Nguyễn Thị Oanh và những bước chạy vượt giới hạn
"Viết sử" cho điền kinh
Nguyễn Thị Oanh trên đường chạy 5.000 m. |
Việt Nam Trong lịch sử, bộ môn điền kinh Việt Nam đã từng có nhiều VĐV xuất sắc song với Nguyễn Thị Oanh thuộc dạng hiếm có. Hai năm trước, khi SEA Games 29 không đưa nội dung chạy sở trường 3.000 m vượt chướng ngại vật vào chương trình thi đấu, Oanh phải chuyển sang tập cự ly sở đoản 1.500 m và 5.000 m nữ để tham gia tranh tài. Vậy nhưng, với phẩm chất tuyệt vời, Oanh đã bứt phá ngoạn mục để hai lần đứng trên bục vinh quang, ngước nhìn lá cờ đỏ sao vàng, nghẹn ngào, trào dâng nước mắt theo tiếng nhạc của bài hát Tiến quân ca.
Đến kỳ Đại hội này, may mắn mỉm cười với Oanh bởi ngoài hai nội dung đó, nước chủ nhà Philippines bổ sung thêm cự ly 3.000 m vượt chướng ngại vật nữ và Oanh được chọn làm nhân tố chủ chốt cho chiến dịch “săn” Vàng ở cả ba nội dung. Không khó hiểu cho quyết định ấy, bởi Oanh duy trì phong độ hết sức ấn tượng. Cô giành HCĐ 3.000 m vượt chướng ngại vật Đại hội Thể thao châu Á ASIAD 18; chiếm trọn 3 HCV, phá ba kỷ lục ở nội dung 1.500 m, 5.000 m và 3.000 m vượt chướng ngại vật tại Đại hội Thể thao toàn quốc cuối năm 2018 cùng vô số huy chương ở các giải trong nước và khu vực Đông Nam Á.
Bước vào chinh phục SEA Games 30 với sự trưởng thành vượt bậc về chuyên môn và kinh nghiệm thi đấu, Oanh thoải mái băng băng về đích để bảo vệ ngôi hậu cự ly 1.500 m với thành tích 4 phút 17 giây 35 trong buổi chiều ngày 7-12. Ba ngày sau, kỳ tích xuất hiện khi cô đánh bại mọi đối thủ để liên tiếp trong ngày giành HCV ở hai cự ly đòi hỏi rất nhiều thể lực, sức bền gồm: 5.000 m (sáng) và 3.000 m vượt chướng ngại vật (buổi chiều).
Không có nhiều người biết được rằng, giữa hai chiến tích huy hoàng ấy, Oanh có rất ít thời gian để nghỉ ngơi, hồi phục vì phải phục vụ việc kiểm tra doping đột xuất do ban tổ chức yêu cầu. Do cơ thể mất nước nên chỉ riêng việc lấy mẫu thử cũng mất tới 3-4 tiếng. Cũng chính vì điều này mà chiếc HCV và thành tích 10 phút 00 giây 02 (phá kỷ lục SEA Games) vào cuối giờ chiều của Oanh được giới chuyên môn điền kinh Đông Nam Á đánh giá là vượt qua giới hạn sức chịu đựng của cơ thể.
Trở về quê hương sau SEA Games 30, Oanh không khỏi bồi hồi khi nhắc đến những khoảnh khắc chinh phục thành công tại đấu trường Đông Nam Á. Cô chia sẻ: “Ở trạng thái thể lực bị bào mòn, tinh thần căng thẳng, tưởng rằng đã không thể hoàn thành được chặng đua 3.000 m. Vậy nhưng khi cất bước trên đường chạy, sự kỳ vọng của các HLV và người thân đã giúp tôi vượt qua tất cả”. Với 3 HCV cá nhân - điều chưa từng có VĐV điền kinh Việt Nam nào thực hiện được tại một kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á, không quá khi cho rằng, Nguyễn Thị Oanh đã thực sự được ghi danh vào lịch sử điền kinh nước nhà.
Tấm gương đầy nghị lực
Sau SEA Games, Oanh được gọi bằng rất nhiều mỹ từ như “cô gái vàng”, “nữ hoàng tốc độ”, “người không phổi”… Cô tâm sự mình chẳng phù hợp với điều ấy, bởi đơn giản cuộc sống hay công việc không phải là những điều hào nhoáng mà là sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ không ngừng.
Chính từ ý chí, nghị lực phi thường mà cách nay 5 năm cô giành chiến thắng trước bệnh viêm cầu thận - chứng bệnh rất kỵ với cường độ vận động mạnh, trở lại gắn bó với niềm đam mê đường chạy. Trước SEA Games 30, Oanh có tới hơn 7 tháng vật lộn với những giấc ngủ chập chờn, thậm chí nhiều đêm thức trắng. Cho tới khi diễn ra Đại hội, tâm lý căng thẳng trong cuộc đua hứa hẹn nhiều quyết liệt khiến bệnh thiếu ngủ càng thêm nặng. Chỉ đến khi vỡ òa niềm vui chiến thắng, mọi thứ mới tan biến.
Niềm vui chiến thắng của Nguyễn Thị Oanh. |
Một câu chuyện khác thể hiện cho quyết tâm lớn lao của Oanh là đầu năm 2018, khi chuẩn bị cho ASIAD 18, qua tìm hiểu, phân tích chuyên môn, các HLV đưa ra một thông số bất ngờ: Phải chạy được 3.000 m vượt chướng ngại vật dưới 10 phút mới có cơ hội cạnh tranh huy chương. Thời điểm ấy, dù chẳng tìm thấy đối thủ trong khu vực Đông Nam Á nhưng thành tích cao nhất của Oanh mới chỉ dừng ở khoảng 10 phút 10 giây. Vậy là cô hạ quyết tâm nâng cao thành tích bằng cách tăng khối lượng tập luyện và thành quả giành được là tấm HCĐ danh giá ở đấu trường châu lục - ASIAD. Lúc ấy, Oanh về đích cự ly 3.000 m vượt chướng ngại vật với thành tích 9 phút 43 giây 83.
Có một điểm thú vị ở nhà vô địch SEA Games đó là ngoài đam mê đường chạy, Oanh còn rất thích thú với sự nghiệp kinh doanh. 4 năm qua, dưới sự giúp sức của người bạn thân cựu VĐV ném lao Nguyễn Thị Huyền, Oanh thử sức và thành công trong vai trò chủ một cửa hiệu cung cấp sản phẩm thời trang thể thao ở ngã tư Nhổn, gần Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội.
Giành rất nhiều vinh quang nhưng cô gái SN 1995 quê ở thôn Nhuần, xã Mỹ Hà (Lạng Giang) vẫn chưa thực sự mãn nguyện. Tâm sự với chúng tôi, Oanh cho biết sẽ nỗ lực, dồn sức thực hiện mục tiêu giành suất dự Olympic Tokyo năm 2020. “Đây là vạch đích khó vươn tới nhưng chỉ khi tận lực chạy mới biết mình có đủ sức đến đích hay không”- Oanh khẳng định. Với ý chí, nghị lực lớn lao, được rèn luyện, thử thách cả trong cuộc sống và trên đường đua, chúng tôi có niềm tin lớn rằng Nguyễn Thị Oanh sẽ hiện thực hóa được giấc mơ Thế vận hội của mình.
Ý kiến bạn đọc (0)