Nhà hát Chèo Bắc Giang kỷ niệm 60 năm thành lập
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác. |
Nhà hát Chèo Bắc Giang tiền thân là Đoàn Chèo Sông Thương, được thành lập năm 1959. Nhà hát có chức năng tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật chèo, nghệ thuật ca múa nhạc phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh; khai thác, bảo tồn, phát triển nghệ thuật chèo truyền thống và các loại hình ca, múa, nhạc dân gian...
60 năm qua, Nhà hát đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, chuyên môn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang giao phó, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ, xây dựng quê hương đất nước cũng như bảo tồn và phát triển bộ môn nghệ thuật chèo truyền thống.
Hằng năm, Nhà hát tổ chức biểu diễn từ 130 buổi trở lên, dàn dựng nhiều tiết mục, vở diễn, chương trình ca múa nhạc dân gian có chất lượng nghệ thuật; tổ chức tập huấn, phục hồi hàng chục câu lạc bộ (CLB) chèo, ca trù; đàn và hát dân ca cho các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Đơn vị tham gia nhiều kỳ hội diễn, liên hoan sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc và đạt được thành tích cao với hàng trăm huy chương Vàng, Bạc dành cho các tập thể, cá nhân. Đặc biệt, năm 2019, Nhà hát giành HCV vở diễn “Người con gái Kinh Bắc” tại Liên hoan Chèo toàn quốc tổ chức tại TP Bắc Giang.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng hoa chúc mừng Nhà hát Chèo Bắc Giang. |
Nhiều năm liền, Nhà hát đạt đơn vị xuất sắc của ngành, chi bộ trong sạch vững mạnh, cơ quan văn hóa cấp tỉnh, thành phố. Đến nay, Nhà hát Chèo có một cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, 8 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Tập thể đơn vị 4 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì (2004; 2009)…
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương ghi nhận, biểu dương những đóng góp của Nhà hát Chèo Bắc Giang trong suốt chặng đường 60 năm qua. Đồng chí nhấn mạnh, trong bối cảnh các loại hình văn hóa, nghệ thuật, giải trí phát triển mạnh mẽ, để nghệ thuật chèo có sức hấp dẫn, lôi cuốn công chúng, thời gian tới, Nhà hát Chèo cần đổi mới phương thức lãnh đạo; tư duy sáng tạo nghệ thuật, cách thức thể hiện, kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống với hiện đại. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, qua Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2019 tổ chức tại TP Bắc Giang vừa qua cho thấy sức hút của nghệ thuật chèo đối với nhân dân Bắc Giang rất lớn, vấn đề đặt ra là phải luôn làm mới để loại hình nghệ thuật này ngày càng có sức hấp dẫn.
Đồng chí đề nghị Nhà hát Chèo tăng cường phối hợp với ngành giáo dục đưa nghệ thuật chèo đến với học sinh, sinh viên; gieo vào lòng giới trẻ tình yêu nghệ thuật chèo. Đồng thời, Nhà hát tích cực tham gia gìn giữ, bảo tồn các loại hình di sản khác như quan họ, ca trù, then… góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị, văn hóa, phát triển du lịch của tỉnh.
Một tiết mục văn nghệ tại Lễ kỷ niệm. |
Nhân dịp này, 3 tập thể, 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và Giấy khen của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
(BGĐT) - Trong khuôn khổ Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2019, Nhà hát Chèo Quân đội cùng 3 đoàn nghệ thuật của các tỉnh: Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hưng Yên đã thực hiện một số buổi biểu diễn phục vụ nhân dân tại các huyện trong tỉnh Bắc Giang. Những vở diễn lưu động đã thu hút đông đảo công chúng yêu nghệ thuật Chèo.
Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)