Người sửa thuyền và kho huyền tích bên sông Lục
Ông Lưu Văn Kiên giới thiệu những món cổ vật đã sưu tầm. |
Có duyên với cổ vật
Ngôi nhà của ông Kiên, một lão nông ngoại ngũ tuần nằm sát mép sông với những rặng tre xanh ngăn ngắt, lồng lộng gió trời và ngổn ngang… sắt thép. Ông bước ra khỏi căn nhà, giọng nói oang oang, bước chân nhanh nhẹn đón khách. Ông kể, nghề chính của mình là sửa thuyền. Bất kể tàu, thuyền to nhỏ khi hỏng hóc trên tuyến sông Lục Nam là kéo đến nhà ông. Các con ông cũng theo nghiệp ấy. Còn việc sưu tầm đồ cổ đến với ông như duyên tiền định, đó cũng là niềm yêu thích, sự đam mê được tận thấy, được suy nghĩ, được tưởng tượng về một thời rất xa của người Việt…
Dòng sông Lục Nam gắn bó với ông Kiên từ thuở ấu thơ và sau này giúp ông gặp được nhiều khách hàng đến nhờ sửa thuyền. Khách đến từ nhiều nơi, mang theo bao câu chuyện về cuộc sống sông nước. Lắng nghe cánh thuyền chài, ông hay thấy họ kể về những món đồ cổ vớt được từ dưới lòng sông Lục Nam. Nhiều lắm, từ chiếc bát, chiếc chén bằng sứ, bằng đất, gốm cho đến rìu đá đủ mọi hình thù, kích cỡ. Từ những chiếc lọ xinh xinh mà người ta còn nghi có cả vàng trong đó cho đến những khẩu súng chắc có từ thời Pháp thuộc.
Rồi họ lại kháo nhau rằng nhiều thứ được dân săn đồ cổ lùng sục rất ghê, trả giá đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng. “Tôi nghe họ kể cũng thấy kỳ lạ. Dưới lòng sông lại nhiều cổ vật đến thế cơ à? Vậy là nảy ra ý tưởng thu gom. Tôi bảo với mọi người là có đồ gì vớt được từ dưới sông này sẽ mua hết, thậm chí cả những đồ vỡ, không bán được cho ai, tôi vẫn mua. Chính vì thế, ai có gì cũng mang bán cho. Vợ tôi ban đầu cho rằng chồng gàn dở khi bỏ tiền mua mấy thứ chả có giá trị gì. Nhưng lâu dần, bà ấy thông cảm vì thấy tôi say mê mấy món đồ này!”.
Dần dà, qua nhiều năm, ông tích lũy được kha khá đồ cổ do dân thuyền chài qua lại bán cho. Vào nhà ông có thể thấy những bình vôi, chiếc bát, chén, những chiếc bình đủ mọi hình dạng. Có chiếc mượt mà với lớp men xanh mướt, có chiếc mai mái hoặc trắng ngần với lớp gốm nguyên sinh. Chiếc tủ gỗ đặt giữa nhà cũng là nơi để hàng trăm chiếc rìu đá, dao đá, hòn đánh lửa… từ xù xì, mộc mạc cho đến nhẵn bóng như thể soi gương được. Rồi lổng chổng bên cạnh là bình toong, khẩu súng, thanh gươm hoen rỉ… Trên bàn uống nước đặt trang trọng vài con rồng, con nghê, chó đá nhỏ nhắn, xinh xắn và đầy bí ẩn.
Giá trị trường tồn
Ông Kiên mê cổ vật lắm. Người con trai cũng ngấm cái sự đam mê ấy và luôn động viên bố. Nhưng ông chẳng phải “chuyên gia” nên không thể biết những cổ vật ấy quý ở điểm nào, cũng chẳng biết thời gian ra đời của những cổ vật trong nhà mà mình bỏ hàng đống tiền ra mua. Ông chỉ thích thú được ngắm và tưởng tượng xem cái này thì trước đây người ta để làm gì, cái kia có tác dụng như thế nào. “Có lần tôi mua được một vật đẹp lắm, hình dạng như những cánh sen đang bung nở, chất liệu gì đó rất lạ, đen nhánh nhưng lại khá dẻo. Các mặt đều có chạm khắc rồng rất tinh xảo mà máy móc bây giờ cũng khó có thể làm được".
