Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Người "mắc nợ Bắc Giang"
Tôi may mắn có dịp đưa đoàn nhạc sĩ đi thực tế sáng tác và có điều kiện nghe nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ về những tình cảm, kỷ niệm với Bắc Giang một cách giản dị mà nghĩa tình.
Lần đoàn đi thực tế ở huyện Yên Dũng vào đầu tháng 6/2022, trong lúc chờ các nhạc sĩ tham quan vườn rau, nho Hạ đen, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân liền bảo anh lái xe tranh thủ chạy về xã Xuân Phú tìm lại kỷ niệm một thời. Tôi lo nhạc sĩ không biết đường vì mọi sự nay đâu còn như xưa. Xe vút đi. Gần một tiếng sau, ông trở lại, tôi hỏi: “Nhạc sĩ có tìm được gia đình năm xưa từng ở không?” Trên nét mặt tỏ rõ sự phấn khởi, ông nói: "Có, tôi may mắn gặp một bác tuổi đã cao đang đi trên đường, hỏi - bác ấy chỉ đúng chỗ bờ ao ngày xưa mình từng sơ tán ở trọ. Giờ khác nhiều quá!"
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trong chuyến tham quan, vãn cảnh chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng). |
Được biết, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân theo học âm nhạc từ năm 9 tuổi. Những năm kháng chiến, ông cùng các bạn phải đi sơ tán, hết về Yên Dũng lại trở lại Vân Đình, Phùng (Hà Tây cũ) rồi về Hiệp Hòa.
Ông nhớ chuyến xa nhà đầu tiên vào tháng 9/1965. Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, giặc Mỹ điên cuồng ném bom miền Bắc, anh chị em ông theo bà nội về quê ở làng Vạc (Bình Giang - Hải Dương) tránh bom. Gần một năm sau, Trường Âm nhạc Việt Nam mở lại, sơ tán về huyện Yên Dũng. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận - cha ông chở ông lên trường bằng xe máy, qua mậu dịch Cửa Nam, số 5 Nam Bộ mua một cái chậu thau tráng men (loại nhỏ) để mang theo rửa mặt.
Ở nơi sơ tán (nay là xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng), lúc đầu mới đến, học trò nhỏ được gửi vào ở nhờ nhà hộ dân trong xóm. Sau rồi, nhà trường và người dân làm cho khu lán ở bãi đất rộng của làng. Những cậu học sinh trường nhạc lúc đó mới 9, 10 tuổi, chiều chiều cả nhóm ra rìa đồng nhìn về phía núi xa và nghĩ rằng đi hết quả núi kia là về Hà Nội. Lúc đầu nhớ nhà lắm. Cảm giác ấm áp, xúm xít của những cô cậu học trò nhỏ xa nhà trong những gian nhà tranh nứa bên nồi khoai lang luộc thơm nức do người dân mang cho khiến ông luôn có cảm giác nặng ơn nghĩa tới giờ. Sau Hiệp định Paris năm 1972, trường mới trở về Hà Nội. Sau đó 4 năm ông được cử đi học âm nhạc tại Liên Xô cũ 10 năm, tới năm 1985 trở về nước.
Đoàn sáng tác âm nhạc đã có chuyến đi từ Yên Dũng đến vùng Tây Yên Tử (Sơn Động), được thưởng ngoạn những cảm giác bay bổng trong mây bằng cáp treo lên chùa Thượng, rồi lại bát ngát trong sóng nước trên hồ Khuôn Thần (Lục Ngạn), nghe những khúc dân ca của đồng bào dân tộc Sán Chí, đến miền quan họ ở Việt Yên, để lại bao cảm xúc lắng đọng trong mỗi người.
Sau chuyến đi, với cương vị Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và tham gia các chương trình biểu diễn, công diễn ở trong nước và nước ngoài, dù rất bận rộn song nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân vẫn dành thời gian viết hai ca khúc mới nhất dành cho Bắc Giang là “Thương người khúc hát dân ca” và “Đi trong câu hát dân ca”.
Tên ca khúc có vẻ giống nhau nhưng lời ca, giai điệu lại hoàn toàn khác lạ. Với “Thương người khúc hát dân ca”, ông lấy ý thơ của Phạm Thế Minh với giai điệu dịu dàng - da diết, tiết tấu kỹ thuật cao. Còn với ca khúc “Đi trong câu hát dân ca” là giai điệu tâm tình, sâu lắng. Chỉ đọc lời ca thôi, đã thấy tình cảm sâu lắng của ông dành cho mảnh đất tình người, tình quê Bắc Giang tha thiết. Đây là một trong số 11 ca khúc mới viết về Bắc Giang trong dịp Trại sáng tác Âm nhạc - Nhiếp ảnh tỉnh và đã được công diễn vào tối 8/10/2022 trong chương trình nghệ thuật với chủ đề "Sáng mãi Bắc Giang".
