượn tài liệu âm nhạc cũ bằng tiếng Pháp để đọc. 13 tuổi, ông sáng tác ca khúc đầu tay Đời học sinh, được bạn bè cùng trang lứa yêu thích. Sau đó, ông cho ra đời loạt tác phẩm Nắng về Tây Bắc, Nhớ ơn cụ Hồ...
20 tuổi, Hồng Đăng từ Nghệ An ra Hà Nội, trở thành một trong những sinh viên đầu tiên của khoa Sáng tác, trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Ông là bạn học của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Hoàng Việt, Tô Ngọc Thanh, Vĩnh Cát, Huy Thục... Trong thời gian này, ông viết thêm một số ca khúc Đường đi có nắng mặt trời, Quà tháng Năm, Giữa mùa sa nhân... bắt đầu hành trình gắn bó với âm nhạc chuyên nghiệp.
Nhạc sĩ từng nói việc sáng tác với ông cũng như bác sĩ chữa bệnh hay nông dân đi làm đồng mỗi ngày. Ông không cần không gian riêng hay nhạc cụ, ý ca lóe lên trong đầu, ngồi đâu cũng viết ra nhạc. Năm 2011, một lần đi xe máy lên Tràng Tiền, Hà Nội mua sách báo, ông bị người khác đụng vào, khiến gãy xương đùi. Nhạc sĩ phải phẫu thuật, nằm viện thời gian dài. Tủ đầu giường bệnh của ông luôn có một tệp giấy và bút để tiện ghi chép khi có ý tưởng sáng tác. Mỗi lúc bị cơn đau hành hạ, ông lại mở nhạc, ngân nga theo giai điệu để quên đi.
Không phải ca khúc nào của ông cũng đến công chúng một cách dễ dàng. Bài Hoa sữa được khán giả biết tới qua bộ phim Hà Nội mùa chim làm tổ (đạo diễn Đức Hoàn). Sinh viên, học sinh thời ấy thích ca từ, giai điệu lãng mạn của ca khúc, truyền khẩu nhau rồi chép lại trong những cuốn sổ lưu niệm. Tuy nhiên, sau bộ phim, bài hát cũng dần bị lãng quên. Đầu những năm 1980, một lần nhạc sĩ vào TP HCM công tác, ca sĩ Nhã Phương gặp và hỏi xin ông bài mới để hát. Nhạc sĩ gợi ý Hoa sữa, Nhã Phương đồng ý thu âm qua băng cassette. Lúc ấy, chị em Bảo Yến - Nhã Phương đang nổi đình đám, nhạc phẩm nhờ vậy càng nổi tiếng. Ca khúc vốn viết về Hà Nội lại quay ngược trở về thủ đô, rồi dần nổi tiếng cả nước qua giọng hát Thanh Hoa, Thanh Lam, Hồng Nhung thể hiện.
Bài Lênh đênh được viết cho phim nhựa Đời hát rong (1991) nhưng phải đến chục năm sau, khi Tam ca 3A thể hiện ca khúc trên sóng truyền hình, công chúng mới dần biết tới. Năm 2009, Thanh Lam bỏ tiền thu âm, dựng MV, tác phẩm được phổ biến rộng rãi, xuất hiện trong danh mục tại phòng trà, quán karaoke.
Nhạc sĩ Hồng Đăng (trái) bên vợ tại nhà riêng trong ngày nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái hồi tháng 10/2021. |
Nhạc sĩ dành một góc lớn trong căn nhà làm nơi để bản thảo bài viết, sách, tài liệu liên quan đến âm nhạc. Vợ nhạc sĩ cho biết hiện có khoảng 300 ca khúc vẫn chưa được công bố vì không đủ điều kiện. Tuy nhiên, Hồng Đăng luôn coi mỗi tác phẩm như đứa con, dù hay, dở, nổi tiếng hay chưa ra mắt, đều là máu mủ của ông. "Dù viết cả khí nhạc lẫn ca khúc, tôi vẫn quan niệm giá trị của một tác phẩm không hề phụ thuộc quy mô. Có những câu thơ, ý thơ theo con người ta suốt cuộc đời - điều mà có khi cả một tập thơ đồ sộ không làm được", ông từng nói.
Sau hai cuộc hôn nhân đổ vỡ, ở tuổi 54, Hồng Đăng gặp bà xã, kém ông 26 tuổi, là kỹ sư xây dựng. Anh Thúy thích những sáng tác, thậm chí thuộc làu hoàn cảnh ra đời từng tác phẩm của ông, còn nhạc sĩ ấn tượng bà bởi vẻ ngoài xinh đẹp, hồn nhiên. Họ nhanh chóng đến với nhau bất chấp chênh lệch tuổi tác. Anh Thúy sau đó bỏ nghề, chuyển sang làm thơ, viết báo để tiện chăm sóc chồng con. Cả hai có một con trai, hiện hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Sau khi về hưu, do tuổi cao, mắc nhiều bệnh nền, mỗi lần đi đâu, ông thường được vợ chở đi.
Không chỉ chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho chồng, Anh Thúy còn đồng hành trong các hoạt động âm nhạc. Bà thuộc những gì liên quan đến chồng như sáng tác bài hát ra sao, gặp biến cố thế nào. Bà cũng lưu giữ từng kỷ vật, giấy tờ sáng tác, cắt các bài báo viết về chồng đóng thành quyển sổ to.
Năm 2005, nhạc sĩ tổ chức liveshow cá nhân tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình bị lỗ vốn vì không có tài trợ, bà phải gom góp mấy năm mới trả hết nợ. "Cũng may lúc đó được các đồng nghiệp giúp đỡ nếu không phải bán cả nhà", vợ nhạc sĩ nói. Sinh thời, một lần tụ tập bạn bè tại quán cà phê của gia đình, nhạc sĩ chỉ vào vợ và nói: "Bà ấy là kết thúc có hậu của đời tôi".
Ý kiến bạn đọc (0)