Những món cổ vật ông Lưu Văn Kiên đã sưu tầm. |
Nhiều món đồ cổ ông sưu tập được có giá hàng chục triệu đồng. Tôi hỏi: "Ông không biết gì về cổ vật thì có bao giờ bị lừa mua phải đồ giả?" Ông khẳng định chắc như đinh đóng cột: "Không dễ lừa đâu nhé. Đồ giả không bao giờ bén được vào đây. Hình như tôi có cảm nhận riêng khi nhìn vào những đồ này. Trong thời gian sưu tầm, tôi cũng thấy có một số người mang đồ đến nhưng nhìn qua có thể khẳng định là giả rồi. Những loại ấy bán với giá 50 nghìn đồng cũng không mua”. Ông cảm nhận: “Với đồ thật thì dù phần nào hỏng cũng không sao, phần còn lại thì chỉ cần nhìn qua đã thấy đẹp. Dù có ố, bong tróc, cũ một chút cũng vẫn đẹp”.
Người đàn ông này có mơ ước giản dị là xây được nhà mới để có chỗ trưng bày cổ vật cho đúng với “tầm vóc” của chúng. Để các con, cháu đời sau biết rằng người Việt chúng ta đã sống như thế nào trên mảnh đất Lục Nam này. Lưu giữ đồ cổ, tìm hiểu về chúng, ông thấy cuộc sống thêm thi vị, thêm yêu và tự hào về vùng đất quê hương.
Lớp trầm tích văn hóa
Chúng tôi tìm gặp ông Đỗ Tuấn Khoa, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang với hy vọng giải mã được kho đồ cổ của ông Kiên. Khi nhắc tên, ông Khoa không tỏ ra bất ngờ mà còn kể nhiều câu chuyện về người đàn ông sưu tầm cổ vật ở sông Lục như thể đã quen biết từ lâu. Thì ra ông Khoa đã cùng với một số nhà nghiên cứu lịch sử đến nhà ông Kiên nhiều lần và đều ngỡ ngàng bởi số lượng cổ vật ở đây rất lớn. Theo đánh giá ban đầu thì những cổ vật này hội tụ từ văn hóa Đông Sơn, thời Hán Đường, thời Bắc thuộc đến thời Lý Trần, Lê, Nguyễn…
Đôi bờ sông Lục. Ảnh: An Khánh |
Ông Khoa khẳng định, ngược dòng thời gian thì những cổ vật mà lão nông Lưu Văn Kiên sở hữu thể hiện dấu ấn của một vùng văn hóa lịch sử có từ lâu đời dọc theo tuyến sông Lục Nam. Trên địa chí thì làng Bòng nơi ông Kiên đang sinh sống như một là một điểm tiền tiêu nằm sát sông, xuôi một chút là vùng đất cổ Khám Lạng tiếp nối hệ thống của di tích Tây Yên Tử thời Lý -Trần.
Đặc biệt, trước đây, tỉnh Bắc Giang đã 2 lần tổ chức khai quật di chỉ cầu Từ, cách nhà ông Kiên không xa và đã phát hiện rất nhiều dấu tích điển hình của thời Lý - Trần với những chân móng nhà, chùa, vật liệu xây dựng, điêu khắc, linh thú… rất đẹp. “Đặc biệt là đồ thời Trần hiện hữu nhiều trong kho đồ cổ của ông Kiên. Người am hiểu về gốm có thể nhìn ra ngay gốm nhà Lý, gốm nhà Trần. Nó là những minh chứng bổ sung về một Bắc Giang có lịch sử văn hóa rất lâu đời”, ông Khoa nói. Cũng theo ông Khoa, dòng sông Lục Nam cũng gắn rất nhiều với huyền tích của thời Lý -Trần và kéo dài sang cả thời Lê sau này.
Chia tay chúng tôi, ông Khoa tỏ ra tiếc nuối là hiện nay chưa có một cơ chế nào để cùng với ông Kiên gìn giữ kho cổ vật và mong muốn sớm có những cuộc khai quật, khảo cổ ở vùng đất này. “Đấy là một trong những địa chỉ mà chúng ta cần quan tâm, nghiên cứu nhiều hơn nữa. Trước mắt, chúng tôi coi ông Kiên như một “vệ tinh” trong việc bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa ở vùng đất này”.
Nguyễn Trường
Ý kiến bạn đọc (0)