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trong chuyến đi thực tế sáng tác tại huyện Lục Ngạn. |
Ở Bắc Giang, hầu hết khán giả thường nhắc nhiều về ca khúc “Gửi về Sông Lục núi Huyền” của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. Bên cạnh đó, tôi còn được biết ông đã phổ nhạc bài “Sông Thương tóc dài” theo ý thơ của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Và khi nói về ca khúc này, ông chia sẻ: "Có cô ca sĩ ở Bắc Giang rất xinh, hát hay đấy, nhưng bài của tôi viết là Đền Trung, đền Thượng hương khói vô vi thì lại hát là vi vu. Hát sai từ sẽ khiến đổi ý nghĩa của lời ca… "Bài hát Gửi về sông Lục núi Huyền với giai điệu ngọt ngào, thấm đẫm chất dân ca Bắc Bộ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân từng nói, đã lấy cảm hứng từ vùng quê Lục Ngạn với lời ru: “Em là con gái Bắc Giang…” mà thuở nhỏ mẹ ông thường hát ru. Và ông sáng tác bài hát này sau một chuyến về thăm Suối Mỡ (Lục Nam)…
Những lần trở đi, trở lại với Bắc Giang đã gắn kết ân tình sâu lắng của nhạc sĩ nhiều hơn. Bắc Giang, còn một điều đặc biệt nữa đã ghi sâu vào sự trân quý của ông đó là ấp Cầu Đen- đó cũng là mảnh đất nên duyên của hai cụ thân sinh ra ông là nhạc sĩ Đỗ Nhuận và bà Nguyễn Thị Túc (em vợ nhà văn Nguyên Hồng). Đến giờ vẫn còn người chứng kiến đám cưới của ông bà và những người họ hàng ở bên họ nhà văn Nguyên Hồng là đằng ngoại của mẹ ông.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và các nhạc sĩ tại chùa Am Vãi (Lục Ngạn). |
Từ trại sáng tác Âm nhạc, Nhiếp ảnh nghệ thuật tại tỉnh Bắc Giang năm 2021-2022, với những kết quả đạt được, cách thức công bố, quảng bá tác phẩm, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân rất trân trọng sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đối với hoạt động văn hoá nghệ thuật. Trước đó, đầu tháng 9 (từ 9/9 đến 11/9/2022) ông có chuyến công diễn tác phẩm “Tiếng vọng” viết cho dàn nhạc giao hưởng tại Liên hoan âm nhạc Âu-Á lần thứ 15, tại Kazan (Nga) - một liên hoan âm nhạc uy tín của quốc tế. Ngay sau chuyến đi này, vào ngày 20/9/2022, ông đã chọn Bắc Giang làm điểm tổ chức trại sáng tác văn học nghệ thuật Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho 30 văn nghệ sĩ ở 10 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng, Trung du và miền núi phía Bắc. Mong rằng Bắc Giang luôn là điểm đến toả sáng trong lòng văn nghệ sĩ và công chúng.
Và sau đây là tình cảm của nhạc sĩ với Bắc Giang qua phần ca từ của bài hát "Đi trong câu hát dân ca" do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân mới sáng tác: Tôi về đây, đi trên con đường xưa ấy. Nơi tuổi thơ, tôi mắc nợ Bắc Giang. Tôi về đây, đi trong vơi đầy nhung nhớ. Nhớ nước dòng Thương, nhớ bến đò ngang, nhớ khói lam chiều sau lũy tre làng. Từ trên núi cao buông xuống một cung đàn. Tính tẩu so dây, câu Sli câu Lượn. Hồn cha ông đã về đây hóa thành mây, thành trúc xanh Yên Tử, thành rừng cây Sơn Động. Gió! Gió đưa câu hát lan xa, về Lục Ngạn, Lục Nam, về Yên Dũng, Lạng Giang. Mùa vải sai chín rợp đường làng. Dập dìu trên sóng nước Khuôn Thần. Cô gái Sán Chí hát tình ca, gọi gió từ Tây Yên Tử qua. Qua Tân Yên về Yên Thế, cùng Việt Yên ôm trọn Hiệp Hòa, gặp câu hát quan họ vút lên bên dòng sông Cầu. Tôi đi trong câu hát dân ca. Người ơi! Người ở đừng về.
Ý kiến bạn đọc (0)