Nguyên Cục phó Cục Quản lý Dược "để VN Pharma nhập thuốc giả"
Trong kết luận điều tra bổ sung vừa ban hành, ông Nguyễn Việt Hùng (65 tuổi, nguyên Cục phó Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế); Phạm Hồng Châu (63 tuổi, nguyên Trưởng phòng Đăng ký thuốc thuộc Cục Quản lý Dược) và Lê Đình Thanh (39 tuổi, cựu cán bộ hải quan TP HCM) bị Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an, đề nghị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3, Điều 360, BLHS, khung hình phạt 7-12 năm tù.
Nguyễn Thị Thu Thủy (45 tuổi, cựu Phó phòng của Cục Quản lý Dược) bị đề nghị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo khoản 3 Điều 356 BLHS.
Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc VN Pharma, hầu tòa trong giai đoạn 1 vụ án. |
Là những người có vai trò cầm đầu, Nguyễn Minh Hùng (43 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma); Võ Mạnh Cường (43 tuổi, cựu Giám đốc công ty H&C) và 7 người khác bị đề nghị truy tố về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh theo khoản 4 Điều 194 BLHS.
Quá trình điều tra bổ sung sau khi Viện KSND Tối cao trả hồ sơ hồi tháng 3, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an cho rằng chưa đủ căn cứ xác định sai phạm của Cục Quản lý Dược trong việc không dừng lưu hành các thuốc mang nhãn mác Công ty Health 2000 Canada hồi năm 2014.
Lý do là, Cơ quan an ninh điều tra đã đề nghị Bộ Y tế đối chiếu các quy định về chuyên ngành Dược vào thời điểm 2014 để đánh giá có hay không vi phạm. Nhưng đến nay Bộ Y tế chưa có văn bản trả lời. Ngoài ra, có 55/63 Sở Y tế cho biết không tiếp nhận thông tin gì về việc thuốc mang nhãn hiệu Health 2000 là giả.
Kết quả xác minh tại Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho thấy, từ tháng 1/2014 đến tháng 6/2015, đơn vị này không tiếp nhận, chuyển phát các bưu phẩm có thông tin người gửi là Công ty Health 2000, Tổng lãnh sự quán Canada, người nhận là Bộ Y tế, ông Trương Quốc Cường (Thứ trưởng).
Ông Trương Quốc Cường trình bày, những thông tin và tài liệu năm 2014 Cục Quản lý Dược nhận được chưa đủ cơ sở để dừng lưu hành các thuốc mang nhãn mác Health 2000, chưa đủ cơ sở đề nghi ngờ về nguồn gốc thuốc.
Ông Cường cho rằng, khi đó với cương vị là Cục trưởng Cục Quản lý Dược, ông đã chỉ đạo đơn vị chức năng liên hệ và đề nghị phía Canada trả lời chính thức bằng văn bản để có căn cứ xử lý theo quy định. Tuy nhiên, phía Canada không có văn bản trả lời nên ông đã chỉ đạo chuyển thông tin liên quan, đề nghị Bộ Công an phối hợp xác minh làm rõ. Ngoài ra, Cục Quản lý Dược cũng có văn bản đề nghị hải quan tạm dừng nhập khẩu đối với loại thuốc mang nhãn mác Health 2000.
Cơ quan điều tra cũng cho rằng chưa đủ căn cứ xử lý hình sự đối với một số cá nhân, lãnh đạo Bộ Y tế trong việc để các thuốc mang nhãn Health 2000 Canada được cấp số đăng ký lưu hành và Quota nhập khẩu Việt Nam. Từ đó, Bộ công an giữ nguyên quan điểm truy tố đối với các bị can.
Nguyễn Minh Hùng đã có hành vi thỏa thuận với Võ Mạnh Cường để mua 838.000 hộp, 4 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada giả về nguồn gốc, xuất xứ trị giá hơn 54 tỷ đồng để nhập khẩu vào Việt Nam tiêu thụ.
Hai bị can thống nhất chỉnh sửa thông tin, giá thuốc trên hóa đơn để phù hợp với giá thuốc đã nâng khống trên các hợp đồng giữa VN Pharma ký với Aust Hong Kong. Nhóm này cũng chỉnh sửa logo của Helix thành logo của Health 2000 nhằm mục đích thay đổi nguồn gốc, xuất xứ thành thuốc do Health 2000 sản xuất, phù hợp với visa mà Cục Quản lý Dược đã cấp.
Bị can Nguyễn Thị Thu Thuỷ đã lợi dùng quyền hạn được giao là chuyên gia thẩm định tiểu ban pháp chế để tự ý thẩm định hồ sơ 2 loại thuốc. Bà này còn tự ý tẩy xoá, thay đổi kết quả đánh giá đề xuất mà không trao đổi với chuyên gia, không báo cáo lãnh đạo. Việc làm này của bà Thuỷ là tạo điều kiện để 2 loại thuốc giả được cấp số đăng ký không đúng quy định.
Ông Nguyễn Việt Hùng với chức vụ, quyền hạn là Cục phó Cục Quản lý Dược đã thiếu trách nhiệm, không kiểm tra kỹ biên bản thẩm định, đồng ý đưa 2 loại thuốc trên ra hội đồng xét duyệt cấp số đăng ký. Hành vi của bị can Hùng vi phạm quy chế hoạt động của hội đồng xét duyệt dẫn đến việc 2 loại thuốc này được cấp số đăng ký khi hồ sơ không bảo đảm quy định.
Từ đó VN Pharma đã sử dụng số đăng ký này nhập khẩu thuốc giả nguồn gốc, xuất xứ vào Việt Nam. Sau khi số hàng trên được thông quan, VN Pharma đã bán 624.000 hộp với tổng số tiền gần 52 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, bệnh viện, nhà thuốc.
Kết quả tương trợ tư pháp do Canada cung cấp xác định Health 2000 không có nhà máy sản xuất thuốc tại Canada và không sản xuất bất kỳ loại dược phẩm nào. Health 2000 cũng không có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Bởi vậy, cơ quan điều tra kết luận hơn 838.000 hộp, 4 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 trên là hàng giả.
Trong vụ án này, bị can Võ Mạnh Cường là người trực tiếp liên hệ, giao dịch với Raymundo (người kinh doanh thuốc ở nước ngoài) để cung cấp thuốc giả về nguồn gốc, xuất xứ mang nhãn mác Health 2000 Canada về Việt Nam. Cường còn trực tiếp thoả thuận với Minh Hùng để bán lô thuốc giả tương đương hơn 54 tỷ đồng.
Ngoài ra, Cường còn bị cáo buộc chỉ đạo đồng phạm chỉnh sửa thông tin, giá thuốc để phù hợp với giá đã nâng khống trong hợp đồng giữa VN Pharma và Austin Hong Kong; chỉnh sửa logo để thay đồi nguồn gốc, xuất xứ của thuốc.
Trước đó vụ án buôn bán thuốc giả xảy ra tại VN Pharma giai đoạn 1 đã được xét xử tại TAND TP HCM. Võ Mạnh Cường bị phạt 20 năm tù, Nguyễn Minh Hùng 17 năm; các bị cáo khác nhận mức án từ 3 năm tù treo đến 12 năm tù với cáo buộc buôn bán thuốc giả là H-Capita 500mg.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)